Lấy đạo đức làm gốc cho nghề luật sư

Tại Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc vừa qua, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho biết ban lãnh đạo liên đoàn sẽ tập trung soạn thảo, ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Góp tiếng nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP.HCM) đã có một bài tham luận. Báo Pháp luật TP.HCM xin lược trích.

Nghề luật sư từ khi được nhà nước thừa nhận chính thức bằng Pháp lệnh Luật sư 1987 thì đạo đức nghề nghiệp đã được đặt ra, bàn luận không ngớt. Năm 2002, Bộ Tư pháp đã ban hành quy tắc mẫu về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Và giờ đây, với trách nhiệm tự quản của Liên đoàn Luật sư, việc xây dựng quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp càng trở nên quan trọng, bức thiết.

Tự điều chỉnh bằng đạo đức

Lẽ đương nhiên nghề nghiệp đòi hỏi các luật sư phải triệt để tôn trọng và thực thi pháp luật. Nhưng hệ thống pháp luật có hoàn thiện đến mấy, tự nó cũng không thể bao quát và điều chỉnh tất cả hành vi ứng xử của luật sư khi hành nghề. Bởi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tự chịu trách nhiệm cá nhân về uy tín nghề nghiệp của mình. Tư cách cá nhân đó hàm chứa cả những nhận thức tư tưởng và tình trạng tâm lý, tình cảm “hỷ, nộ, ái, ố”, bao hàm cả những gì thuộc về đời tư của mỗi luật sư.

Trên bình diện đó, bản thân pháp luật không thể can thiệp hiệu quả bằng quy phạm pháp luật vốn mang tính cưỡng chế, quyền lực. Vì vậy, nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải tự điều chỉnh hành vi của mình và cơ sở của sự tự điều chỉnh đó chính là đạo đức. Luật sư hành nghề với mục tiêu phụng sự công lý, tôn trọng và dựa trên pháp luật thì trước hết phải xuất phát từ nền tảng đạo đức. Như thế, một bản quy tắc đạo đức do chính giới luật sư cả nước lập nên phải xuất phát từ quan điểm “đạo đức là gốc của nghề luật sư”.

Phụng sự công lý, tận tụy với nghề

Với quan điểm ấy, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư phải quán triệt được những nhóm nguyên tắc mà dựa vào đó luật sư có thể ứng xử được với mọi tình huống phức tạp khó lường trước trong nghề nghiệp theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Đầu tiên là nhóm nguyên tắc liên quan đến chức năng xã hội của luật sư trong sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, công minh. Nhóm này sẽ bao gồm việc tuân thủ và trung thành với Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng sự thật, góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia hoạt động công ích.

Thứ nữa là nhóm nguyên tắc bảo vệ phẩm giá, chuẩn mực ứng xử trong hành nghề luật sư. Nhóm này bao gồm lòng trung thành và lao động hết mình cho chuẩn mực nghề nghiệp, phát huy danh dự, độc lập và ngay thẳng, trung thực và tình đồng nghiệp, cạnh tranh và công bằng, phản kháng với việc hành nghề trái phép.

Và tiếp theo là nhóm nguyên tắc liên quan đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với khách hàng. Đó là lòng tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với thân chủ trong khuôn khổ pháp luật, tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật thân chủ, ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề bất lương, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo, kẻ cô thế...

Giữ gìn phẩm giá, danh dự

Các nhóm nguyên tắc được quán triệt trên có thể được thể hiện bằng các tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần cụ thể hóa những tiêu chuẩn riêng ứng với từng loại quan hệ của người luật sư.

Quan trọng nhất là các tiêu chuẩn đạo đức trong quan hệ với khách hàng. Quan hệ đó là “lửa thử vàng” với luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư, có tiêu cực hay không đều xuất phát từ mối quan hệ này. Nó chi phối các tiêu chuẩn đạo đức khác trong “tổng hòa các quan hệ xã hội” của luật sư.

Loại quan hệ tiếp theo là giữa luật sư với cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý... Để điều chỉnh, pháp luật đã có các quy phạm mang tính cưỡng chế cao với chủ thể luật sư trong tư cách “người tham gia tố tụng”. Tuy nhiên, quy tắc đạo đức nghề nghiệp vẫn phải chỉ ra được những tiêu chuẩn đạo đức trong mối quan hệ này với hàm ý bổ trợ cho việc ứng xử của mỗi luật sư.

Quan hệ đồng nghiệp của luật sư ít được pháp luật quy định bởi nó thực ra là chuẩn mực ứng xử trong giới luật sư với nhau. Trong một tổ chức đề cao tính tự quản, quy tắc đạo đức nghề nghiệp phải đặt ra được những tiêu chuẩn đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới là uy tín của chính mình, để điều mình không muốn thì cũng không được làm với đồng nghiệp theo đúng nghĩa “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Như thế, mỗi niềm vui hay rủi ro nghề nghiệp của đồng nghiệp cũng chính là niềm hạnh phúc hay nỗi đau của bản thân mình.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư dứt khoát phải đi kèm những chế tài cụ thể về các vi phạm. Nhóm quy định về chế tài đó phải thể hiện được tính chất tự quản nghề nghiệp của Liên đoàn Luật sư theo điều lệ, làm căn cứ cho việc xử lý kỷ luật với từng luật sư.

Rèn giũa để tâm trong sáng

Xây dựng, ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư mới chỉ là bước ban đầu để liên đoàn Luật sư quản lý được hoạt động luật sư. Điều quan trọng là phải biến những quy phạm khô khan đó thành hiện thực sinh động trong đời sống riêng tư cũng như hoạt động hành nghề của mỗi luật sư.

Theo dự thảo điều lệ của liên đoàn, tổ chức giám sát việc tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là trách nhiệm của thường vụ Liên đoàn. Nhưng thường vụ cũng chỉ là những cá nhân luật sư, không thể “trăm tay ngàn mắt” bao quát từng ngõ ngách trong đời sống hàng ngày của luật sư thành viên. Cho nên, để quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư trở thành hiện thực sinh động, mỗi luật sư phải tự ý thức được phẩm giá và uy tín để tự điều chỉnh được hành vi của mình.

Thống nhất mối quan hệ giữa “nói và làm” trong đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi người là một điều rất khó khăn. Phẩm giá và uy tín của mỗi luật sư không phải do ai ban cho hoặc sẵn có mà là kết quả của quá trình tu dưỡng bền bỉ, được tích lũy bằng tri thức, các kỹ năng hành nghề và hành vi đạo đức của bản thân luật sư. Tôi nghĩ “vạn pháp do tâm”, nếu rèn giũa để cái tâm trong sáng hiện ra thì mọi tình huống phức tạp xảy ra trong đời sống cá nhân và hành nghề của từng luật sư đều sẽ trở nên đơn giản!

NGHĨA NHÂN lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm