Người đàn ông làm giả 121 con dấu các cơ quan ở Đà Nẵng

Ngày 5-9, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam hai nam nghi phạm là Trần Đình Pháp (27 tuổi, quê tỉnh Đắk Nông) và Trần Ngọc Trinh (56 tuổi, ngụ quận Hải Châu, Đà Nẵng) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Công an còn đang lấy lời khai nhiều người khác để làm rõ vai trò đồng phạm.

Công an quận Thanh Khê khuyến cáo, các cơ quan, tổ chức khác cần rà soát kỹ các loại giấy tờ của người dân nộp để trình báo công an nếu nghi ngờ bị làm giả tránh hệ lụy về sau.

Phó chủ tịch phường bất ngờ vì bị giả chữ ký

Ngày  5-9, trao đổi PLO, ông Đoàn Văn Giang, Phó chủ tịch phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) cho biết, ngày 27-5, ông này bất ngờ khi một người bạn gửi một giấy xác nhận tình trạng kinh doanh có chữ ký của ông, con dấu của phường mình làm việc đều là giả.

Giấy này có nội dung xác nhận cho bà Nguyễn Thị Thu Thuyền (33 tuổi, ngụ trên địa bàn) về tình trạng kinh doanh. Ông Giang nhận định việc làm giả này sẽ gây huệ lụy cho xã hội nên lập tức cung cấp với công an để điều tra đường dây.

2 nghi phạm nghe đọc lệnh bắt tạm giam tại trụ sở công an. Ảnh: HẢI HIẾU

“Qua việc phát hiện đường dây làm giả này, tôi đề nghị người dân khi cần làm giấy tờ gì cần chính bản thân đi đến cơ quan có chức năng để xác nhận. Mọi người không nên qua môi giới có thể gặp giấy tờ giả, sau này gây thiệt hại cho bản thân”, ông Giang nói.

Qua xác minh, Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Thanh Khê biết được vào tháng 5-2020, bà Nguyễn Thị Thu Thuyền liên hệ ngân hàng TMCP An Bình (AB Bank tại phòng giao dịch Nam Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để lập hợp đồng vay tiền. Quá trình lập hồ sơ, bên ngân hàng yêu cầu bà Thuyền cung cấp giấy xác nhận tình trạng kinh doanh. Do bà Thuyền không đủ điều kiện nên UBND phường Thanh Khê Tây không xác nhận.

Sau đó, bà Thuyền kể việc này cho Lê Thị Thu Hà (27 tuổi, ngụ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) là nhân viên của ngân hàng trên. Tiếp đó, Hà giới thiệu bà Thuyền đi gặp Pháp có thể nhờ “dịch vụ” ký giấy xác nhận trên với giá hai triệu đồng. Bà Thuyền đồng ý và cung cấp thông tin và yêu cầu Pháp ký giấy xác nhận nêu trên.

Sau đó, Pháp đã làm giả rồi chuyển cho Thuyền để nộp vào hồ sơ vay vốn ngân hàng. Ngoài ra Pháp khai đã nhiều lần đặt mua tài liệu giả từ tài khoản trên mạng qua tài khoản Zalo mang tên “Gia Bảo”. Từ 6-2019 đến khi bị bắt, Pháp đã đặt qua tài khoản này làm nhiều tài liệu rồi giao lại cho người có nhu cầu để hưởng chênh lệnh.

Điều tra đường dây gặp khó vì dịch COVID-19

Trung tá Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự cũng nhận định hành vi này gây nguy hiểm cho xã hội, tuy kẻ làm giả thu lợi số tiền không lớn nhưng huệ lụy rất lớn, có thể rất nhiều người. Và cũng từ đây có thể kéo theo những hành vi phạm tội khác như lừa đảo nên quyết tâm làm rõ đường dây, bắt kẻ đứng sau.

Nghi phạm Trần Ngọc Trinh thực nghiệm việc làm giả tài liệu tại công an. Ảnh: HẢI HIẾU

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an xác định chủ tài khoản zalo “Gia Bảo” tên Mai Tài (29 tuổi, ngụ phường An Khê, quận Thanh Khê). Tuy nhiên, khi các trinh sát đeo bám tài thì cuối tháng 7, TP Đà Nẵng xảy ra dịch COVID-19, các hoạt động của doanh nghiệp dừng lại.

Từ đó, Tài cũng dừng việc cung cấp giấy tờ giả vì người có nhu cầu chững lại vì dịch.  Thêm vào đó, những người làm giả toàn sử dụng mạng xã hội với số điện thoại không có đăng ký rõ ràng nên cũng là một cản trở cho việc lần ra manh mối.

Tuy vậy, các trinh sát vẫn quyết tâm đeo bám Tài để lần ra kẻ đứng sau. Sau đó, công an phát hiện Tài đến nhà ông Trinh - người trực tiếp làm giả con dấu, tài liệu để chuyển cho Tài. Ông Trinh còn cung cấp nhiều tài liệu giả cho nhiều người khác với giá từ 100-200.000 đồng/tờ.

Ông Trinh sử dụng máy tính, máy in màu tại cơ sở kinh doanh dịch vụ photocopy “Uyên Vinh” ở 17 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) để soạn thảo văn bản theo yêu cầu. Sau đó, ông Trinh chèn vào các hình mẫu con dấu tròn đã được Trinh thu thập từ trước chỉnh sửa rồi in ra giấy. Để hoàn tất các loại giấy giả, ông Trinh cũng là người giả mạo chữ ký để ký vào các loại giấy tờ.

Qua đấu tranh, đối với tài liệu là “Giấy xác nhận tình trạng kinh doanh” của bà Nguyễn Thị Thu Thuyền, ông Trinh giao lại cho Tài với giá 100.000 đồng. Tài liên lạc và giao tài liệu trên cho Pháp với số tiền 600.000 đồng. Pháp liên lạc và giao tài liệu trên cho Thuyền với giá 2 triệu đồng.

Một giấy tờ giả nghi phạm Trần Ngọc Trinh thực nghiệm làm giả như thật tại trụ sở công an. Ảnh: HẢI HIẾU

Khám xét nơi ở của ông Trinh, công an thu giữ hai bộ máy vi tính một máy in màu…Đặc biệt, trong các máy vi tính trên hai USB có 121 mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu ở TP Đà Nẵng. Một số con dấu của những cơ quan của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), con dấu nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm