Đừng để vùng ven thành “túi rác” của đô thị

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo quốc tế về các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á khai mạc tại TP.HCM hôm 9-12.

Các “xóm đô thị” tự phát

Theo TS Võ Kim Cương, chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học về quản lý đô thị TP.HCM, hiện trạng vùng ven TP.HCM đang trên đà đô thị hóa tự phát. Hậu quả của sự phát triển tự phát này là đồng ruộng bị xé nhỏ, bị bỏ hoang, nông dân không có đất sản xuất, vùng ven trở thành địa chỉ cho những người đầu cơ đất.

Khảo sát bức tranh đô thị tại các quận vùng ven như quận 6, huyện Bình Chánh, Hóc Môn..., TS Cương kết luận nhà cửa của người dân chủ yếu phát triển theo các trục giao thông. Đường chạy đến đâu, nhà xây lên đến đó, bất kể hạ tầng đô thị khu vực đó ra sao. Nhiều khu dân cư có hạ tầng tốt bị lọt thỏm trong các khu tự phát, hình thành những “xóm đô thị”. “Quy hoạch của TP.HCM giống hình ảnh một bánh đa bị khoét lõm. Các quận trung tâm thì được quy hoạch rất bài bản, còn ra ngoại thành thì tràn lan làm phá vỡ ý tưởng quy hoạch khu đô thị đa trung tâm” - ông Cương nói.

TS Nguyễn Thế Cường (Đại học Kiến trúc TP.HCM) vẽ ra bức tranh xã hội của vùng ven TP.HCM không mấy sáng sủa. “Vùng ven là nơi tích tụ nghèo của đô thị. Nơi đây tập trung nhiều người nghèo từ các quận trung tâm đổ ra, nông dân bị thu hồi đất, mất đất sản xuất nên bị nghèo hóa và người nghèo từ các tỉnh khác đổ về TP kiếm sống. Đã nhiều người nghèo, công việc không ổn định thì đương nhiên tình hình an ninh trật tự cũng phức tạp theo” - ông Cường nói. Những nhà máy nhỏ xen cài trong khu dân cư, những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cũng được đưa ra ngoại thành, nhất là những bãi rác đô thị luôn tập trung ở vùng ven khiến đời sống của người dân nơi đây càng ngày càng tệ.

GS-TS Micheal Leaf, Viện Nghiên cứu châu Á (Canada), cho rằng vùng ven của TP.HCM là nơi phân hóa giàu nghèo rõ rệt nhất. Tại phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân), ở đường chính thì nhà cửa khang trang nhưng khi ra khỏi đường chính là gặp ngay những khu “ổ chuột”.

Sẽ tốn bộn tiền để chỉnh trang

TS Cường nhận xét vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam thời gian qua đã quá nóng, vượt quá sức chịu đựng của đô thị nên tạo thành bức tranh phức tạp của vùng ven. Ông phân tích: “Văn hóa nông thôn của vùng ven bị phá vỡ trong khi văn hóa thành thị chưa hình thành. Người dân rơi vào khoảng “chân không” văn hóa, chới với không biết bám vào đâu nên rất dễ phát sinh những vấn đề xã hội”.

GS-TS Terry McGee (Đại học British Columbia, Canada) chỉ ra hiện trạng phần lớn cơ sở hạ tầng và dịch vụ tập trung nhiều ở nội thành nhưng chỉ phục vụ cho một số ít dân cư. Càng ra ngoài vùng ven thì dịch vụ và cơ sở hạ tầng càng ít đi trong khi mật độ dân số lại cao. “Đây là bài toán khó cho việc phát triển vùng ven” - ông nói. GS Đào Thế Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nông thôn Việt Nam, khuyến cáo: “Vùng ven đô thị của Việt Nam phát triển không theo mô hình nào. Chính vì kiểu tự phát này mà nhà nước sẽ phải trả giá đắt để phát triển trong tương lai”.

Thật vậy, muốn phát triển vùng ven thành những khu đô thị đàng hoàng, nhà nước sẽ phải bỏ ra không ít tiền để chỉnh trang đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường và cả tình hình an ninh trật tự của vùng ven. Nhiều nhà khoa học cho rằng không dễ đưa ra chính sách đáp ứng các tiêu chí của đô thị hóa là nhân bản, phát triển bền vững và người nghèo không bị gạt ra ngoài trong quá trình đô thị hóa của vùng ven.

Phải có cơ chế đặc biệt cho vùng ven

Các nhà khoa học nhận định vùng ven là một vùng đô thị đặc biệt, không phải nông thôn cũng không hẳn thành thị. Áp dụng chính sách cho nông thôn cũng không được mà áp dụng chính sách cho đô thị cũng không xong. Ở đây thường phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích của TP, lợi ích của chính quyền địa phương và của các nhà đầu tư. Thường thì các chính sách của TP không đưa ra để áp dụng cho vùng đặc biệt này. Theo TS Cương, nhà nước phải có biện pháp mạnh mới có thể quản lý được những khu tự phát ở vùng ven. Ông Cương hiến kế phải thu hẹp không gian phát triển đô thị. Phát triển từng khu vực một và phát triển có điểm nhấn để quản lý đô thị vùng ven đi vào khuôn khổ.

TS Cường đưa ra một loạt vấn đề cần giải quyết. Trước hết, nhà nước phải lo chỗ ở tốt cho người dân bị thu hồi đất, phải có chính sách để người tái định cư gắn bó với chỗ ở mới của mình. Đừng để người dân rơi vào khoảng trống văn hóa khi làng xã bao đời nay bị phá vỡ mà văn hóa đô thị thì quá lạ lẫm. Phải cải tạo tiền lương và chế độ lao động cho công nhân để bản thân công nhân không bị nghèo hóa. Các cấp chính quyền phải thực thi nghiêm những chính sách bảo vệ môi trường tại vùng ven cũng như trong nội thành. Chính sách công cũng cần được xây dựng lại, hỗ trợ cho người dân nâng cao tri thức để họ tự thoát nghèo. “Phải xóa nghèo từ vật chất đến tri thức thì mới mong chấm dứt cái vòng lẩn quẩn của người nghèo ven đô” - ông Cường nhấn mạnh.

NGỌC HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm