Điều tra: Những chiêu “móc túi” người đổ xăng

Công an củng cố hồ sơ xử lý nhân viên cây xăng 'ảo thuật'

Liên quan đến loạt bài điều tra“Những chiêu móc túi người đổ xăng” khởi đăng trên Pháp Luật TP.HCM, ngày 20-1, Công an phường Linh Tây, quận Thủ Đức tiếp tục làm việc với nhân viên có hành vi gian lận Tạ Văn H. (39 tuổi, quê Bình Định).

Ngày 20-1, cửa hàng buộc nhân viên yêu cầu khách hàng nhìn lên bảng
điện tử trước khi đổ xăng. Ảnh: TÂN - YÊN

Chưa thừa nhận hành vi bơm nối số

Qua làm việc, H. thừa nhận từ tháng 11-2020 đến nay đã có hành vi lấy tiền của tám khách hàng đến đổ xăng vào ban đêm bằng thủ đoạn rút tiền thừa của khách như Pháp Luật TP.HCM đã đăng.

H. khai thêm mỗi lần lấy 100.000 đồng, tổng cộng đã lấy 800.000 đồng.

Công an phường Linh Tây đã xác minh qua điện thoại tại nơi thường trú của H. ở Bình Định. Công an địa phương cho biết H. có hộ khẩu thường trú ở huyện Phú Mỹ, Bình Định và chưa có tiền án, tiền sự gì.

Tại Công an phường Linh Tây, lúc đầu H. không thừa nhận hành vi gian lận nhưng với các chứng cứ mà báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp, H. thừa nhận hành vi rút tiền khi thối lại cho khách.

Hiện công an tiếp tục làm rõ hành vi bơm xăng nối số (không trả về số 0) để gian lận tiền của H. với khách hàng. Công an cũng cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp tài liệu, hợp tác để xử lý hành vi của người sai phạm.

Xin lỗi khách hàng vì không kiểm soát được nhân viên

Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Mỹ Hạnh, cửa hàng trưởng Cửa hàng xăng dầu xanh 03 thuộc Công ty TNHH Xăng dầu xanh, đánh giá hành vi của Tạ Văn H. là rất tinh vi và được sắp xếp, tính toán kỹ lưỡng.

Bà Hạnh nói: “Hành vi gian lận của nhân viên H. diễn ra vào ban đêm, mặc dù quản lý cửa hàng luôn túc trực nhưng khó thể theo sát toàn bộ 24/24 giờ. Đó là lỗi của chúng tôi”.

Bà Hạnh cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả khách hàng của cây xăng vì đã làm mất lòng tin của họ.

Bà cho hay H. là nhân viên thử việc từ tháng 11-2020 và được phân công trực ca đêm kiêm bảo vệ cửa hàng.

Sau khi báo phản ánh, cửa hàng đã hợp tác với công an để xử lý và đã tạm đình chỉ công việc đối với Tạ Văn H.

“Chúng tôi triển khai quản lý chặt hơn trong khâu phục vụ khách hàng. Để tránh trường hợp chồng số, các nhân viên phải đề nghị khách hàng nhìn lên bảng điện tử rồi mới bắt đầu bơm xăng. Trường hợp nhân viên không nhắc hoặc khách hàng phát hiện nhân viên không trả về số 0 thì khách hàng sẽ không phải trả tiền” - bà Hạnh nói.

Với trường hợp thối tiền, nhân viên phải đề nghị khách kiểm tra tiền trước khi rời đi. Nếu khách phát hiện thối thiếu tiền, cửa hàng đền gấp ba lần và sẽ xử lý nhân viên.

“Chúng tôi sẽ cho nhân viên kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu camera, đối với các trường hợp nào phát hiện có nạn nhân thì chúng tôi sẽ liên hệ để bồi thường” - bà Hạnh nói.

Anh Võ Thái Việt (nhân viên cửa hàng) cho biết: “Tôi rất bức xúc và xấu hổ, một cá nhân lại ảnh hưởng đến một tập thể khiến nhiều khách hàng nghĩ chúng tôi đồng lõa với anh ấy. Từ hôm qua đến giờ có rất nhiều người gọi điện thoại, nhắn tin hỏi nhưng tôi không dám trả lời”.

“Biết bị ăn gian nhưng cho qua”

Theo ghi nhận của chúng tôi, tối 15-11-2020, một khách nam vào đổ 40.000 đồng tiền xăng nhưng bị ăn gian 20.000 đồng. Sau khi khách nghi ngờ, hỏi thì nhân viên H. bơm thêm 20.000 đồng cho khách.

Chúng tôi đã đuổi theo, vị khách nam cho biết đã phát giác hành vi gian lận của nhân viên đổ xăng. “Lúc chạy xe vào, tôi nhìn thấy bảng điện tử đã có sẵn 20.000 đồng rồi nhưng tôi lo lấy tiền để trả nên không để ý, đến lúc quay lên thì máy đã lên số 40.000 đồng. Tôi mới hỏi sao 40.000 đồng mà bình xăng ít quá thì ổng đổ thêm... Lúc đó tôi biết nên cho qua” - người này nói.

Còn một phụ nữ đi xe biển số 53X3.... mà chúng tôi ghi nhận trong tối 22-11-2020 bị ăn gian 20.000 đồng cho biết: “Bình thường đổ 50.000 đồng thì vạch xăng trên xe ở chữ F trên đồng hồ nhưng lần này thì không phải như vậy... Họ ăn gian quá nhanh. Lần sau tôi sẽ không đổ xăng ở đây nữa”. 


Xử lý hình sự phải kêu gọi bị hại có đơn yêu cầu

Việc nhân viên dùng tiểu xảo lấy tiền ngay trước mặt khách và bơm nối số (không gạt cần trên trụ bơm xăng về số 0 khi bơm cho khách tiếp theo), luật sư Nguyễn Hoàng Nam, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Với thông tin mà báo phản ánh, muốn xử lý hình sự về các tội chiếm đoạt tài sản (lừa đảo hay trộm cắp) thì phải tìm ra nhiều cá nhân bị chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn gian dối của người bán xăng.

Cơ quan chức năng phải chứng minh thiệt hại của người mua xăng và bị hại phải có đơn yêu cầu, giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý được...

Tuy nhiên, do số tiền bị chiếm đoạt của mỗi cá nhân trong những trường hợp này thông thường chỉ vài chục ngàn đến 100.000 đồng nên hiếm người trình báo, yêu cầu.

Qua chứng cứ mà báo cung cấp, cơ quan điều tra cần kêu gọi bị hại lên tiếng tố cáo hành vi gian lận. Nếu số tiền đủ định lượng theo quy định thì có thể xử lý hình sự.

Ở góc độ khác, luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, bình luận: Để có những giải pháp hữu hiệu nhằm tránh tái diễn cảnh ngang nhiên móc túi khách hàng thì cần tiếng nói và hành động từ nhiều phía. Về phía người tiêu dùng, phải chủ động giám sát để bảo vệ quyền lợi của mình, báo tin cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để hội lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên. Hội này cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để công bố danh sách cây xăng thường xuyên xảy ra chuyện ăn gian...

Các cơ quan có thẩm quyền phải quy được trách nhiệm của chủ cây xăng để đảm bảo giải quyết được phần gốc vấn đề. Cửa hàng xăng phải lắp đặt camera giám sát, công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và khách hàng có quyền sử dụng các biện pháp mà Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định. P.LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm