Nhìn lại Bộ luật Tố tụng hình sự 2003: Chưa tranh tụng thực sự

Số trước, chúng tôi đã nêu nhiều bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (Bộ luật 2003) như quy định thiếu thực tế, thiếu khả thi; chưa định rõ thẩm quyền; chưa ổn về chứng cứ, thời hạn tố tụng... Ngoài ra, theo khảo sát tình hình thi hành Bộ luật 2003 của VKSND tối cao tại nhiều địa phương, việc áp dụng các quy định trong nhóm thủ tục đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, giới hạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm... cũng có vấn đề.

Thiếu quy định về miễn tố

Chẳng hạn, chế định miễn trách nhiệm hình sự chỉ được quy định trong BLHS (Điều 25) với một số trường hợp như do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội; do người phạm tội đã tự thú, khai báo thành khẩn, hạn chế thấp nhất hậu quả tội phạm, góp phần hiệu quả vào phát hiện, điều tra tội phạm.

Quy định này chưa bao quát hết thực tiễn khiến nhiều vụ ít nghiêm trọng, phạm tội nhất thời, cơ quan tố tụng muốn miễn tố cũng không được. Thực tế có vụ vợ chồng xâm hại tài sản của nhau, chỉ có giá trị 500.000 đồng nhưng vì đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên VKS vẫn phải truy tố và tòa vẫn phải xử rồi tuyên án treo gây lãng phí công sức, thời gian của cơ quan tố tụng. Một số trường hợp thấy không cần thiết phải truy tố, VKS áp dụng chính sách hình sự linh hoạt nên vận dụng Điều 25 BLHS cho miễn trách nhiệm hình sự thì dẫn tới khiếu kiện, nghi ngờ có tiêu cực, bỏ lọt tội phạm. Từ đó, có ý kiến cho rằng nên bổ sung vào bộ luật mới điều luật về miễn tố mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Tòa vẫn phải xét hỏi chính

Một nguyên tắc tố tụng cơ bản là bị can, bị cáo phải được biết bị xét xử về tội gì để có thể chuẩn bị tài liệu, chứng cứ tự bảo vệ trước tòa. Tuy nhiên, Điều 196 Bộ luật 2003 (về giới hạn xét xử) lại cho phép tòa xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS truy tố trong cùng điều luật hoặc về tội khác nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. Giới luật sư cho rằng ít nhiều điều này đã ảnh hưởng tới sự chuẩn bị bào chữa của bị can, bị cáo.

Tại phiên tòa, Bộ luật 2003 đã thể hiện một phần tư tưởng tranh tụng theo Nghị quyết 08. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy về cơ bản, việc xét hỏi vẫn ở phía hội đồng xét xử trong khi kiểm sát viên, luật sư còn khá thụ động. Mổ xẻ, nhiều kiểm sát viên nói trình tự xét hỏi theo luật là thẩm phán chủ tọa hỏi trước, đến các hội thẩm rồi mới tới kiểm sát viên, luật sư. Trình tự đó gần như đã mặc định trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về hội đồng xét xử. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi luật theo hướng kiểm sát viên, luật sư hỏi và tranh luận là chính, còn tòa chủ yếu lắng nghe, đánh giá cán cân đôi bên mà ra phán quyết.

“Bó tay” tòa cấp trên

Cạnh đó, trong cơ chế hai cấp xét xử, phúc thẩm là cấp thứ hai để xử lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Phạm vi xét xử phúc thẩm được khoanh trong nội dung có kháng cáo, kháng nghị. Cấp phúc thẩm có quyền chấp nhận hay bác bỏ kháng cáo, kháng nghị và tuyên y án sơ thẩm, sửa án, hủy án để điều tra, xét xử lại hay đình chỉ vụ án.

Thực tiễn xét xử cho thấy Điều 249 Bộ luật 2003 về sửa bản án sơ thẩm chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh. Chẳng hạn, điều luật quy định hội đồng xét xử phúc thẩm được tuyên giữ nguyên mức hình phạt tù của án sơ thẩm nhưng cho hưởng án treo mà không quy định ngược lại là đổi án treo sang án tù. Như vậy, tòa phúc thẩm bó tay khi muốn sửa theo hướng giữ nguyên hình phạt tù nhưng bỏ phần cho hưởng án treo. Tương tự, nếu cấp sơ thẩm ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự, tức bị cáo được tha khi chưa phải ra trước vành móng ngựa thì tòa cấp trên bó tay, không xử phúc thẩm được dù thấy việc miễn của cấp dưới là sai.

Một vấn đề nữa, theo Bộ luật 2003, giám đốc thẩm được hiểu là thủ tục đặc biệt (phá án). Qua thực tiễn áp dụng, nhiều thẩm phán nhận xét luật hạn chế phạm vi giám đốc là chỉ được tuyên y án hoặc hủy án để điều tra, xét xử lại là chưa hợp lý. Tập hợp ý kiến các nơi cho thấy số đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm rất lớn, trên dưới 10.000 vụ/năm. Trong số những bản án có cơ sở để xét lại thì tới 1/3 sai sót nhỏ, có thể giao cho cấp giám đốc sửa ngay được, không nhất thiết phải hủy để buộc cấp dưới xử lại.

Thủ tục rút gọn chưa gọn

Để giảm tải cho cơ quan tố tụng, rút ngắn thời gian xử lý những vụ án đơn giản, ít nghiêm trọng, Bộ luật 2003 có hẳn một chương về thủ tục rút gọn. Nhưng theo thống kê năm năm qua, chưa đến 1% tổng số vụ án được giải quyết theo thủ tục này.

Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán nhiều nơi cho rằng nguyên nhân chính là các quy định còn chung chung, tùy nghi, không định rõ những trường hợp buộc cơ quan tố tụng phải áp dụng thủ tục rút gọn nên cơ quan tố tụng cứ theo thói quen cũ mà làm. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn theo luật (chỉ áp dụng với tội ít nghiêm trọng) là quá hẹp. Thực tế có những vụ án nghiêm trọng nhưng đơn giản, chứng cứ rõ, bị cáo thành khẩn nhận tội, gia đình-xã hội muốn xử lý nhanh lại không được.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm