Góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự: Tránh xử theo bút lục!

Tiếp tục ghi nhận góp ý sửa đổi Bộ luật TTHS năm 2003, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của tiến sĩ Lê Thị Thu Thủy (Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội).

Bà Thủy nói: Theo BLTTHS năm 2003, thẩm quyền ra quyết định tố tụng chủ yếu thuộc về người đứng đầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhưng người trực tiếp giải quyết án lại là điều tra viên, kiểm sát viên. Người có quyền không làm trực tiếp, người làm trực tiếp lại không có quyền là bất hợp lý.

Vì thế, bà Thủy đồng tình rằng bộ luật sửa đổi nên trao quyền nhiều hơn cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán. Ngoài ra, đối với các tội phạm gây hậu quả nghiêm trọng, có tác động khôn lường tới nền kinh tế như trong lĩnh vực thuế, ngân hàng... cần có sự phân định thẩm quyền cụ thể cho cơ quan thuế, ngân hàng khi hợp tác để đảm bảo hoạt động điều tra được hiệu quả.

Tự kháng nghị, tự xử: Không ổn chút nào!

. Bà nghĩ gì về quy định xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm trong BL TTHS 2003, thưa bà?

+ Tôi thấy chưa ổn bởi thực ra xử giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay là xét xử theo bút lục. Toàn bộ vụ án được xét trên hồ sơ, luật sư rồi bị cáo không bao giờ thấy tham dự, dù trong luật có quy định là mời họ khi cần thiết. Tôi nghĩ nguyên nhân của việc này là thiếu vai trò của VKSND tối cao. Chúng ta không nên trao quyền kháng nghị giám đốc thẩm cho chánh án TAND tối cao mà giao cho viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị, sau đó TAND tối cao xử. Làm theo quy trình như hiện nay thì tòa tối cao tự kháng nghị rồi tự xử, thế hóa ra kết quả biết trước hết rồi, còn gì là khách quan nữa!

Ngoài ra, chuyện tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung cũng vậy. Nếu xét thấy không đủ chứng cứ thì tòa cứ tuyên bị cáo vô tội, ai lại phải tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tòa lại còn chỉ ra rằng phải bổ sung chứng cứ này, chứng cứ nọ thì mới xử được, mới kết án được. Như vậy chẳng phải tòa đang cùng “một phe” với VKS hay sao, còn đâu tính độc lập trong các khâu của quá trình tố tụng.

Áp dụng thủ tục rút gọn nhiều hơn

. Quá trình thực thi Bộ luật TTHS năm 2003 bộc lộ nhiều tình huống thiếu quy định cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật bất nhất, chẳng hạn chuyện luật sư bỏ về giữa phiên xử, xử lý những vật chứng vô chủ…

+ BL TTHS 2003 thật ra cũng không đến nỗi “tồi” như thực tế chúng ta tưởng. Những vướng mắc trên đang hiện hữu thì các quy định đều đã có mà các nơi chưa thực hiện đến nơi đến chốn. Chẳng hạn chuyện luật sư tự ý bỏ về giữa phiên xử thì tòa cứ tiếp tục xử, trừ khi đây là vụ bị cáo bị truy tố theo khung hình phạt đến tử hình thì mới phải hỏi ý kiến bị cáo. Còn thái độ không đúng mực của luật sư sẽ do đoàn luật sư xem xét xử lý trên cơ sở kiến nghị của tòa.

Chuyện xử lý tài sản tang vật vô chủ cũng vậy. BL TTHS năm 2003 đã quy định tòa có quyền tuyên rõ trong bản án. Cụ thể trong thời gian từ ba đến sáu tháng sau khi bản án có hiệu lực tòa sẽ đăng công khai trên báo chí xem ai là chủ hợp pháp thì đến nhận, không thì cứ sung công mà thôi.

. Theo bà, trong bộ luật mới cần lưu ý gì khi xử lý các tội phạm liên quan đến kinh doanh thương mại?

+ Theo tôi, nên có quy định đặc thù về thủ tục tố tụng rút gọn đối với các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, sở hữu trí tuệ, ngân hàng như một số nước trên thế giới (Mỹ, Thái Lan)... Làm như vậy để bảo vệ kịp thời quyền lợi của nhà nước, của các tổ chức, cá nhân tham gia những thị trường đặc biệt nhạy cảm này.

. Xin cảm ơn bà.

Quy định rõ về chứng cứ

Theo TS Thủy, bộ luật mới nên quy định rõ về khái niệm và các loại chứng cứ. Những dữ liệu, thông tin dù được thu thập trước khi khởi tố nhưng khó xác định lại hoặc thỏa mãn các tiêu chí nhất định khác như người khai đã chết, tài liệu đã bị thất thoát hoặc liên quan đến bí mật nhà nước... thì vẫn có thể được coi là chứng cứ để xử án.

Trường hợp thực sự cần thiết khẳng định lại lời khai đó đúng hay sai thì nên quy định cơ chế hợp thức hóa các dữ liệu đã thu thập được trước đó. Điều này đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự, quyền đưa ra chứng cứ của bị can, bị cáo, những người tham gia tố tụng và tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc cho các bên tham gia tố tụng.

THANH TÙNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm