Lương Cao Khải lãnh 21 năm tù

Chiều qua (16-11), sau ba ngày xử, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên phạt Lương Cao Khải 12 năm tù về tội nhận hối lộ, bảy năm tù về tội đưa hối lộ, hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng cộng là 21 năm tù. Cạnh đó, tòa phạt Dương Văn Lực tám năm tù, Bùi Xuân Bảy ba năm tù về tội nhận hối lộ. Ngoài ra, tòa còn tịch thu sung công 15 ngàn USD và 331 triệu đồng tiền đưa, nhận hối lộ của ba bị cáo.

Trong phiên xử hôm qua, bị cáo Khải đã bất ngờ thừa nhận mình có phạm tội nhưng không đến mức nặng như cáo trạng truy tố (trước đây Khải luôn phủ nhận mọi quy kết của Viện). Khải đề nghị tòa xem xét thấu đáo vụ án để quyết định đúng tội phạm, hình phạt. Kết quả là mức án tòa tuyên với Khải đã nặng hơn đề nghị của VKS đến ba năm tù!

Những quan điểm trái chiều

Trước đó, ba luật sư bào chữa cho Khải khẳng định bị cáo không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và đưa hối lộ. Theo họ, việc Khải mượn tiền của nguyên Giám đốc PVECC Nguyễn Trọng Nhưng để “mua” đất là quan hệ dân sự, còn việc Khải đưa tiền cho nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh là quan hệ tình cảm. Về hành vi nhận tiền của đối tượng đang bị thanh tra, các luật sư cho rằng việc này vi phạm pháp luật nhưng không phải nhận hối lộ. Theo họ, để cấu thành tội này, Khải phải hứa hẹn giải quyết công việc nhất định cho người đưa tiền, còn ở đây việc đưa, nhận giữa hai bên không có động cơ, mục đích là giải quyết công việc.

Cạnh đó, các luật sư kiến nghị tòa xem xét lại tính pháp lý của cáo trạng vì có những sai sót như ngày tháng các bị cáo nhận tiền không đúng. Theo một luật sư, “cáo trạng là một văn bản pháp lý sẽ đi suốt cuộc đời của bị cáo, vì vậy phải chính xác”. Ông này cũng cho rằng có vi phạm tố tụng khi VKS chậm phê chuẩn quyết định khởi tố về tội đưa hối lộ của Khải...

Tuy nhiên, hai công tố viên đã phản bác toàn bộ lập luận của ba luật sư và giữ nguyên kết luận luận tội.

Theo họ, hành vi mượn tiền “mua” đất của Khải đã cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ bởi “bị cáo chỉ nói mượn mà không đề cập chuyện trả, mãi đến hôm nay mới nói là vay mượn trong khi người cho mượn đã phải bán nhà trả nợ thay bị cáo!”.

Về tội đưa hối lộ, công tố viên cho rằng: “Dù không đặt vấn đề với ông Thanh nhưng mỗi lần đưa tiền Khải luôn dò hỏi tình hình sai phạm của đoàn thanh tra, kết quả giải quyết”... Với tội nhận hối lộ, dù Khải không hứa hẹn trước việc giải quyết công việc nhất định nhưng người bị hại đã bị áp lực buộc phải đưa tiền để việc thanh tra nhanh chóng kết thúc, có kết quả thanh tra thuận lợi.

Chấp nhận rút một phần truy tố

Theo tòa, những phần công tố viên rút truy tố tại tòa (1.000 USD và tám triệu đồng tiền nhận hối lộ của Khải, 2.000 USD tiền nhận hối lộ của Lực) là chính xác bởi các bị cáo không khai nhận và các chứng cứ khác cũng không chứng minh được việc này. Ngoài ra, tòa đã bác toàn bộ những lập luận của luật sư cũng như những lập luận tự bào chữa, biện hộ của cả ba bị cáo.

Tòa nhận định bị cáo Khải suốt phiên xử chỉ thừa nhận một lần nhận hai triệu đồng từ PVECC nhưng qua đối chất tại tòa giữa Khải với các nhân chứng cùng các chứng cứ khác đã chứng minh Khải có nhận 10 ngàn USD và hai triệu đồng. Đây là tiền hối lộ vì Khải là người có quyền thanh tra, đã lợi dụng kết quả thanh tra, suốt quá trình thanh tra “có lời bóng gió” dẫn đến việc đối tượng thanh tra phải “biết điều” mà đưa hối lộ.

Việc Khải nhờ ông Nhưng mượn tiền từ chính PVECC để “mua” đất cũng thế, dựa vào tầm ảnh hưởng của Khải thì theo tòa, “một cuộc điện thoại là chắc chắn người bị thanh tra phải làm”. Còn việc đưa hối lộ, dù Khải bảo đưa tiền vì tình cảm để ông Thanh thuốc thang cho vợ nhưng qua lời khai của vợ chồng ông Thanh thì “việc hốt thuốc chỉ mất một trăm ngàn đồng, cần gì tới 110 triệu đồng”.

Trong hai bị cáo còn lại, Lực nói mình có nhận tiền nhưng đó chỉ là quan hệ vay mượn chứ không phải là nhận hối lộ. Tòa bảo lập luận của Lực hoàn toàn không có căn cứ chấp nhận. Riêng Bảy nói mình chỉ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo tòa, trong thời gian thanh tra, Bảy đã tự dự thảo kết luận sai thực tế, quy chụp và đề xuất truy tố một số người nhưng sau khi nhận tiền thì lại làm dự thảo kết luận thanh tra trái ngược hẳn. Vì thế, hành vi nhận tiền của Bảy rõ ràng là nhận hối lộ.

Phiên tòa có điểm khá lạ về trình tự tố tụng: Ngay sau khi đọc bản luận tội, công tố viên đã đề nghị ngay mức án cụ thể cho từng bị cáo (Khải 15-18 năm tù, Lực 7-8 năm tù, Bảy 3-4 năm tù). Diễn tiến này không giống những phiên xử hình sự khác: Mở đầu phần tranh luận, công tố viên chỉ đọc bản luận tội và kết thúc phần tranh luận mới đề nghị mức án cụ thể.

Lý giải, công tố viên cho biết: “Sau khi xem xét hồ sơ, cáo trạng cùng với qua xét hỏi tại tòa, chúng tôi đã rút bớt một số tiền, một số lần nhận hối lộ của bị cáo nên quyết định đề nghị mức hình phạt luôn. Nếu trong quá trình tranh luận mà phát sinh những tình tiết mới hay có chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội hoặc phạm tội chưa đến mức ban đầu thì chúng tôi sẽ linh hoạt đề nghị tiếp với tòa. Việc này hoàn toàn không vi phạm tố tụng gì cả”.

NGUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm