Thay đổi cách quản lý với người sử dụng ma túy - Bài 2

Ngáo đá sẽ hết nhởn nhơ

Trong bài trước, Pháp Luật TP.HCM đã đề cập tới tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy tại Việt Nam ngày càng gia tăng, phức tạp và tệ nạn này là cội nguồn của hàng loạt vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, chưa có quy định về quản lý người sử dụng ma túy, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính nên dự luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) sẽ giải quyết vấn đề trên.

Quản lý chặt người sử dụng ma túy

Theo Bộ Công an, từ khi không xem hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm thì người sử dụng ma túy gia tăng chóng mặt. Thế nhưng cơ chế để quản lý với những người này chưa theo kịp hoặc không hiệu quả, gián tiếp gây ra tình trạng mất an ninh trật tự ở nhiều nơi do những người sử dụng ma túy gây ra.

Dự thảo luật mới định nghĩa rõ về người sử dụng trái phép ma túy là “người bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy hoặc xét nghiệm dương tính với chất ma túy”.

Dự thảo cũng luật hóa việc cưỡng chế xét nghiệm ma túy bằng quy định “Người không chấp hành yêu cầu xét nghiệm chất ma túy của người thi hành công vụ thì cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế để thực hiện xét nghiệm”.

Theo Bộ Công an, việc luật hóa hai vấn đề trên sẽ giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xác định người sử dụng trái phép ma túy để có bước xử lý tiếp theo.

Khi xác định được người sử dụng ma túy, ngoài việc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì họ sẽ được giám sát, quản lý, giáo dục để không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Họ còn phải chấp hành việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan công an cấp xã, khai báo khi thay đổi nơi cư trú để được theo dõi, quản lý. Trong thời hạn một năm người đó không còn sử dụng trái phép chất ma túy thì được đưa ra khỏi danh sách.

Bộ Công an nhận định với việc quản lý chặt như trên sẽ góp phần giúp người sử dụng ma túy không trở thành người nghiện, giảm thiểu hậu quả gây ra cho xã hội.

Các thanh niên tập trung trong một căn nhà ở Hóc Môn “đập đá” vào tháng 11-2017. (Ảnh nhỏ: Tháng 5-2016, thanh niên ngáo đá cố thủ trên sân thượng của một căn nhà ở quận Bình Tân) Ảnh: N.TÂN

Bỏ cai nghiện tại cộng đồng

Cùng với việc không bỏ lọt người sử dụng trái phép chất ma túy, Bộ Công an cũng đưa ra nhiều thay đổi trong chính sách quản lý đối với người nghiện.

Theo dự thảo, người nghiện phải tự khai báo với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc UBND cấp xã nơi cư trú; tự đăng ký hình thức cai nghiện và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện. Gia đình phải khai báo và đăng ký hình thức cai nghiện cho họ, giám sát hành vi người nghiện; đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật...

Công an cấp xã có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý, theo dõi và thống kê người nghiện ma túy cư trú trên địa bàn quản lý.

Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Mỗi bánh heroin lọt vào Việt Nam thì 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an. Phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở và cơ quan chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền về tội phạm ma túy.

Đại tướng TÔ LÂMBộ trưởng Công an, trả lời trước Quốc hội ngày 4-6-2019 

Người nghiện ma túy trong thời gian ba năm kể từ ngày kết thúc một hình thức cai nghiện mà không phát hiện người đó sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa ra khỏi danh sách nghiện.

Đáng chú ý, dự thảo cho phép người đứng đầu cơ sở cai nghiện được quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế để quản lý chặt chẽ, giáo dục, chữa bệnh cho người cai nghiện và yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân giúp đỡ khi cần.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ sở cai nghiện còn được kiểm tra hành chính người nghiện, đồ vật trong cơ sở cai nghiện. Bộ Công an cho rằng điều này sẽ đảm bảo, ngăn chặn không để ma túy thẩm lậu vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạo điều kiện cho các cơ sở cai nghiện ổn định trật tự khi các đối tượng gây rối, bỏ trốn.

Cũng theo dự thảo, biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng sẽ được bãi bỏ vì thực tế không đủ nguồn lực về con người, vật chất và không hiệu quả, các địa phương không triển khai thực hiện được. Người nghiện cũng sẽ không bị quản lý sau cai như hiện nay nữa.

Bộ Công an cho hay với cách quản lý người sử dụng và người nghiện mới sẽ hạn chế tình trạng ngáo đá, ngăn ngừa các loại tội phạm khác.

Uống methadone để hợp thức hóa sử dụng ma túy

Công an TP.HCM đã và sẽ tập trung giải quyết vấn đề người nghiện, tập trung đánh mạnh vào các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm mà người nghiện lợi dụng sử dụng ma túy và đánh vào các nguồn cung cấp ma túy cho TP.HCM.

Tuy nhiên, công an và các ngành chức năng đang gặp khó là chưa có mô hình cai nghiện nào hiệu quả hơn cai nghiện bắt buộc, cần quản lý chặt số người sau cai nghiện...

Hiện số người nghiện ma túy tổng hợp chiếm 75%-80% và không thể cai bằng methadone và người nghiện ma túy tổng hợp vẫn đăng ký uống methadone để hợp thức hóa việc sử dụng ma túy của mình.

Đại tá ĐINH THANH NHÀNPhó Giám đốc Công an TP.HCM, phát biểu với 
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 12-5
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm