Khói thuốc lá trong BV: Luật không khả thi, người bệnh lãnh đủ

Bệnh nhân Lê Văn Đ. đang điều trị tại Bệnh viện Triều An bức xúc nói: “Tôi nằm ở đây năm ngày thì năm ngày chịu khói thuốc lá tra tấn. Không những người nhà mà bệnh nhân cũng hút”.

“Không thể chịu đựng nổi”

Anh Đ. nói tiếp: “Phòng có ba bệnh nhân nhưng mỗi bệnh nhân lại có thêm tối thiểu một người nuôi bệnh, thành ra một căn phòng có vài m2 mà có đến năm, sáu người, trong đó hầu hết có hút thuốc. Họ không thèm đi ra ngoài mà hút ngay trong phòng bệnh. Người có ý thức một chút thì còn quăng tàn thuốc ra cửa sổ nhưng phần lớn thẳng tay quăng luôn dưới sàn, gầm giường. Mỗi ngày nhân viên ở đây dọn dẹp vệ sinh một lần nhưng họ cũng chỉ quét dọn sơ sơ phía bên ngoài giường bệnh nên tàn thuốc còn đầy ở gầm giường và các góc tường. Ngoài những cơn đau do bệnh tật gây ra, chúng tôi còn phải chịu đựng cả sự độc hại của khói thuốc”.

Vừa bước vào chăm sóc chồng mới mổ tim chưa được 15 phút, chị ĐNA đã vội bỏ chạy ra khoảng trống phía sau dãy B, Viện Tim TP.HCM. Chị A. ấm ức nói: “Sau khi mổ tim, bệnh nhân thường ho rất nhiều, khói thuốc càng khiến họ ho dữ dội hơn. Và hầu hết bệnh nhân mổ tim, phổi đều bị tổn thương do dịch tràn vào, khói thuốc sẽ khiến phổi họ bị xâm hại nghiêm trọng hơn. Không thể tưởng tượng nổi, người nhà họ vừa mổ tim mà họ vẫn thản nhiên phà phà thuốc vô mặt bệnh nhân như vậy. Đặc biệt là vào buổi tối, khi người nhà bệnh nhân xúm xít lại tâm sự với nhau, khói thuốc bốc lên nghi ngút. Tuy họ không hút thuốc trong phòng nhưng khói thuốc vẫn tràn vào phòng và mùi thuốc vẫn còn bám nồng nặc trên áo quần. Phòng bệnh lúc nào cũng đầy mùi khói thuốc. Một mình họ hút mà cả phòng 10 người phải gánh chịu. Không thể chấp nhận được!”.

“Luật không rõ, không dám phạt”

Bác sĩ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, cho biết: “Bản thân tôi cũng đã phải nhiều lần đến tận nơi nhắc nhở người nhà và bệnh nhân không hút thuốc trong bệnh viện nhưng mình vừa đi thì họ lại thản nhiên hút trở lại. Theo Nghị định 45, người hút thuốc nơi công cộng, trong đó có bệnh viện sẽ bị phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền 50-100 ngàn đồng. Nhưng trong nghị định lại không nói rõ bệnh viện có thẩm quyền phạt hay không. Họ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của chúng tôi nên chúng tôi cũng mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở kèm theo giáo dục, tuyên truyền. Nếu trong nghị định có nói giao cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp này phạt hành chính thì chúng tôi sẽ làm ngay”.

Nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc lá tại bệnh viện, từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng mức phạt 50.000 đồng đối với một tàn thuốc. Theo đó, tổng số tàn thuốc bị phát hiện sẽ được tính thành tiền, chia trên tổng số nhân viên tại khoa đó và sẽ bị trừ lương vào cuối tháng. Cách làm này đem lại hiệu quả rõ rệt, số lượng người hút thuốc giảm mạnh từng năm nhờ sự giám sát gắt gao của bệnh viện. Anh Nguyễn Tri Thức, Bí thư đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, người phụ trách chương trình “Không thuốc lá” tại bệnh viện này, cho biết: “Sở dĩ phải áp dụng mức phạt tiền cho nhân viên bệnh viện vì không thể phạt người bệnh và người nhà của họ được. Nghị định của Bộ Y tế đưa ra nhưng tính thực thi không cao vì không chỉ rõ ai là người có thẩm quyền lập biên bản, ngay cả biên lai thu tiền cho vi phạm này cũng không có nên chúng tôi không dám phạt. Chỉ nhắc nhở không thôi mà bảo vệ ở đây đã bị chửi mắng, dọa đánh không biết bao nhiêu lần. Nếu chúng tôi thu tiền, bị họ đánh thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Ông Đặng Văn Quỳ, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế TP.HCM, cũng cho rằng hiện tại chỉ thanh tra có thẻ chuyên ngành mới được phạt vi phạm hành chính. Luật đưa khơi khơi mức phạt mà không chỉ rõ người có thẩm quyền phạt, vì vậy không bệnh viện nào dám phạt. Cần có một văn bản quy định cụ thể về vấn đề này để luật khỏi ra xong chỉ để đó!

Khói thuốc lá trong BV: Luật không khả thi, người bệnh lãnh đủ ảnh 1Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM:

Hút thuốc như “dầu đổ vào lửa”

Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư. Khi hút thuốc, những chất gây ung thư có trong khói thuốc sẽ thẩm thấu vào máu và tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Một người bị ung thư do hút thuốc nhưng tiếp tục hút là tiếp tục đưa nguyên nhân gây ung thư vào máu. Cũng như một đám cháy mà người nào đó tiếp tục đổ thêm dầu vào thì nó sẽ bùng lên.

Ngoài ra, hút thuốc sẽ gây khó khăn cho việc điều trị. Về nguyên tắc, từ lúc phát hiện ung thư do thuốc là phải cắt đứt ngay tác nhân gây bệnh.

Người hút thuốc lá thụ động là người ngửi khói thuốc do người khác nhả ra cũng có khả năng bị ung thư.

Khói thuốc lá trong BV: Luật không khả thi, người bệnh lãnh đủ ảnh 2Ông Phạm Văn Tâm, 50 tuổi, nuôi vợ tại Bệnh viện Ung bướu:

Tôi không hút thuốc trong bệnh viện

Tôi biết hút thuốc là gây nên bệnh phổi nhưng bỏ hoài mà không được. Tuy nhiên, sau này tôi chỉ hút thuốc the, một tuần vài ba điếu cho đỡ... ghiền thôi. Từ lúc vào bệnh viện đến nay đã 20 ngày, tôi bỏ không hút luôn, hơn nữa trong khuôn viên bệnh viện cũng không cho hút.

Tôi tán thành việc nghiêm cấm hút thuốc lá trong bệnh viện, bởi bản thân tôi bây giờ nghe mùi thuốc cũng rất khó chịu.

Khói thuốc lá trong BV: Luật không khả thi, người bệnh lãnh đủ ảnh 3Chị Trần Thị Ngọc Tâm, đang nuôi con tại Bệnh viện Nhi đồng 2:

Rất nhiều người vô ý thức

Ông xã tôi cũng hút thuốc nhưng cách đây ba tháng anh đã quyết định bỏ vì con. Bé mới 14 tháng tuổi, hít khói thuốc lá chừng 15 phút là hôm sau bệnh liền. Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và nhất là em bé còn nhỏ tuổi, tôi đã viết tấm bảng “Không hút thuốc” to như ở bệnh viện để treo trong nhà mình. Do đó, khách tới nhà tôi chơi cũng không dám hút.

Không hiểu sao tại bệnh viện nhi đồng mà còn nhiều người hút thuốc. Tôi rất ghét mùi thuốc lá, tốt hơn hết là trong bệnh viện không ai nên hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính họ và cho cả mọi người xung quanh.

YÊN THẢO - DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm