Mặt trận có được “cãi” cho trẻ?

Từ trước tới nay, ở một số địa phương tại Bà Rịa-Vũng Tàu, công an và VKS thường mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa chỉ định cho các bị can, bị cáo là người chưa thành niên và tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử bình thường. Tuy nhiên mới đây, TAND huyện Đất Đỏ lại phân vân, chưa dám đưa ra xử một vụ trẻ phạm tội trộm cắp được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cử người bào chữa chỉ định tương tự.

Lúng túng về khái niệm

Theo luật, nếu bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất..., cơ quan tố tụng phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử luật sư bào chữa hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình.

Khi thụ lý vụ án trên, trong nội bộ TAND huyện Đất Đỏ đang có hai luồng ý kiến xung quanh chuyện cán bộ Mặt trận Tổ quốc bào chữa chỉ định cho trẻ phạm tội.

Luồng ý kiến thứ nhất nhận xét việc này là sai luật. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trực thuộc phải được hiểu là những người đang làm việc, sinh hoạt trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và trong các tổ chức trực thuộc. Ở đây, nghiên cứu hồ sơ, tòa thấy đứa trẻ phạm tội không tham gia sinh hoạt trong bất cứ tổ chức nào của Mặt trận Tổ quốc nên việc Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa chỉ định là sai.

Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng Mặt trận Tổ quốc là một tổ chức mở, gồm nhiều tổ chức trực thuộc như Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... nên bất cứ công dân nào cũng đều là thành viên của Mặt trận. Vì vậy, việc Mặt trận Tổ quốc cử cán bộ tham gia vụ án theo yêu cầu của cơ quan tố tụng là không có gì sai cả.

Phải là người tham gia sinh hoạt?

Trước băn khoăn này, một số tòa án huyện đã từng hỏi ý kiến của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và được trả lời rằng mời luật sư bào chữa chỉ định mới hợp lý. Nói là thế nhưng từ trước tới nay, chưa có bản án nào bị hủy vì lý do cơ quan tố tụng mời cán bộ Mặt trận Tổ quốc bào chữa thay cho mời luật sư cả.

Theo một thẩm phán TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu hiểu đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc chỉ có thể cử người bào chữa cho những con người làm việc hoặc tham gia sinh hoạt trong tổ chức của mình. Chẳng hạn Đoàn Thanh niên cử người bào chữa cho đoàn viên, Hội luật gia cử người bào chữa cho thành viên của Hội khi những người này phạm tội...

Quan điểm này cũng được một cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM và luật sư Lê Ngọc Cảnh (Đoàn luật sư TP.HCM) đồng tình. Luật sư Cảnh khẳng định với những người nào không tham, gia sinh hoạt mà Mặt trận Tổ quốc cũng cử người bào chữa chỉ định là chưa đúng.

Nên mở rộng hơn?

Dù không phản đối cách hiểu trên nhưng luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre) lại nói việc Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho trẻ phạm tội là nhân văn, không nên xem đó là vi phạm tố tụng để hủy án. Ông còn cho rằng để thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc hơn nữa thì tới đây nên mở rộng quy định là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trực thuộc có thể cử cán bộ bào chữa cho bất kỳ công dân nào.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM cũng nhận định bên cạnh đội ngũ luật sư có trình độ pháp lý, cần được ưu tiên hàng đầu trong việc bào chữa chỉ định thì vai trò của cán bộ Mặt trận Tổ quốc là rất lớn. Các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc ở khắp nơi, trong khi không ít địa phương còn rất thiếu luật sư. Nếu tận dụng được thế mạnh này của Mặt trận Tổ quốc thì sẽ tạo thêm cơ hội được bào chữa của bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, theo vị thẩm phán này, những cán bộ được Mặt trận Tổ quốc cử tham gia tố tụng phải am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm ra tòa để làm bào chữa viên nhân dân. Nếu không thì chẳng những không bảo vệ được bị can, bị cáo mà có thể còn làm cho tình trạng của họ bị xấu đi chỉ vì thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm bào chữa. Mặt khác, để việc này đi vào thống nhất thì rất cần được “luật hóa” hoặc có hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền.

Mặt trận Tổ quốc tham gia tố tụng ra sao?

Bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất, hoặc người đại diện hợp pháp của họ nếu không mời người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền cử bào chữa viên nhân dân để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức mình.

(Theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự)

PHAN GIA HI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm