Góp ý sửa đổi BLTTHS: Không thể quy định nguyên tắc tranh tụng!

Ông Quế nói cần phải sửa rất nhiều vấn đề quy định trong BLTTHS năm 2003, trong đó chỉ riêng phần xét xử đã có khoảng 40 bất cập, vướng mắc.

Bị làm khó, luật sư hãy khiếu nại

. Thưa ông, nhiều người lại nói BLTTHS năm 2003 là một bước tiến, chỉ cần làm đúng luật thôi đã “ổn” lắm rồi?

+ BLTTHS năm 2003 tiến bộ đấy chứ nhưng tiến bộ không có nghĩa là hoàn chỉnh. Chẳng hạn làm luật, đỉnh cao của nó là 100 bậc thang. Anh đang ở bậc 10, mai lên bậc 12 cũng là có tiến bộ nhưng chỉ 12/100... Thế nên phải xem mình đang đứng ở bậc thang thứ mấy và nếu hoàn thiện thì là bậc bao nhiêu.

. Thưa ông, một số ý kiến cho rằng trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan tố tụng trong BLTTHS năm 2003 không rõ khiến nhiều quy định không được thực thi nghiêm túc như quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa chẳng hạn?

Góp ý sửa đổi BLTTHS: Không thể quy định nguyên tắc tranh tụng! ảnh 1+ Theo tôi, những quy định về quyền bào chữa của nghi can trong BLTTHS hiện hành là tương đối đầy đủ. Vấn đề ở chỗ các cơ quan tố tụng thực hiện như thế nào.

Tôi không phủ nhận ở nơi này hoặc nơi khác, cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng gây khó cho luật sư. Nhưng tôi được biết không ít trường hợp luật sư là người hiểu biết pháp luật mà lại làm không đúng quy định. Ví dụ: Bị cáo bị tạm giam, người nhà bị cáo tự ý mời luật sư trong khi anh không liên hệ gì với bị cáo trong trại cả, không biết bị cáo có đồng ý cho luật sư đó bào chữa hay không. Rõ ràng quyền bào chữa là của bị cáo chứ có phải của thân nhân bị cáo đâu. Nếu chưa có ý kiến của bị cáo thì làm sao tòa cấp giấy chứng nhận bào chữa cho anh được, để rồi kêu tòa làm khó!

Cũng xin nói thêm, mọi khiếu nại về hành vi tố tụng của cơ quan tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng đã được quy định rất cụ thể. Nếu ở đâu đó cơ quan tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng gây khó cho luật sư thì luật sư hãy thực hiện quyền khiếu nại để được giải quyết.

Không thể quy định nguyên tắc tranh tụng

. Có ý kiến đề xuất nên quy định nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS mới. Ông có đồng tình?

+ Khi soạn thảo BLTTHS năm 2003, vấn đề này đã đưa ra thảo luận kỹ lắm rồi. Nếu quy định tranh tụng là một nguyên tắc tố tụng thì phải thay đổi toàn bộ hệ thống pháp luật nước ta mà trong điều kiện ở ta hiện nay, điều này không thể làm được.

Chừng nào nước ta còn theo hệ thống pháp luật thành văn thì chừng đó không thể quy định nguyên tắc tranh tụng được. Tuy nhiên, chúng ta có thể sửa đổi, bổ sung BLTTHS theo tinh thần của Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49. Muốn thể hiện dân chủ, tranh tụng tại tòa như thế nào thì hãy làm đúng BLTTHS và các văn bản pháp luật liên quan là phiên tòa đã tuyệt vời lắm rồi.

Tôi rất buồn là chưa có phiên tòa nào tôi ngồi dự mà thấy thỏa mãn cả. Ai bắt chủ tọa phải lên gân lên cốt giải thích pháp luật, giáo dục cho bị cáo? BLTTHS hình sự đã quy định trước khi xét hỏi, bị cáo trình bày quan điểm về bản cáo trạng, nếu bị cáo nói đồng ý hoàn toàn với nội dung truy tố thì còn xét hỏi làm gì? Ấy vậy mà chủ tọa vẫn cứ xét hỏi từ đầu...

VKS chưa đủ giỏi để lãnh đạo điều tra

. Về mối quan hệ giữa VKS và cơ quan điều tra, ông có đồng tình với ý kiến nên giao nhiệm vụ lãnh đạo điều tra cho VKS?

+ Ở nước ta, xét mọi mặt như trình độ điều tra, kể cả về biên chế và con người... thì VKS chưa bằng cơ quan điều tra! Hiện nay, một hoặc hai kiểm sát viên đi kiểm sát một vụ trong khi người ta huy động tới vài chục điều tra viên tham gia một vụ án. Chưa kể là một số kiểm sát viên trình độ còn yếu kém, không kiểm sát được hoạt động điều tra. Anh muốn kiểm sát người ta thì phải giỏi hơn người ta chứ! Ở các nước, người ta quy định kiểm sát viên phải giỏi hơn điều tra viên, thẩm phán phải giỏi hơn kiểm sát viên.

. Ông nghĩ sao về gợi ý chuyển một số cán bộ điều tra sang làm kiểm sát viên?

+ Chuyển sang thì không khó nhưng cái khó lại là chế độ, chính sách. Chỉ nói đơn giản, người ta đang hưởng chế độ của ngành công an, khi chuyển sang làm kiểm sát viên thì chế độ thế nào? Bắt họ hưởng chế độ thấp hơn thì xin hỏi bao nhiêu người chấp nhận chuyển?

Ông Quế cho biết theo tinh thần cải cách tư pháp, tòa sẽ xử theo bốn cấp (sơ thẩm khu vực, phúc thẩm, thượng thẩm và tòa tối cao) nên chắc chắn phải sửa quy định về thẩm quyền của TAND tối cao. Có một vấn đề cần cân nhắc khi tổ chức lại bộ máy của ngành tòa án là tòa phúc thẩm vừa có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm vừa xét xử phúc thẩm...

Cũng theo ông Quế, BLTTHS năm 2003 quy định thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; viện trưởng, phó viện trưởng VKS... là người tiến hành tố tụng nhưng họ cũng đồng thời là đại diện của cơ quan tố tụng vì cơ quan tố tụng thực hiện quyền năng thông qua người đứng đầu. Do vậy, khi sửa đổi BLTTHS năm 2003 cần phải tách biệt quyền năng của những người nói trên là khi nào họ nhân danh cơ quan tố tụng, khi nào họ nhân danh người tiến hành tố tụng.

THU NGUYỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm