Nghệ An: Công an đến nhà làm CMND cho người bệnh

Từ tháng 3 đến nay, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã về tận nhà dân chụp ảnh, làm CMND cho hàng trăm trường hợp là người già, người bệnh tật, người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc màu da cam…

Bên cạnh những câu chuyện vui còn là những câu chuyện dở khóc dở cười chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Công an Thanh Chương trực tiếp về tận nhà làm CMND cho người dân có hoàn cảnh ngặt nghèo

Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM , Thiếu tá Lê Khắc Thịnh, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Thanh Chương, cho biết công việc này xuất phát từ chính thực tế địa phương anh sinh ra và nơi anh đang công tác.

Anh cho biết gần nhà anh cũng có trường hợp bị nhiễm chất độc màu da cam, nhà nghèo, con quanh năm chỉ nằm trên giường nên cha mẹ cũng chẳng thiết tha CMND gì, nhìn thấy rất thương.

"Ngày về Thanh Chương công tác, từ thực tế những chuyến đi tuyên truyền chính sách, vận động người dân giao nộp vũ khí, anh em nhận thấy địa phương mình có rất nhiều người già, 80, 90 tuổi con đi làm xa sống vò võ một mình nên chẳng làm giấy tờ gì, rồi người tàn tật, người có bệnh lý từ nhỏ: bệnh động kinh, tâm thần… nên cha mẹ không thể mang con đi làm CMND được. Từ đó, chúng tôi đã đề xuất lãnh đạo để các xã lập danh sách và Đội sẽ phân chia cán bộ về trực tiếp nhà dân làm cho bà con. Tất cả là hoàn toàn miễn phí. Tỉnh Nghệ An khuyến khích và ủng hộ kế hoạch này”-  Thiếu tá Lê Khắc Thịnh chia sẻ.

Thanh Chương là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam thuộc tỉnh Nghệ An, phía Tây Nam giáp Lào, với gần 40 xã. Trả lời về những khó khăn vất vả khi về trực tiếp từng hộ dân làm thủ tục giấy tờ, Thiếu tá Lê Khắc Thịnh cười xòa, bảo: “Có gì đâu, anh em về đó người chụp ảnh, rồi bà con lăn tay. Làm xong CMND thì gửi về cho bà con. Người già thì mình dìu cô bác đứng lên, người khuyết tật thì mình đẩy lên xe lăn, người bị bệnh thì có người nhà hỗ trợ".

"Kế hoạch về từng hộ gia đình làm CMND vẫn đang tiếp tục triển khai, một ngày còn bà con chưa có CMND thì mình còn phải đi làm vì nó còn liên quan đến quyền lợi của bà con sau này nữa” - Thiếu tá Thịnh cho biết.

Tuy nhiên, tìm hiểu mới biết, hơn 60 ngày về từng hộ gia đình làm CMND các anh gặp không ít câu chuyện dở khóc dở cười. Đó không chỉ là quãng đường xa như về xã Thanh Sơn, Thanh Đức, Thanh Xuân dài 30-40 cây số giữa những ngày trời miền Trung nắng như đổ lửa.

Đó không chỉ là những đoạn đường xóc và nhỏ, xe vào không được, cán bộ phải lội bộ vào.

Đó còn là sự kiên trì và tận tình với những người không may bị bệnh lý từ nhỏ: bị bệnh động kinh, tâm thần…

Có trường hợp, chiến sĩ đến chụp ảnh, lăn tay đúng lúc người bị tâm thần lên cơn nên cán bộ bị anh này nhổ nước bọt, đấm túi bụi… Lúc đó cán bộ phải dỗ hoặc nhờ người thân hỗ trợ để người bệnh bình tĩnh lại mới tiếp tục chụp ảnh, làm việc tiếp.

Nhiều người già bị liệt nằm một chỗ

Cụ ông phải di chuyển bằng xe lăn

Cán bộ, chiến sĩ  Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội đến chụp ảnh, lăn tay làm CMND cho bà con

Thiếu tá Lê Khắc Thịnh, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, trò chuyện cùng người dân.

“Là bệnh tật hành nên họ mới phản ứng vậy, chứ có sức khỏe, tâm trí ổn định thì họ đã đi làm việc, đã tới công an huyện tự làm CMND rồi. Mình ăn lương của dân, được dân nuôi nên phải làm tốt nhiệm vụ” - Thiếu tá Lê Khắc Thịnh khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm