Góp ý Luật Quy hoạch đô thị: Nên có quy định riêng cho đô thị đặc biệt

Hôm qua (5-3), Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý Luật Quy hoạch đô thị. Các chuyên gia đã trình bày ý kiến xung quanh việc quy định về quy hoạch đô thị mang tính tổng thể, đô thị đặc biệt và văn hóa đô thị.

Buộc phải có công trình ngầm

Theo kỹ sư Phan Phùng Sanh: “Quy hoạch đô thị phải coi trọng không gian ngầm và chiều cao của các công trình xây dựng. Đối với các đô thị mở rộng, mới thì buộc quy hoạch sử dụng không gian ngầm (tàu điện ngầm, hào kỹ thuật, hệ thống thoát nước...) phải tiến hành song song với quy hoạch trên mặt đất, vừa tránh được lãng phí trong tương lai, vừa góp phần làm đẹp hơn bộ mặt của TP”. Mặt khác, dự thảo không nói đến vấn đề quy hoạch đô thị trong những vùng có nguy cơ ngập do mực nước biển dâng: “Nơi nào không nên phát triển đô thị, phải nâng cốt nền lên bao nhiêu cho an toàn, hệ thống đê bao như thế nào...” - ông Sanh đặt vấn đề.

Quy hoạch đô thị phải coi trọng không gian ngầm và chiều cao các công trình xây dựng. Ảnh: HTD
Quy hoạch đô thị phải coi trọng không gian ngầm và chiều cao các công trình xây dựng. Ảnh: HTD

Kiến trúc sư Nguyễn Nam Thái, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP, góp ý trong giai đoạn này nên bỏ Điều 18 (quy định về Kiến trúc sư trưởng (KTST) - PV). Ông băn khoăn: “KTST ra đời thì chức năng Sở Quy hoạch Kiến trúc còn không hay sẽ bị giải thể trong tương lai? Một KTST phải là người vừa có tâm vừa có tầm và không bị nghiêng ngả về phía nào trước ý kiến của lãnh đạo TP thì mới làm tròn nhiệm vụ”. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc là KTST thì hợp lý hơn, quan trọng là người nói phải có người nghe.

Có ý kiến cho rằng vấn đề văn hóa kiến trúc đô thị cũng hết sức đáng lưu tâm. Đô thị hiện đang tùy tiện pha trộn các loại hình kiến trúc. Đó là chưa kể đi đến đâu cũng gặp các loại hình kiến trúc na ná, rập khuôn giữa đồng bằng và miền núi. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Bảo (ĐH Kinh tế TP.HCM), nhìn vào đô thị sẽ biết văn hóa của một vùng miền nhưng 70% nhà Việt Nam hình ống hóa hết, bề ngang một mà chiều cao ba!

Đừng bắt xe lửa đi chung đường với xe du lịch

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP, đặt vấn đề ai chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị giữa địa phương này với địa phương khác. “Xu hướng hiện nay là phát triển vùng lãnh thổ, vùng đô thị. Nếu mỗi địa phương mà làm một “cục” riêng lẻ thì không được. Phải liên kết các đô thị lại để phát triển có hiệu quả bằng một kế hoạch phát triển chung cả vùng. Bộ Xây dựng duyệt kế hoạch này cho cả vùng, nếu để mỗi địa phương tự làm riêng rồi chờ kết nối lại thì cái đã làm lạc hậu mất rồi” - ông Mười nói.

Cùng ý kiến này, ông Sanh cho rằng một đô thị có khoảng ba triệu dân trở lên thì ngoài đô thị trung tâm cần có thêm các đô thị vệ tinh tạo nên một vùng đô thị. Giữa đô thị trung tâm và các vệ tinh cần có một khoảng cách nhất định để tạo mảng xanh. Nếu hạ tầng kỹ thuật tốt thì việc kết nối giữa đô thị trung tâm với vệ tinh cách xa khoảng 20-30 km không có gì phải băn khoăn!

ý kiến không đồng ý giao cho UBND quận, huyện lập quy hoạch riêng sẽ tạo những mảnh vá không đồng nhất trong tổng thể quy hoạch chung của TP. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề nghị: “Đừng đứng ở TP.HCM để góp ý về quy hoạch đô thị vì chúng ta có 800 đô thị trên cả nước”. Theo ông, TP nằm trong cái áo này (dự thảo Luật Quy hoạch đô thị) thì hẹp. Còn nếu bắt các tỉnh theo TP thì cái áo ấy lại quá rộng với họ. Vì vậy, ông đề xuất luật cần có một chương riêng cho đô thị đặc biệt như TP.HCM và Hà Nội. Ông Hòa ví von rằng đô thị đặc biệt như một đoàn tàu, còn đô thị nhỏ hơn thì như chiếc xe con, cả hai cùng là phương tiện vận tải nhưng cần phải có loại đường dành riêng cho nó, không thể đi chung.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm