Người giúp nông dân làm giàu

Như một duyên nợ, một niềm say mê, ông cặm cụi nhặt nhạnh kiến thức, kinh nghiệm để hướng dẫn nông dân cả nước... làm giàu!

Người ta nói ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” vì việc ông làm không ai chi tiền cả. Ông là nhà giáo Nguyễn Lân Hùng, con thứ năm của dòng họ Nguyễn Lân nổi tiếng.

Dạy cách làm giàu miễn phí

“Tôi không phải là người biết tuốt” - ông Hùng nói. “Kinh nghiệm của tôi, sách hướng dẫn do tôi viết ra đều là vốn kiến thức, trải nghiệm của tôi cộng với kinh nghiệm thực tiễn của những người nông dân mà tôi sống hàng ngày với họ”. Người đàn ông to lớn “Bạn của nhà nông” trong chương trình “Chào buổi sáng” của VTV1 cắt nghĩa về cái việc mà ông đã và đang làm nhiều năm qua.

Nhà giáo Nguyễn Lân Hùng trong lần gặp gỡ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Từ những cuốn sách nhỏ “bỏ túi” đến những bài giảng luôn chật cứng người nghe của ông Hùng, đã có hàng ngàn nông dân vươn lên trở thành những điển hình về chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều người trở nên giàu có, thành triệu phú từ những xóm làng nghèo khó.

Ông còn nhớ đã từng dẫn nguyên Bộ trưởng Trần Đình Hoan đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Trần Cảnh ở La Khê, Hà Tây. Anh này trở nên nổi tiếng về giàu có nhờ những phương pháp dâm cành, tạo cây giống nhờ những kiến thức mà ông Hùng đã viết thành sách. “Ngày ấy mới qua thời bao cấp, đồng tiền còn khó kiếm. Khi tôi và vị nguyên bộ trưởng có mặt, cứ mươi lăm phút vợ anh Cảnh lại mang một nón tiền lẻ vào đổ xuống giường, rồi lại ra bán cây giống tiếp". Rồi lần ông vinh dự đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm gia đình bác Khu ở Hải Dương có tiếng phát đạt nhờ nuôi ba ba, doanh thu mỗi năm từ vài trăm triệu tăng dần đến hơn một tỷ đồng...

Nhờ những “người số một”!

Cái chuyện ông đứng ra giúp kiến thức cho nông dân bắt đầu từ khi nào ông không còn nhớ nữa.

Đầu những năm 80 thế kỷ trước, có được một tập tài liệu về nuôi giun của Mỹ, ông lao vào đọc ngấu nghiến. Vất vả nghiên cứu, thử nghiệm cho đến khi nuôi giun thành công, đem ra cho nông dân ứng dụng... thì lại chẳng ai cần! “Khi ấy người dân chưa nghĩ đến và chưa muốn kinh doanh lĩnh vực này. Tôi đành xếp xó. Đến 20 năm sau, nhiều người tìm đến học hỏi và rồi họ đã làm giàu lên nhờ xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Tôi mừng lắm, vì cái công sức mình nghiên cứu thành công đã không bị bỏ phí”-ông Hùng kể.

Dường như không có người thành đạt, gương điển hình tiên tiến nào trong cả nước về chăn nuôi, trồng trọt lại không từng đọc và làm theo những tài liệu, sách “bỏ túi” đầy hữu ích mà “Bạn của nhà nông” đã viết.

Trong căn phòng khách nhỏ nhà ông, các bức tường xếp cao từng chồng sách. Số sách ông đã viết lên tới hàng trăm quyển, mỗi quyển đưa ra nhiều cách thức cụ thể chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh heo rừng, ba ba, lươn, ếch, giun, rắn, nhím, bảo quản cây vải, trồng mía... 40 năm là “bạn của nhà nông” giúp được ngần đấy người thay đời, đổi cảnh là một thành quả lớn lao không phải ai cũng đạt được.

Thật ra, thấy ông Nguyễn Lân Hùng mỗi ngày lên truyền hình trả lời cho khoảng 50 câu hỏi về mọi vấn đề nông dân thắc mắc, quan tâm, nhiều người bạn ông đâm lo. Họ hỏi “Những lĩnh vực mà ông không am hiểu, ông làm thế nào để giúp dân?”. Ông trả lời: “Tôi may mắn có sự giúp đỡ của nhiều bạn bè trong giới khoa học. Vì thế mỗi khi gặp những thắc mắc của dân, tôi đều dựa vào bạn bè là những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực đó để họ giải thích, hướng dẫn cho tôi. Tôi đem kiến thức đó trao đổi lại với người dân. Chẳng hạn khi dân hỏi mình nuôi rắn thế nào cho hiệu quả thì tôi gọi ngay cho giáo sư - tiến sĩ Trần Kiên, người am hiểu số một của Việt Nam về rắn. Hoặc như về cây ăn quả, tôi nhờ tới Trần Thế Tục; về động vật học nhờ Đặng Huy Huỳnh; về dinh dưỡng là Nguyễn Tài Lương... Toàn là những người số một của nước ta cả”.

Ông kể, cũng có người cự nự: “Kiến thức và kinh nghiệm không phải là thứ mà nhà khoa học dễ dàng có được. Ông có “đền đáp” lại cho họ cái gì không?”. “Tức là ý họ hỏi mình có lấy tiền của dân để trả cho người mình đã nhờ vả không” - ông kể và cười. “Tôi có cách làm riêng. Giáo sư, tiến sĩ nước mình có đầy nhưng thùng rỗng cũng không ít. Tôi chỉ hỏi những ai mà tôi tin là nhà khoa học thật sự. Hơn nữa, việc tôi làm công khai, cả nước biết. Họ hiểu rằng mình đang làm việc cho nông dân, không phải mưu cầu lợi riêng nên họ sẵn sàng chia sẻ và chia sẻ tận tình. Nhờ thế mà nhiều kiến thức, phương thức khoa học trong sản xuất, chăn nuôi đã được chuyển giao cho nông dân miễn phí” - ông khẳng định đầy tự tin.

Giọt nước mắt với dân

“Vậy đã bao giờ nông dân vì nghe ông mà thất bại chưa?” - tôi hỏi. “Có chứ!” - ông nhăn mặt, xúc động. Họ đến học mình cách làm là họ tin mình. Rồi thất bại, mình cũng đau lắm chứ. Có thể mình hướng dẫn họ nhiều bước nhưng chỉ cần làm sai một bước thôi là hỏng, thất bại ngay.

Ông kể lại cái lần ông đến nhà một gia đình được hướng dẫn nuôi ếch. Đến nơi, thấy ếch chết sạch vì bệnh, gia đình họ như đưa đám. Ông bảo nuôi ếch rất dễ bị bệnh nếu không làm đúng quy trình. Một gia đình khác học cách trồng nấm, khi đến xem thì cả diện tích trồng rất rộng không lên được cây nấm nào cả. Họ lo lắng lắm, bao nhiêu vốn liếng đầu tư cả vào đấy. “Tôi tìm hiểu mới biết do thời tiết quá nóng, nấm không phát triển lên được. Người dân thất bại tức là mình thất bại”.

“Ông còn nhớ thất bại nào do chính ông hướng dẫn chưa đúng...?”. “Có chứ, làm sao tránh khỏi! Sách tôi viết ra chủ yếu để hối thúc bà con cùng vào cuộc làm ăn mạnh mẽ hơn, còn quá trình làm những cái chưa phù hợp với địa phương này hoặc có thể rút ngắn ở địa phương khác tôi phải chỉnh sửa lại dần. Mỗi lần thấy bà con thất bại, tôi đau lắm nhưng không dám làm thì lại không có được kinh nghiệm, không có thất bại làm sao có những thành công lớn”. Cũng may là chưa có ai vì thất bại mà quay ra kiện lại ông cả.

Vác tù và hàng tổng

Nhiều người chưa biết rằng mấy chục năm đi khắp mọi miền đất nước, đến với bà con nông dân, ông Hùng đều bỏ tiền túi ra, nhà trường nơi ông giảng dạy cũng không phải chi đồng nào. Gần đây ông kể thật là thỉnh thoảng cũng có một vài cuộc chuyển giao công nghệ nho nhỏ kiếm được dăm ba triệu để trang trải chi phí nay đây mai đó.

Suốt ngày chân lấm tay bùn với người nông dân mà chả có tiền, có người từng gọi ông là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Ông cười xác nhận. “Nếu cứ nghĩ làm cái gì phải ra bao nhiêu tiền thì sẽ bỏ qua rất nhiều việc có thể làm được. Tôi còn nghĩ người ta làm việc còn có niềm say mê riêng chứ không nên chỉ có mỗi say mê tiền” - ông bộc bạch.

Thực tế, hình ảnh ông Hùng hiện đã quá thân thuộc với nông dân trong công cuộc tính kế làm giàu, mà trong kinh tế thị trường hiện nay, hình ảnh đó có thể “hái ra tiền”. “Có nhưng tôi không bán thương hiệu của tôi cho bất cứ ai. Tiền thì tôi cũng cần nhưng không thể làm bình phong cho những đơn vị làm ăn chộp giật, lừa lọc bà con”.

“Ông đã từng nói cho ông một tỷ ông sẽ giúp được nhiều người dân làm giàu hơn?”. Nói về giai thoại ấy, ông kể đã từng trình kế hoạch xin hai tỷ đồng để in sách hướng dẫn nông dân chăn nuôi, làm kinh tế. Ấy thế mà cán bộ của một bộ lại chê số tiền nhỏ quá, không “bõ công” để duyệt, “phải cỡ hàng chục tỷ đồng trở lên mới xét”. Vì thế họ không thèm ngó vào đề xuất đó và mỗi năm bộ này sử dụng tới hàng ngàn tỷ đồng vào việc dạy nghề mà hiệu quả với nông dân chưa cao.

Ông Nguyễn Lân Hùng từng là giảng viên của Trường đại học Sư phạm Vinh, rồi là giảng viên chính môn sinh lý thực vật tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện đang là giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, kiêm tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam.

Hoàng Đình

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm