Giao thông thủy miền Tây: Hiểm họa chực chờ !

Đò ngang “5 không”

Cảnh nhồi nhét khách thường thấy trên các chuyến tàu cao tốc ở Cà Mau. Ảnh: VPMT.
Cảnh nhồi nhét khách thường thấy trên các chuyến tàu cao tốc ở Cà Mau. Ảnh: VPMT.

Mới đây, trong một lần đi công tác ở An Giang từ bên bờ Tân Châu (An Giang) để qua được bên bờ Hồng Ngự (Đồng Tháp) chúng tôi phải đi trên một chiếc chẹt (một loại phương tiện như ghe, xuồng người dân đồng bằng thường dùng để chở khách) tuềnh toàng, chở hàng chục người và xe cộ khẳm lừ. Nước trên sông Tiền cuồn cuộn chảy, mỗi lần sóng vỗ mấp mé là tôi cùng các hành khách thót tim, hốt hoảng.

Năm phút. 10 phút. 20 phút. Nước trên con sông Tiền mỗi lúc một dâng cao, chiếc chẹt cũ mèm vẫn lừ đừ, cố gượng đưa hành khách qua bên bờ Hồng Ngự xa tít hàng mấy cây số. Trong khi đó, anh phụ đò luôn hì hục tát nước ra ngoài, còn anh chủ đò tay cầm lái, miệng trấn an mọi người: “Cô bác đừng lo, do gần khu vực đầu nguồn nên nước chảy mạnh, sóng lớn nước vô chút đỉnh, thấy ghê vậy chứ không sao đâu”.

Gần 20 phút thót tim, tôi cùng với mấy chục hành khách mới được đưa lên bờ một cách an toàn. Đây chính là thực trạng chung của những chuyến đò ngang ở các tỉnh miền Tây. Các hành vi vi phạm an toàn giao thông thủy phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là ghe tàu chở quá tải, các phương tiện không bảo đảm an toàn.

Trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng các bến đò ngang, đò dọc hoạt động “ 5 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không chứng chỉ chuyên môn, không bằng cấp và không đủ các điều kiện an toàn đối với các phương tiện, bến chở khách ngang sông.

Nhồi nhét, lén lút hoạt động “chui”

Tình trạng trên xảy ra hầu như “cơm bữa” đối với đội tàu bay (tàu cao tốc) ở Cà Mau. Trong một lần đi xuống thị trấn Sông Đốc, Cà Mau, chuyến tàu tôi đi chỉ được phép chở tối đa 30 hành khách. Vậy mà, chủ tàu vẫn cố nhồi nhét, rước khách dọc đường thêm hơn chục người, chạy bạt mạng bất kể mạng sống của hành khách.

Vụ tai nạn đường thủy mới đây nhất xảy ra trên chuyến đò từ Chợ Thủ, thuộc huyện Chợ Mới, An Giang đi sang địa phận huyện Thanh Bình, Đồng Tháp đã làm chết 3 cha con ông Tăng Lân Ngươn, Tăng Ngọc Duyên và Tăng Ngọc Hà. Nguyên nhân là do chủ đò khai thác bến không đúng mục đích, chở ô tô trong khi quy định không cho phép.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có hàng trăm ngàn phương tiện thủy hoạt động “chui”, không qua đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, Cần Thơ có trên 22.000 phương tiện bắt buộc phải đăng kiểm nhưng chủ sở hữu chưa chấp hành, Cà Mau có khoảng 6.300/99.379 phương tiện đường thủy nội địa đăng ký...

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân chính do chủ phương tiện chưa ý thức được việc đăng ký, đăng kiểm để bảo đảm an toàn khi lưu thông. Một trong những nguyên nhân chủ yếu nữa là do ý thức tuân thủ các quy định về pháp luật giao thông đường thủy của người dân chưa cao. Hơn nữa do địa bàn sông rạch rộng và chằng chịt nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Mỗi năm có khoảng 300 vụ tai nạn giao thông đường thủy

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm toàn quốc xảy ra khoảng 300 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết hơn 250 người, hơn 100 người bị thương, thiệt hại tài sản hàng trăm tỉ đồng.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 64 người chết, 6 người bị thương, chìm và hư hỏng 58 phương tiện, thiệt hại tài sản gần 18 tỉ đồng. Số liệu thống kê còn cho thấy hiện có tới 80% thuyền trưởng chưa có chứng chỉ chuyên môn, 97% người lái phương tiện chưa có chứng chỉ...

ĐỨC KHÁNH - (Theo NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm