Những căn nhà ở Hà Nội khi cháy không biết chạy đâu

Thời gian qua, hàng loạt vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Trong số này, không ít nạn nhân tử vong bởi không thể tìm ra lối thoát khi có cháy. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính việc người dân hàn kín sắt để chống trộm hoặc cơi nới “chuồng cọp” để thêm diện tích sử dụng.

Những chiếc "chuồng cọp" có thể bắt gặp ở bất cứ khu tập thể cũ nào.

Chết vì không có lối thoát

Điển hình như ngày 13-7, tại căn nhà ba tầng ở phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bốn người trong gia đình dù phát hiện cháy nhưng không thể thoát ra ngoài do mặt tiền tầng hai và tầng ba không có lối thoát hiểm. Các cửa sổ được hàn song sắt kiên cố, lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt.

Dù hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến ứng cứu thì cả bốn người đã tử vong vì ngạt khói.

Hoặc như gần đây nhất, ngày 19-7, một vụ cháy lớn xảy ra tại căn nhà bốn tầng ở phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thời điểm lửa bùng phát ở tầng một, trong nhà này có bốn người nhưng chỉ có duy nhất một người kịp thoát ra ngoài theo lối cửa chính. Ba nạn nhân còn lại mắc kẹt ở tầng ba.

Các tầng hai, ba, bốn của căn nhà này đều bị bịt kín bởi các thanh sắt được hàn kiên cố. Khi cứu nạn, cảnh sát PCCC phải tiếp cận tầng ba bằng thang, dùng kìm thủy lực cắt các song sắt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chỉ giải cứu được một nạn nhân, hai người còn lại đã không thể thoát nạn vì ngạt khói.

Các "chuồng cọp" này được hàn sắt rất kiên cố, hầu như không có cửa thoát.

Việc người dân tự ý hàn khung sắt hoặc cơi nới “chuồng cọp” có thể bắt gặp ở bất cứ con phố nào trên địa bàn thủ đô. Không chỉ tập trung tại các khu tập thể cũ, tình trạng này dường như đang “lây lan” tới cả những khu đô thị mới xây dựng.

Ông Bùi Văn Hoàn (56 tuổi, trú khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hộ nhà mình có cả thảy năm nhân khẩu nhưng diện tích căn hộ chỉ rộng hơn 20 m2. Để “du di” thêm chút không gian, ông và gia đình đã xây thêm một chiếc “chuồng cọp” chìa ra bên ngoài ban công, nhằm lấy chỗ phơi đồ, giặt giũ… Không chỉ ông, nhiều hộ trong khu tập thể cũng làm vậy.

Khi được hỏi về việc bịt kín lối thoát như vậy, nếu có cháy từ cửa chính thì gia đình sẽ thoát nạn ra sao, ông chỉ cười trừ. “Phải hàn kín vậy để chống trộm, rồi nhà lại còn có cháu nhỏ, phòng trường hợp nó ra đó chơi xảy ra sự cố. Cháy thì tính sau, bởi thú thực là tôi cũng chưa nghĩ đến” - ông Hoàn trả lời.

Không chỉ tập thể cũ, tình trạng cũng diễn ra tại nhiều khu chung cư mới.

Tạo cơ hội sống cho chính mình

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), đơn vị trực tiếp chữa cháy vụ hỏa hoạn ở phố Vọng, cho biết việc hàn kín các thanh sắt tại ban công của căn nhà khiến công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, ngoài việc bên trong chứa rất nhiều chất gây cháy như giấy, nylon, nhựa; mặt tiền toàn bộ bốn tầng của căn nhà đều có hàn các lồng sắt bao kín, dẫn tới chỉ có một lối thoát nạn duy nhất ở cửa chính.

Khó khăn chồng chất, khu ngõ ra vào lại quá nhỏ, cảnh sát phải sang căn nhà đối diện để tiến hành phun nước qua. Đồng thời lực lượng cứu hỏa triển khai một mũi bắc thang sắt lên tầng ba, phá lồng sắt tại ban công của căn nhà, kịp thời cứu được một nạn nhân.

Vị trưởng phòng khuyến cáo người dân không nên hàn các khung sắt kiên cố ở khu vực ban công, mặt tiền nhà. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong cả trường hợp thoát hiểm cũng như công tác cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn.

Do căn nhà này bị hàn kín sắt, hai nạn nhân không thể thoát ra ngoài, dẫn tới tử vong vì ngạt khói.

Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc hàn kín các thanh sắt quanh nhà đa phần do người dân tự ý thực hiện, còn trong thiết kế thì hoàn toàn không có.

“Nếu hàn sắt, người dân nên cắt mỗi tầng một cửa thoát hiểm đề phòng sự cố. Cửa này khi không dùng có thể đóng lại và khi xảy ra cháy có thể mở ra làm đường thoát nạn” - ông Liêm khuyên.

Cũng theo ông Liêm, lực lượng PCCC cơ sở và các ngành chức năng cần phải vào cuộc tuyên truyền, khuyến nghị người dân, kiểm tra, xử lý những "chuồng cọp" sai quy định, hướng dẫn cho người dân cách hàn khung sắt để không xảy ra những hậu quả đau lòng như thời gian qua.

Một số hình ảnh PV ghi nhận về tình trạng trên:

Hàng loạt căn hộ bị "vây kín" bởi lưới sắt chống trộm.

Nội bất xuất, ngoại bất nhập!

Thậm chí nhiều hộ còn hàn thêm cả tôn kín mít.

Nếu xảy ra hỏa hoạn, cơ hội thoát hiểm gần như không có.

Việc hàn sắt như thế này đồng nghĩa với tự xây "cửa tử" cho chính mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm