Dũng Cam sẽ bị xét xử ở Việt Nam hay Campuchia?

Như đã đưa tin, tối 7-12, Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan đã bắt được Nguyễn Thành Dũng (34 tuổi, quê An Giang), nghi can vụ hành hạ dã man bé trai Campuchia.

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng C45, cho biết ngay sau khi nhận được thông tin, hình ảnh gây bức xúc dư luận về hành vi hành hạ trẻ em của một đối tượng bị tình nghi là người Việt Nam gây ra, C45 đã vào cuộc xác minh thông tin, truy tìm danh tính đối tượng khả nghi. Cảnh sát Hoàng gia Campuchia đã phối hợp, cung cấp và trao đổi thông tin để xác định chính xác thời gian, địa điểm, danh tính của nghi can Dũng. Từ kết quả điều tra, C45 đã xác định được dấu vết của Dũng. Tối 7-12, C45 đã bắt được Dũng tại quận 7, TP.HCM.

Ngay sau khi được công bố, thông tin Dũng bị bắt đã nhận được sự quan tâm của hàng ngàn bạn đọc. Đa phần ý kiến đều tỏ rõ sự hoan nghênh trước sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của lực lượng công an Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc quá trình tố tụng đối với Dũng sẽ được tiến hành tại Việt Nam hay Campuchia?

Nghi can Nguyễn Thành Dũng đã bị lực lượng công an Việt Nam bắt giữ.

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an, khẳng định việc điều tra, xét xử đối với Dũng sẽ được tiến hành tại Việt Nam, theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Theo tướng Quân, giữa Việt Nam và Campuchia đã có hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, vì vậy việc cảnh sát Campuchia yêu cầu công an Việt Nam phối hợp trong việc phá vụ án là hoàn toàn phù hợp. Ngay cả khi chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, chúng ta cũng có thể tiến hành điều này trên nguyên tắc có đi có lại.

“Đối với việc có dẫn độ Dũng sang Campuchia hay không, việc này chắc chắn là không. Bởi theo quy định pháp luật, Việt Nam sẽ không bao giờ dẫn độ công dân của mình cho nước khác” - Thiếu tướng Quân khẳng định.

Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp cho hay dù Dũng thực hiện hành vi phạm tội (nếu đủ cơ sở kết luận) tại Campuchia, hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, để phục vụ cho quá trình điều tra làm rõ vụ việc Nguyễn Thành Dũng, Cục Cảnh sát hình sự phía Nam (C45B), Bộ Công an đã bắt một người phụ nữ được cho là có liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Hiện cơ quan công an đang tiến hành lấy lời khai nghi can Dũng để mở rộng vụ việc.

Thông tin ban đầu, Dũng có thời gian làm việc ở Campuchia và có sử dụng cần sa, ma túy đá. Dũng là người đồng tính, có "bạn trai" là Stefan Struik, chủ trang trại ở tỉnh Mondulkiri (Campuchia), Ngoài Dũng đã có ba nghi phạm khác là Ret Sothy (28 tuổi), Oeu Nat (25 tuổi, cùng người Campuchia) và một công dân Hà Lan bị cảnh sát tỉnh Kompong Cham bắt giữ. Những nghi phạm này đều làm thuê tại một trang trại ở tỉnh Mondulkiri. 

Thời điểm xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em vào khoảng tháng 8. Bé trai trong đoạn clip là con của hai vợ chồng làm việc trong trang trại của "bạn trai" Dũng. Dũng thường xuyên chơi cùng và hành hạ cháu.

Theo Điều 101 BLHS, hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình như đánh đập, giam hãm,... ngoài ra những hành vi như đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc cũng là một trong những hình thức hành hạ người khác.

Hình phạt cho tội này là từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trường hợp hành hạ người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Nếu hành hạ mà gây thương tích cho người bị hành hạ thì người phạm tội ngoài việc bị xử phạt theo Điều 110 BLHS, còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 104 BLHS.

Cụ thể: Thương tích 11%-30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; thương tích 31%-60% thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; thương tích từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người thì bị phạt tù từ năm năm đến 15 năm.

Nếu chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Trong một số trường hợp như dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…; người phạm tội bị xử lý ở khung hình phạt liền kề cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm