Người đi mua bánh mì ở Nha Trang được công ty gọi đi làm trở lại

Sáng 20-7, thông tin với PLO qua điện thoại, anh Trần Văn Em (25 tuổi) cho hay tối qua (19-7) công ty đã gọi anh đi làm việc trở lại. Anh Em là người bị lưc lượng liên ngành phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang tạm giữ xe máy, giấy tờ khi anh đi mua bánh mì, nước uống trong thời gian giãn cách mà PLO đã phản ánh.

Lực lượng liên ngành phường Vĩnh Hòa chặn xe kiểm tra đối với anh Trần Văn Em. Ảnh cắt từ clip

Theo anh Trần Văn Em, sáng 19-7, sau khi anh đến UBND phường Vĩnh Hòa lấy lại xe máy, giấy tờ, anh về lại công trình để làm việc thì giám đốc công ty thông báo cho anh nghỉ việc một tháng. “Giám đốc công ty bảo tôi về nghỉ làm một tháng, tháng sau nếu có việc thì sẽ kêu đi làm. Giám đốc không giải thích lý do vì sao cho tôi nghỉ việc trong khi những người khác vẫn đang làm bình thường”- anh Em nói.

Tuy nhiên, đến khuya 19-7, có một người gọi điện cho anh Em, tự xưng là người của công ty bảo sáng mai đi làm lại bình thường. Anh Em cho biết thêm anh làm công nhân hàn nhôm công ty. Tuy nhiên, công ty không ký hợp đồng lao động với anh Em mà trả tiền công 200.000 đồng/ngày và 70.000 đồng chi phí xăng xe.

Theo anh Em, trung bình mỗi tháng anh được trả tiền công, xăng xe khoảng 6 triệu đồng. Sau khi trả tiền phòng trọ, tiền ăn hàng ngày, anh Em gửi về nhà phụ cha mẹ nuôi hai em nhỏ 10 tuổi và sáu tuổi.

Anh Em kể: khoảng 15 giờ 30 ngày 18-7, anh xin người quản lý đi ra ngoài mua bánh mì, nước uống cho anh và một số công nhân để ăn giữa ca vì đói bụng. Trên đường, anh Em bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, tạm giữ xe, giấy tờ với lý do cho rằng anh ra đường khi không cần thiết, bánh mì không phải là lương thực, hàng thiết yếu.

Khi chặn xe kiểm tra cũng như khi làm việc với anh Em, ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa cùng một số người có nhiều lời nói rất phản cảm, xúc phạm đến anh Em. “Em cũng rất bức xúc vì liên tục bị chèn ép nhưng em không thể nói lại vì sợ bị quy là chống cự. Em biết là người ta nói sai, nhưng nếu em nói lại thì sợ họ nói mình chống cự, hỗn hào”.

Cũng theo anh E. khi làm việc tại trụ sở UBND phường Vĩnh Hòa, trong khi vị phó chủ tịch phường liên tục cho rằng anh Em đã vi phạm khi ra đường vì bánh mì không phải là lương thực, hàng thiết yếu, anh chỉ im lặng, gật đầu chấp nhận. “Em biết bánh mì là thực phẩm chứ nhưng đành im lặng để cho người ta đúng. Em chỉ mong bình an, lấy xe về để còn đi làm ăn. Em cũng mong muốn sự việc dừng lại để có thể tiếp tục đi làm bình thường”- anh Em nói.

Một nguồn tin cho hay sau sự việc trên, UBND phường Vĩnh Hòa đã phân công lại nhiệm vụ phòng chống dịch của một số cán bộ phường, trong đó ông Trần Lê Hữu Thọ không còn phụ trách tổ kiểm soát dịch COVID-19. Tạm thời ông Thọ phụ trách các chốt phong tỏa, cách ly trên địa bàn phường Vĩnh Hòa, không tham gia đi kiểm tra như trước đây.

Như PLO đã thông tin, ngày 19-7, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ nhiều hai đoạn clip về sự việc trên. Một đoạn clip ghi lại hình ảnh anh Em bị lực lượng liên ngành phường Vĩnh Hòa chặn xe, kiểm tra giấy tờ trên đường và một clip ghi lại hình ảnh anh Em đang ngồi làm việc tại trụ sở UBND phường Vĩnh Hòa.

Nhiều người bình luận, tỏ thái độ bất bình về cách làm việc, lời lẽ của cán bộ UBND phường Vĩnh Hòa, về ý kiến cho rằng bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu.

Theo một lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa, hai đoạn clip trên do ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch phường này quay ngày 18-7 để làm bằng chứng. Người trong clip có các lời lẽ không đúng, cho rằng bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu là ông Thọ.

Sau đó, UBND TP Nha Trang đã chỉ đạo UBND phường Vĩnh Hòa trả lại xe máy, giấy tờ cho anh Em. UBND TP Nha Trang cũng yêu cầu chấn chỉnh cách làm việc của tổ công tác liên ngành phường Vĩnh Hòa; trong đó có chấn chỉnh hành vi của ông Thọ.

Yêu cầu các chốt, tổ lưu động hiểu đúng Chỉ thị 16

Chiều 19-7, Tỉnh ủy Khánh Hòa có công văn truyền đạt kết luận của thường trực Tỉnh ủy yêu cầu thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND TP Nha Trang quán triệt, chỉ đạo các chốt kiểm soát, tổ lưu động hiểu, vận dụng đúng tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm nhu cầu thiết yếu của nhân dân, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh theo đúng quy định.

Cũng trong chiều 19-7, Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản hướng dẫn về hàng hóa thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Công văn này nêu rõ các sản phẩm được chế biến bằng tinh bột là loại lương thực cần thiết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm