Luật sư còn bị làm khó dài dài!

Ngày 6-10, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng hoạt động của các luật sư trong quá trình giải quyết án hình sự. Dù được mời nhưng không một đại diện nào của phía các cơ quan điều tra có mặt, trong khi có rất nhiều bức xúc liên quan đến họ.

Nhức nhối những bức xúc cũ

Những bức xúc này đều không mới nhưng nhức nhối ở chỗ vẫn đang tồn tại dù bao năm nay báo chí và giới luật sư đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp kể, thực tế chưa có vụ nào ông được mời tham dự hỏi cung bị can. Chuyện này chỉ xuất hiện hiếm hoi trong các trường hợp: Thứ nhất, ông “xin xỏ” được nhờ mối quan hệ với điều tra viên; thứ hai, vụ án có khúc mắc mà điều tra viên cần luật sư giúp đỡ; thứ ba, điều tra viên cần một buổi làm việc hình thức để tạo “bình phong” là có luật sư tham gia hỏi cung...

Luật sư Thiệp than: “Bào chữa cho Dũng Huế trong vụ PMU 18, tôi phải tự lần mò xem Dũng bị giam ở đâu để xin làm việc. Tìm được rồi, ngày nào chúng tôi cũng gọi điện thoại cho cán bộ điều tra hỏi hôm đó có hỏi cung không thì đều được trả lời là không. Kết quả, chúng tôi chỉ được tham dự hỏi cung một lần duy nhất trong giai đoạn điều tra”!

Nghe đồng nghiệp “kêu rêu”, luật sư Trần Vũ Hải hài hước: “Xin lỗi, khi còn làm ở VKS, tôi cũng hay dùng các biện pháp nghiệp vụ để hạn chế sự tham gia của luật sư, giờ tôi ân hận lắm. Đơn giản nhất là tới vỗ vai bị can, bảo thôi vụ này rõ rồi, mời luật sư làm gì”...

Theo luật sư Hải, luật sư không được thông báo mà phải dò hỏi khắp nơi xem thân chủ của mình bị giam ở đâu. Có khi xác định đúng địa chỉ rồi nhưng điều tra viên vẫn chối là không có. “Tới lúc nhắc điều tra viên số phòng giam cụ thể thì họ lật bài ngửa là có muốn thân chủ bị chuyển sang phòng khác không” - luật sư Hải ngán ngẩm.

“Ngồi lù lù, làm sao thông cung?”

Luật sư Thiệp nói thẳng: Giới luật sư quý công văn 26, 45 của TAND tối cao và Tổng cục Cảnh sát (yêu cầu tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng) hơn vàng, đi đâu cũng chìa ra nhưng “chúng không được chấp nhận ở cơ sở” bởi một số lãnh đạo cơ quan điều tra bị “đóng đinh tư tưởng” là luật sư vào chỉ “gây nhiễu, thông cung, chạy án”.

Khó tiếp xúc với bị can trong trại giam, luật sư chỉ còn tranh tụng cho bị cáo ở phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD
Khó tiếp xúc với bị can trong trại giam, luật sư chỉ còn tranh tụng cho bị cáo ở phiên tòa. Ảnh minh họa: HTD

Phó Chánh án thường trực TAND tối cao Đặng Quang Phương cắt lời: “Nếu nghi ngờ rằng bị can từ chối luật sư là do tác động của cơ quan điều tra, luật sư đã xin gặp bị can để hỏi cho rõ chưa, có khiếu nại không? Khi gặp tôi, các điều tra viên cũng kêu luật sư vào hôm trước, hôm sau bị can phản cung liền”...

Luật sư Thiệp đáp ngay: “Chỉ điều tra viên mới được vào hỏi xem bị can có đồng ý mời luật sư không, vậy có trời mới biết được cuộc nói chuyện ấy như thế nào!”. Theo ông, luật sư có được tham gia hỏi cung cũng chỉ “ngồi lù lù một đống”, chẳng được nói gì, làm sao thông cung? “Vấn đề là có người thứ ba tham gia sẽ tránh được việc đe dọa, bức cung, còn việc bị phản cung, mấu chốt vẫn là chứng cứ của cơ quan điều tra có chắc hay không”.

Luật sư Thiệp đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất là luật sư phải được cùng điều tra viên gặp bị can, lập biên bản xác định nguyện vọng là có mời luật sư hay không. Luật sư Hải thì đề nghị: “Khi bị bắt, trước sự chứng kiến của nhiều người, người bị bắt ký ngay vào một mẫu có sẵn về việc có mời luật sư hay không”...

Cấp giấy chứng nhận bào chữa một lần?

Theo luật sư Nguyễn Đình Hưng, để bảo vệ thân chủ từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc một vụ án, luật sư phải bốn lần đi xin giấy chứng nhận người bào chữa. Thủ tục cấp giấy chứng nhận như vậy quá phiền hà. Đó là chưa kể mỗi nơi yêu cầu cung cấp giấy tờ liên quan một kiểu.

Ông còn bức xúc: Rất ít trường hợp được cấp giấy chứng nhận sau ba ngày như quy định. Được cấp giấy rồi, có khi tới ba tháng vẫn không được tiếp xúc với bị can. “Trong vụ án vũ trường New Century, tôi đã rất nhiều lần đề nghị được gặp bị can Nguyễn Đại Dương nhưng đều bị từ chối, không trả lời” - luật sư Hưng dẫn chứng.

Luật sư Hưng kiến nghị chỉ nên cấp giấy chứng nhận bào chữa một lần trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Về chuyện này, Chánh Tòa hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế băn khoăn là sẽ có vướng mắc trong trường hợp luật sư hoặc người tiến hành tố tụng bị thay đổi khi đang giải quyết vụ án. Theo ông Quế, gặp trường hợp trên thì nên cấp lại giấy chứng nhận bào chữa.

Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội Phạm Hồng Hải cho biết đã từng gửi kiến nghị phản ánh bức xúc của giới luật sư Hà Nội tới các lãnh đạo và các cơ quan tố tụng nhưng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”. Theo ông, nếu ở trên đã có chuyển biến tích cực về mặt tư tưởng là tôn trọng vai trò của luật sư trong tố tụng mà cấp dưới vẫn còn trì hoãn thì hiệu quả của cải cách tư pháp sẽ bị hạn chế!

Luật sư NGUYỄN VĂN CHIẾN: Photo tài liệu, nơi bắt làm đơn, nơi đòi công văn, thậm chí có nơi nói luật sư mang máy photo đến. Luật sư mang máy đến, tòa lại phán luật sư mang... điện tới mà photo!

Luật sư TRẦN VĂN SƠN: 15-20 ngày sau khi xử sơ thẩm mới cấp bản án, vậy chúng tôi căn cứ vào đâu để kháng cáo? Khi kháng cáo, đương sự ở nơi khác ủy quyền cho luật sư nộp đơn, thẩm phán lại vặn là luật sư không được ủy quyền nộp án phí nên từ chối.

Luật sư TRẦN VŨ HẢI: Có lần trước tòa tôi nói thẳng với công tố viên là “Tôi đang trả lương cho ông đấy. Tôi nộp thuế để ông tranh tụng với tôi!”. Thế mà VKS vẫn không chịu tranh tụng thì làm thế nào?

Luật sư LÊ THỊ THU HƯƠNG: Luật quy định chỉ được gặp bị can trong vòng 60 phút thì rất bất cập nếu bị can ở xa. Có lần tôi đang làm việc, điều tra viên lôi bị can đi mà không báo trước là hết giờ.

Cơ quan tố tụng nói

Ông ĐẶNG QUANG PHƯƠNG, Phó Chánh án thường trực TAND tối cao: Nếu thẩm phán còn phải ra hành lang nghị án vì thiếu phòng ốc thì đề nghị luật sư thông cảm cho. Về việc bị “làm khó”, giới luật sư cần gửi văn bản kiến nghị thường xuyên, viện dẫn điều luật rõ ràng. Tôi sẵn sàng đối thoại nếu các đồng chí yêu cầu.

Ông HOÀNG NGỌC CẨN, đại diện VKSND TP. Hà Nội: Đoàn luật sư TP Hà Nội cần tập hợp, có dẫn chứng cụ thể, gửi các cơ quan chức năng, gửi HĐND TP để chất vấn tại kỳ họp. Như vậy sẽ hiệu quả ngay, chứ chờ một thông tư liên tịch thì còn lâu lắm!

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm