Nữ chuyên viên đăng kiểm lừa đảo

Ngày 29-7, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện KSND TP đề nghị truy tố Trần Thị Thu Thủy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giăng bẫy

Hành vi sai phạm của Trần Thị Thu Thủy bị người dân tố giác đến Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội từ đầu năm 2009. Nội dung đơn cho thấy, nữ chuyên viên này bằng thủ đoạn vay tiền đầu tư vào các dự án, trả lãi suất cao, sau đó không trả và tìm cách khất lần. Một tình tiết đáng chú ý là nhiều người đứng đơn tố cáo Thủy lại là đồng nghiệp của cô ta. Số tiền các bị hại trình báo bị Thủy vay lên đến hàng chục tỷ đồng. Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, cơ quan công an đã khẩn trương vào cuộc, xác minh. Từ đây, sai phạm của nữ chuyên viên Cục Đăng kiểm đã bị lật tẩy.

Khoảng năm 2007, Thủy về công tác tại Cục Đăng kiểm. Một năm sau đó, khi đã tạo dựng được mối quan hệ với các đồng nghiệp, cô ta bắt đầu khoe khéo có quan hệ với nhiều cơ quan quản lý tài sản nên có thể mua các loại xe ô tô thanh lý với giá rẻ. Từ những chiếc xe thanh lý này, công ty của gia đình Thủy sẽ tân trang lại, bán ra thị trường với giá cao gấp nhiều lần. Ngoài ra, Thủy còn giới thiệu có em trai làm giám đốc một doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xây dựng, nên đã được Tổng Công ty Vinaconex ưu tiên cho san lấp dự án sân golf của tổng công ty. Khi thanh toán tiền theo hợp đồng thi công, Tổng Công ty Vinaconex sẽ ưu tiên cho mua thẻ chơi golf với giá ưu đãi và người mua thẻ có quyền bán đi với lãi suất cao. Tự quảng cáo xong, Thủy đặt vấn đề với nhiều đồng nghiệp cần huy động vốn và công ty của gia đình Thủy sẽ trả lãi suất từ 5-10%.

Mắc lừa

Tin tưởng vào mối quan hệ đồng nghiệp, nhất là lại ham lãi suất cao, nên nhiều người cùng cơ quan với Thủy đã rút tiền nhà, thậm chí đi vay mượn để “đầu tư”. Thời gian đầu, Thủy thanh toán lãi rất đúng hẹn. Điều này khiến những người đã góp vốn với Thủy càng tin tưởng, thậm chí, nhiều người chẳng buồn kiểm tra tính xác thực của các dự án, cũng như không yêu cầu Thủy viết giấy biên nhận số tiền vay. Bắt đầu từ cuối năm 2008, việc trả lãi của Thủy có dấu hiệu chệch choạc, thường sai hẹn và không trả đủ lãi.

Các “nhà đầu tư” khi đó mới chột dạ, muốn rút lại tiền, nhưng Thủy tìm cách khất lần, rồi đột ngột tuyên bố... không có khả năng trả nợ. Biết mắc bẫy lừa, các bị hại đã làm đơn tố cáo Thủy đến cơ quan công an. Quá trình điều tra, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội xác định có 8 đồng nghiệp của Thủy đã cho vay tiền và bị Thủy chiếm đoạt với tổng số tiền lên tới 49,6 tỷ đồng (chỉ tính tiền gốc, chưa tính lãi). Và cho đến lúc ấy, các “nhà đầu tư” mới biết những dự án mà đồng nghiệp Thủy đưa ra đều không có thật. “2 công ty gia đình” mà Thủy từng khoe cũng đều không có các dự án như kể trên, và cũng không liên quan đến số tiền mà Thủy đã huy động vay của mọi người.

Điều trớ trêu trong màn kịch lừa mà Trần Thị Thu Thủy dựng lên, là có những người đang phải gánh khoản nợ lớn do trót đứng ra huy động vốn giúp Thủy. Điển hình như bà Đặng Thị Hồng Y., công tác tại một đơn vị trong Cục Đăng kiểm; tin lời quảng cáo của Thủy, bà Y. đã đứng ra huy động gần 15 tỷ đồng của bạn bè, người thân để cho Thủy vay. Sau khi Thủy tuyên bố vỡ nợ, bà Y. buộc phải mang tài sản của gia đình đi bán, trả nợ cho những người đã hùn vốn. Về phần mình, tại CQĐT, Trần Thị Thu Thủy khai do “nghiện” lô đề, cờ bạc nên cô ta đã nghĩ ra các dự án “ma” để lừa đảo. Có ngày, Thủy nướng vào xổ số, lô đề tới cả tỷ đồng. Với hành vi phạm tội trên, CQĐT CATP Hà Nội đã đề nghị Viện KSND TP truy tố Trần Thị Thu Thủy theo khoản 4 Điều 139 - BLHS, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Theo Minh Hà (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm