Lật lại hồ sơ vụ nữ thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận “chạy án”

Luật sư Lê Thái Thành, bạn thân đồng thời cũng là nạn nhân của Hằng.
Luật sư Lê Thái Thành, bạn thân đồng thời cũng là nạn nhân của Hằng.

Trong khi vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận điều tra làm rõ, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều vụ khác. Khi còn là chuyên viên TAND tỉnh, được phân công thụ lý, theo dõi và tham mưu cho lãnh đạo ra quyết định thi hành án, bà Hằng đã có những biểu hiện tiêu cực như:

thiếu trung thực, tùy tiện trong hoạt động thi hành án, có quan hệ bất minh với các bị án phạt tù đang tại ngoại hoặc bị án hoãn thi hành án, gây trở ngại cho hoạt động thi hành án, có vụ bị án lợi dụng sơ hở bỏ trốn, bị án từ tù giam “biến” thành tù treo...

HOÃN ÁN BẰNG BỆNH ÁN “ẢO”

Trong vụ án mà Tòa án tỉnh tuyên phạt Lê Thị Lan (ngụ Nghĩa Hòa, Tân Nghĩa, Hàm Tân) 5 năm tù về tội “chứa mại dâm”, tại bản án số 93/HSST ngày 27-6-2002. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tòa án tỉnh đã ra quyết định phạt tù số 44/THA đối với Lê Thị Lan.

Đến ngày 1-8-2002, Lan có đơn xin hoãn thi hành án. Ngày 2-1-2003, Lan được tòa án tỉnh chấp thuận cho hoãn thi hành án từ 3-1-2003 đến 3-1-2004 vì lý do “là lao động duy nhất, nuôi hai con nhỏ”. Ngày 18-11-2003. Lan tiếp tục có đơn xin hoãn thi hành án lần 2 ngoài lý do trên còn thêm lý do “bản thân đang mắc bệnh phụ khoa cần điều trị thường xuyên”.

Từ lá đơn này, Hằng đã tham mưu cho lãnh đạo tòa án tỉnh ra quyết định trưng cầu giám định tình trạng thương tật của Lê Thị Lan (theo quyết định số 02 ngày 2-12-2003), nhưng quyết định này sau đó Hằng cũng không chuyển cho VKS để cùng thực thi nhiệm vụ. T

heo đơn trình bày, Lan chỉ mắc “bệnh phụ khoa”. Khi đưa đi giám định thì Lan mắc thêm một số bệnh khác như: u xơ tử cung, viêm xoang mãn, viêm phế quản mãn, gai, thoái hóa các đốt sống lưng, gan nhiễm mỡ độ 1, xếp tỷ lệ thương tật là 76% (theo biên bản giám định pháp y thương tật số 77 ngày 11-12-2003, do Tổ chức giám định pháp y Bình Thuận xác nhận).

Sau đó, Hằng chuyển toàn bộ hồ sơ của Lan sang Viện kiểm sát đề nghị hoãn thi hành án lần 2 kèm thêm biên bản xác minh lúc 9 giờ 15 phút ngày 8-12-2003, do Hằng làm việc với các ông Nguyễn Văn Thắng (Trưởng ban tư pháp xã Tân Nghĩa), Đỗ Ngọc Biên (Trưởng công an xã Tân Nghĩa). Biên bản này có nêu ý kiến của ông Thắng và Biên đề nghị với tòa “cho Lê Thị Lan được hoãn thi hành án thêm một thời gian nữa”. Thấy có dấu hiệu nghi vấn nên ngày 15-1-2004, lãnh đạo VKSND tỉnh đã cử ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng KSTHA xác minh biết được Lan thường xuyên đi khỏi địa phương mà không báo cáo, 2 con nhỏ của Lan do bà ngoại nuôi.

Đến làm việc tại UBND xã Tân Nghĩa, cả ông Thắng và Biên đều cho rằng: “Dư luận nhân dân xã Tân Nghĩa không đồng tình về việc bà Lan được hoãn THA”. Như vậy, những vấn đề đã xác minh của VKS đều trái ngược với biên bản xác minh ngày 8-12-2003 của Hằng.

Ngày 18-2-2004, VKS tỉnh tổ chức cuộc họp giao ban với công an và tòa án tỉnh về vấn đề xin hoãn thi hành án lần 2 của Lê Thị Lan. Qua kết quả xác minh của ông Nguyễn Minh Tuấn, ba bên đã thống nhất không cho Lan hoãn án vì “phạm tội thuộc tội phạm rất nghiêm trọng”, tuy kết quả giám định pháp y xác định là 76%, nhưng trường hợp cáo bệnh của bị án “không thuộc trường hợp bệnh nặng như Thông tư số 3 quy định”.

Thật bất ngờ, đến ngày 23-2-2004 VKS lại nhận được quyết định của tòa án tỉnh cho Lê Thị Lan được hoãn thi hành án “vì lý do bệnh tật” (quyết định hoãn thi hành án số 1 ngày 12-2-2004 của TAND tỉnh), thời gian tính từ ngày 4-1-2004 đến khi hồi phục sức khỏe. Qua nghiên cứu hồ sơ, VKS phát hiện trên phiếu đề xuất hoãn thi hành án do Hằng biên soạn đưa cho Chánh án TAND tỉnh ký thì ngày đề xuất lại trùng với ngày diễn ra cuộc họp giao ban giữa 3 ngành (ngày 18-2-2008).

Như vậy, khi VKS chưa có văn bản thể hiện quan điểm, thì Hằng đã chủ động đề xuất với lãnh đạo tòa án cho hoãn thi hành án và được chấp nhận. Điều này trái với quy định của 3 ngành đã thống nhất trước đó. Ngày 25-3-2004, Lê Thị Lan bị VKS triệu tập lên làm việc, khi được yêu cầu xuất trình các hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến bệnh tật và điều trị bệnh thì Lan không có bất kỳ giấy tờ nào có liên quan đến bệnh án.

Ngày 26-3-2004, VKS đưa Lan đến Trung tâm bảo vệ sứ khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh Bình Thuận để siêu âm chẩn đoán bệnh thì có kết quả giám định khác hoàn toàn với kết quả giám định trước, sức khỏe của Lan bình thường. Vì chuyện đã rồi nên tòa vẫn thực thi quyết định hoãn thi hành án lần 2 của Lan, có hiệu lực từ 4-1 đến 4-7-2004. Sau đó, theo sự nhất trí của 3 ngành, ngày 28-6-2004 tòa sẽ ra quyết định thi hành án trước 7 ngày và triệu tập Lê Thị Lan lên để tống đạt quyết định.

Thế nhưng khi lập quyết định thi hành án đối với Lan, Hằng vẫn làm đúng ngày (28-6-2004), còn trong hồ sơ lại không có bút tích nào thể hiện việc tống đạt quyết định thi hành án đối với bị án Lê Thị Lan. Bởi vậy, sau khi đã có quyết định thi hành án, Lê Thị Lan vẫn ung dung tại ngoại, thậm chí trong phiên tòa xét xử vụ án vườn điều diễn ra từ ngày 26 đến 28-7-2004, Lan còn “vô tư” đến phòng xử án theo dõi phiên tòa.

Cho đến khi bị bắt, Lê Thị Lan thú nhận, quyết định thi hành án mà Lan nhận được là vào ngày 4-8-2004. Như vậy, từ khi ra quyết định đến khi bị án Lê Thị Lan nhận được đúng 1 tháng 6 ngày (28-6 đến 4-8-2004), và đến ngày 10-8-2004 (đúng 1 tháng 16 ngày tính từ ngày ra quyết định) Hằng mới gởi quyết định cho Phòng PC22, trong khi luật quy định “chậm nhất 7 ngày trước khi hết hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, tòa án phải ra quyết định thi hành án và gởi ngay quyết định thi hành án cho cơ quan công an cùng cấp và người bị kết án”.

Ngày 3-9-2004, VKS tỉnh có công văn yêu cầu Bưu điện và T.T viễn thông huyện Hàm Tân cung cấp hóa đơn và bản kê chi tiết cước phí điện thoại của số máy để bàn của hộ Lê Thị Lan từ tháng 3 đến tháng 8-2004. Qua đó, biết được trong thời điểm tòa ra quyết định hoãn thi hành án lần 2, Lan đã gọi vào số ĐTDĐ của Hằng 6 lần. Tính đến cuối tháng 8-2004, Lan gọi cho Hằng tổng cộng 13 lần, có cuộc gọi dài đến 25 phút, chứng tỏ giữa Lan và Hằng có sự giao dịch bất minh trong những thời điểm tòa ban hành các quyết định về thi hành án.

TỪ TÙ GIAM “HÔ BIẾN” THÀNH TÙ TREO

Tương tự là vụ Đẩu Thị Cảnh (ngụ thôn 2, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc) bị TAND tối cao - Tòa phúc thẩm tại TPHCM xử phạt 5 năm tù về tội “chứa mại dâm” tại bản án hình sự phúc thẩm số 303 ngày 19-3-2003. Ngày 19-5-2003, tòa có quyết định thi hành án số 36. Lấy lý do chồng có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, Cảnh xin tòa được hoãn thi hành án để chăm sóc chồng.

Lật lại hồ sơ vụ nữ thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận “chạy án” ảnh 2

Ngày 24-6-2003, Hằng đã tham mưu cho lãnh đạo TAND tỉnh ra quyết định trưng cầu giám định “bệnh tâm thần” của Hồ Trung Hiếu (chồng Cảnh), kết quả Hiếu bị “tâm thần phân liệt” (theo biên bản kết luận ngày 3-7-2003 của Tổ chức giám định pháp y Bình Thuận). Sau đó, VKS đã đưa Hiếu đến Bệnh viện TW2 để giám định lại. Kết quả giám định số 182, ngày 30-7-2003 của Bệnh viện tâm thần TW2 kết luận Hiếu chỉ “rối loạn cảm xúc đã điều trị ổn định”.

Tuy kết quả giám định của Tổ chức pháp y Bình Thuận là không chính xác, song vì lý do nhân đạo nên VKS đã đồng ý với đề nghị của tòa cho Đẩu Thị Cảnh được hoãn thi hành án 6 tháng. Ngày 10-10-2003, tòa có quyết định hoãn thi hành án số 5 trong thời gian 6 tháng (từ ngày 10-10-2003 đến 10-4-2004) đối với Cảnh.

Hết thời gian hoãn thi hành án, Hằng lại tiếp diễn “kịch bản” đi xác minh hoàn cảnh của bị án trong khi cả 3 ngành (VKS, tòa án và công an tỉnh) đã thống nhất là phải bắt thi hành án. Thậm chí, Hằng còn không làm giấy báo gọi Cảnh đến để tống đạt quyết định thi hành án. Lợi dụng sơ hở đó, Cảnh bỏ trốn khỏi địa phương, đến nay vẫn chưa bắt được.

Đến vụ Nguyễn Tấn Thanh (ngụ KP Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) bị TAND tỉnh xử phạt 4 năm tù về tội “giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội” và tội “đưa hối lộ”. Cũng bằng “kịch bản” của Hằng, Thanh có đơn xin hoãn thi hành án để điều trị bệnh.

Ngày 1-8-2002, tòa án có quyết định trưng cầu giám định “bệnh bướu” đối với Nguyễn Tấn Thanh. Trong vụ việc này, Thanh được hoãn 2 lần để mổ và điều trị bướu. Thế nhưng cả 2 quyết định hoãn thi hành án đều rất chung chung, không ấn định thời gian cụ thể, chỉ ghi “từ ngày ra quyết định đến khi hồi phục sức khỏe”. Lợi dụng sơ hở này, Thanh tiếp tục nhởn nhơ.

Đến ngày 12-12-2003, VKS nhận được đơn tố cáo của một người dân ở thị trấn Thuận Nam về việc Thanh đã hết lệnh hoãn thi hành án nhưng thấy vẫn ở nhà. Ngày 15-1-2004, Thanh bị VKS triệu tập lên để làm việc. Tại đây, Thanh không có tài liệu, giấy tờ liên quan đến bệnh tật để chứng minh cho việc điều trị bệnh của mình. Như vậy, tính đến cuối tháng 6-2004 (trong vòng 18 tháng) nhưng bị án Thanh không chịu mổ khối u, lấy đó làm lý do trốn tránh thi hành án. Sau khi thống nhất giữa các ngành, ngày 15-7-2004 tòa ra quyết định thi hành án trước 7 ngày và tống đạt quyết định cho bị án Thanh.

Ngày 15-7-2004, tòa ra quyết định thi hành án số 65 đối với bị án Thanh, nhưng trong hồ sơ Hằng nộp cho VKS thì thiếu biên bản tống đạt quyết định thi hành án số 65. Ngày 2-8-2004, Thanh tiếp tục làm đơn xin hoãn thi hành án gởi cho tòa. Từ lá đơn này, Hằng đã “chủ động” sang làm việc với Phòng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp với nội dung bàn kế hoạch đi xác minh nội dung đơn của bị án Thanh với mục đích kéo dài thời gian thi hành án.

Đến ngày 7-9-2004, Thanh đang trên đường bỏ trốn thì bị bắt. Khi bị áp giải Thanh đã căn dặn con trai gọi điện thoại báo cho Hằng biết để xin được hoãn thi hành án trước sự chứng kiến của lực lượng áp giải công an tỉnh.

Ngoài ra, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Hằng còn mắc một sai phạm rất nghiêm trọng. Đó là trường hợp của Trương Hoài Vũ (SN 1972, ngụ thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bị TAND tỉnh xử phạt 2 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” (bản án số 132/HSST ngày 18-8-2003), nhưng khi ra quyết định thi hành án đối với Vũ, Hằng lại sửa lại nội dung bản án, ghi án tù nhưng cho hưởng án treo (quyết định thi hành án số 32 ngày 22-10-2003). Rất may, vụ việc đã được VKSND tỉnh phát hiện kịp thời nên Vũ vẫn bị thi hành án.

Với hàng loạt sai phạm của Hằng, VKS đã gửi văn bản kiến nghị cho Chánh án tòa án tỉnh, kèm theo hồ sơ có liên quan mà VKS đã thu thập được, đề nghị xác minh làm rõ, bố trí Hằng công tác ở lĩnh vực khác để đảm bảo cho hoạt động thi hành án.

Nhưng không hiểu sao Hằng vẫn không bị xử lý, thậm chí từ chuyên viên giúp việc cho lãnh đạo tòa án tỉnh, Hằng còn được đề bạt lên làm thư ký tòa án hình sự TAND tỉnh, khiến cho dư luận trong nhân dân hết sức bất bình và đặt dấu hỏi: “liệu có phải Hằng đang được một thế lực nào đó đứng đằng sau che chở nên mới tác oai tác quái như vậy”. Và nếu không có việc bà Phan Thị Thu Minh tố cáo Hằng nhận 60 cây vàng và 60 triệu đồng của gia đình bà để “chạy án” thì mọi việc có lẽ đã “chìm xuồng”.

Sau khi dựng “kịch bản” buộc bà Minh phải bồi dưỡng hơn 100 triệu đồng cho thẩm phán Nguyễn Văn An như chúng tôi đã nêu ở số báo trước, Hằng có đưa bà Minh một mảnh giấy ghi số tài khoản của Hằng tại “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Bình Thuận” để chuyển tiền vào. Trong bản tường trình gửi Chánh án tòa về số tiền 100.000.000 đồng (theo đơn tố cáo của bà Minh là 110.000.000 đồng) mà Hằng định chiếm đoạt của bà Minh. Hằng đã lật lọng, đổ tội này cho luật sư Lê Thái Thành.

Biết mình cũng là nạn nhân của Hằng, ông Thành cũng bí mật ghi âm lại những lần nói chuyện với Hằng qua điện thoại để làm bằng chứng về hành vi nhận tiền “chạy án” của Hằng. Nội dung của những lần nói chuyện này, Hằng thành khẩn nhờ luật sư Thành thuyết phục bà Minh rút đơn tố cáo để được xử lý nội bộ. Một điều dễ nhận thấy trong bản tường trình của Hằng có nhiều câu với lời lẽ than trách kỳ lạ như: “Tôi quá xui xẻo, cứ toàn gặp trắc trở không đáng có. Đến nay, làm việc hơn 14 năm nhưng tôi thấy mình chưa được gì cả... Tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng không có lối ra. Kính mong ông Chánh án suy xét giải quyết để tôi thoát khỏi cơn ác mộng...”.

HẢI DƯƠNG - (Theo CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm