Hành trình trốn truy nã của Trịnh Xuân Thanh

Tối 31-7, sau khi Bộ Công an phát đi thông báo Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, PV đã tìm đến nhà riêng của bị can này tại KĐT Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.

Ghi nhận thực tế, hoạt động của các thành viên trong gia đình Trịnh Xuân Thanh vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề nguyên chủ tịch HĐQT PVC đã về nước, một người trong nhà cho hay “không biết gì”.

Tiếp tục đặt câu hỏi gia đình có nhận được thông báo nào về Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú hay không, người này từ chối trả lời.

Nhà riêng của Trịnh Xuân Thanh tại KĐT Ciputra, tối 31-7

Việc nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ra đầu thú sau 10 tháng trốn truy nã những giờ qua là thông tin được rất nhiều người quan tâm.

Theo đó, đầu tháng 6-2016, vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng chiếc xe tư nhân loại Lexus nhưng lại đeo biển số xanh gây “nóng”.

Ngày 9-6, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban KTTW chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo chí phản ánh về việc sử dụng xe tư gắn biển xanh và những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 11-7, Ủy ban KTTW đã thông báo kết luận về vụ việc trên. Theo đó, với trách nhiệm là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc Tổng Công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế, để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011- 2013).

Ngày 19-8, Trịnh Xuân Thanh gửi đơn lần 2 xin nghỉ để đi nước ngoài trị bệnh và không rõ tung tích từ đây.

Tiếp đó, ngày 8-9, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có quyết định kỷ luật khai trừ Trịnh Xuân Thanh khỏi Đảng (trên cơ sở đề nghị của Ủy ban KTTW).

Ngày 15-9, Bộ Công an đã ra Quyết định số khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên. Đồng thời ra quyết định khởi tố 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC. Cùng ngày, Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh với tội danh trên.

Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, ngày 16-9, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát thông báo truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh.

Ngày 15-3-2017, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan đến vụ án nên đã công bố quyết định khởi tố đối tượng này về tội tham ô tài sản.

Tháng 4-2017, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; bằng mọi giá truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án.

Ngày 31-7, Bộ Công an cho biết Trịnh Xuân Thanh (sinh ngày 13-2-1966, thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.

Cùng ngày, tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại PVC là một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2017.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm