Học xong, “xù” phục vụ: Bồi thường

Vừa qua, TAND quận 5 (TP.HCM) đã giải quyết một vụ tranh chấp có tính chất pháp lý khá mới: Công ty nhà nước D. khởi kiện đòi nhân viên cũ là ông A. hoàn trả hơn 78 triệu đồng chi phí mà công ty đài thọ cho ông này theo một khóa học Anh văn.

Học xong rồi... nghỉ

Theo đơn khởi kiện, từ tháng 11-2003, Công ty D. đã tổ chức cho 14 cán bộ, công nhân viên của đơn vị, trong đó có ông A. theo học chương trình đào tạo Anh văn với tổng thời gian học là 10 tháng, gồm 25 tuần trong nước và 12 tuần tại Úc để lấy chứng chỉ IELTS. Tổng cộng chi phí đào tạo một người mà công ty chi ra là hơn 140 triệu đồng.

Tháng 12-2003, ông A. đã làm văn bản cam kết đồng ý sau khi kết thúc khóa học này sẽ làm việc lâu dài tại công ty tối thiểu là năm năm. Tháng 9-2004, ông A. kết thúc khóa học, về làm việc tại công ty được một năm nữa thì xin nghỉ việc. Ông A. đồng ý bồi thường chi phí đào tạo cho công ty theo phương án trả thành bốn đợt, đợt đầu hơn 35 triệu đồng, ba đợt còn lại mỗi đợt hơn 26 triệu đồng trong vòng hai năm, hạn chót là đến tháng 8-2007.

Sau đó, mới trả được đợt đầu hơn 35 triệu đồng thì ông A. thôi luôn. Đầu tháng 9-2007, đòi nợ không được, công ty khởi kiện yêu cầu ông A. hoàn trả lại hơn 78 triệu đồng (đã trừ hơn 35 triệu đồng ông A. trả trước và hơn 28 triệu đồng “tiền công” một năm ông phục vụ công ty sau khóa học).

Phải bồi thường!

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND quận 5 giữa tháng 9-2007, ông A. nói công ty bắt nhân viên ký bản cam kết làm việc tối thiểu năm năm là trái luật.

Ông cho rằng mình là cán bộ, công chức tại công ty. Theo Nghị định 54 năm 2005 của Chính phủ (về chế độ bồi thường chi phí đào tạo đối với cán bộ, công chức) thì thời gian phục vụ bắt buộc sau khi kết thúc đào tạo chỉ gấp ba lần thời gian đào tạo. Ở đây khóa học diễn ra trong 10 tháng thì tổng thời gian phục vụ tối thiểu của ông chỉ có thể là 30 tháng (bằng một nửa thời gian mà công ty bắt ông ký thỏa thuận).

Mặt khác, ông A. không đồng ý cách tính đòi bồi thường của công ty và yêu cầu công ty phải làm rõ các khoản chi phí cho khóa học Anh văn. Theo tính toán của ông thì ông chỉ phải hoàn trả cho công ty 34 triệu đồng và đề nghị tòa cho ông trả dần mỗi tháng một triệu đồng cho đến khi hết nợ.

Ngược lại, TAND quận 5 nhận định ông A. không phải là cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp mà là người lao động có ký kết hợp đồng lao động với công ty. Do đó trường hợp của ông không áp dụng Nghị định 54 của Chính phủ mà điều chỉnh bởi pháp luật lao động.

Theo luật, ông A. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải bồi thường chi phí đào tạo. Cụ thể, căn cứ vào Bộ luật Lao động, Nghị định 44 của Chính phủ và Thông tư 21 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, người lao động được đào tạo bởi kinh phí của công ty, sau khi học xong phải làm việc cho công ty một thời gian do hai bên thỏa thuận.

Vì thế, tòa kết luận việc công ty ký văn bản thỏa thuận bắt buộc ông A. làm việc lâu dài tại công ty tối thiểu năm năm hoàn toàn không có gì sai. Văn bản này do ông A. tự nguyện ký, không bị ép buộc và không thể là không hiểu biết vì ông là người có trình độ nhất định.

Từ đó, tòa đã tuyên ông A. phải bồi hoàn hơn 78 triệu đồng chi phí đào tạo khóa học Anh văn còn thiếu Công ty D. Hai bên thực hiện việc giao nhận một lần như yêu cầu của công ty.

Không đồng tình, ông A. đã làm đơn kháng cáo gửi lên TAND TP. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về kết quả của phiên xử phúc thẩm sắp tới.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm