“Đại ca gác kiếm” làm lại cuộc đời

Sinh ra trong một gia đình nghèo, học hành vất vả nên không thể lập nghiệp bằng con đường học hành. Cùng với bản tính của thời trai trẻ nông nổi, chưa chín chắn, chàng trai Phạm Văn Ca, trú tại xóm Hồng Thọ, xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn (Nghệ An) lớn lên trong môi trường đầy ắp những thói hư tật xấu của bạn bè nên sớm có trong mình dòng máu “anh hùng”.

“Đại ca gác kiếm” làm lại cuộc đời ảnh 1

“Gã đàn anh” tăm tiếng

Thường xuyên tụ tập bạn bè lêu lổng, quậy phá khắp nơi, luôn “cầm đầu” anh em xông pha vào các trận oanh tạc, Ca có tiếng tăm trong khắp cả vùng.

Thế rồi, cũng do thời trai trẻ, không hiểu được pháp luật và cũng muốn tỏ rõ “bản lĩnh” của đàn anh trong vùng, năm 1992, trong một lần đánh nhau với thanh niên xã khác, Ca đã cầm quả lựu đạn nhặt được trong một lần đi chơi, rút chốt, và ném thẳng vào đám thanh niên mà không hề lường trước được sự việc, chỉ nghĩ rằng mình ném đe dọa đám đó, đám thanh niên đã hoảng sợ bỏ chạy. Nhưng rất may là quả lựu đạn đã bị hỏng không phát nổ nên không ai bị thương.

Đứa con trai ngoan hiền học giỏi, niềm hạnh phúc của gia đình người đàn ông một thời lầm lỗi.

Sau khi trận xô xát xảy ra, Ca bị bắt với tội danh “tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép” với mức án là 6 năm tù giam. Những ngày tháng bôn ba ở đời và những lần theo đám bạn đi khắp nơi tung hoành, đổi lại 6 năm tù đã cho Ca một khoảng lặng để suy nghĩ lại cuộc đời của mình.

Được ra trại, trở về quê, với cái án trên lưng là đi tù về, khiến xóm làng ghẻ lạnh, người thân xa lánh, ai nấy cũng đều tránh mặt không dám gặp Ca, chỉ vì là “thằng đi tù”. Cũng với đó là bị bạn bè lôi kéo vào con đường cũ, cờ bạc, thuốc phiện…

Năm 1997, thời ở Nghệ An rộ lên tình trạng đào đá đỏ ở Quỳ Châu, Ca cũng khăn gói lên đường cùng bạn bè để đổi đời. Nhưng sau nhiều tháng ăn rừng, ngủ đất, Ca đã gác tay lên trán suy nghĩ lại: “Không lẽ mình chịu làm người như thế này suốt đời!” và quyết định trở về làm lại cuộc đời bằng con đường khác.

Hoàn lương làm giàu chính nghĩa

Năm 1999, Ca lại một lần nữa khăn gói ra đi, nhưng lần này anh tìm vào tận TP HCM để học nghề chứ không lông bông như trước nữa. Ca xin vào học nghề ở một tiệm sửa chữa ôtô. Mới đầu, xin đâu người ta cũng hỏi lý lịch và tiểu sử của anh, nhiều người đã từ chối nhận anh vào học.

Ca nhớ lại: “Khi đó, mình vô TP HCM xin học nghề nhưng nếu nói là đi trại về là họ từ chối không nhận vào làm. Tủi hổ lắm, nhưng vẫn quyết tâm phải học được nghề mới về quê, vì về quê không có nghề ngỗng gì lại theo đám bạn lêu lổng nữa thì lại hỏng tiếp cuộc đời…”.

Năm 2000, Ca trở về quê hương, xin mẹ mua miếng đất lập tiệm sửa xe ôtô nhỏ trên đường, do cũng chưa có vốn nên chỉ sửa nhỏ lẻ và làm bữa được bữa không. Thời gian đầu cũng không có khách nên đâm ra chán nản. Lúc này, bạn bè của anh lại lôi kéo dụ dỗ anh trở lại với những thói hư tật xấu. Ngày đó Ca quen và yêu cô gái cùng xã là chị Cao Thị Thế (vợ anh bây giờ) là giáo viên cấp 1, cũng nhờ tình yêu của anh và chị, chị Thế đã động viên an ủi nên anh Ca đã tiếp tục mở quán và làm tốt hơn. Khách quen dần nên công việc cũng dần dần đi vào ổn định hơn. Thế rồi, tình yêu đã đưa họ đến với nhau.

Sau nhiều năm, công việc của anh đều đặn hơn và bây giờ anh là thợ sửa xe ôtô duy nhất của cả xã, nên công việc nhiều hơn. Anh đã mở rộng tiệm sửa xe của mình lấy tên là “Anh Ca”. Gia đình anh hiện đã có được một đứa con trai kháu khỉnh, học giỏi, cháu Phạm Nhật Nam, năm nay học lớp 4. Thu nhập từ việc sửa xe của anh mỗi ngày được từ 300.000 – 400.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Công an xã Nghĩa Hồng cho biết: “Anh Ca từ thời gian ra trại đến nay đã hòa nhập sớm với cộng đồng và luôn chấp hành tốt nghĩa vụ của mình. Đồng thời có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc khuyên nhủ các đối tượng cá biệt không vi phạm pháp luật…”.

Chàng trai từng một thời lầm lỗi đã làm lại cuộc đời với niềm tin vào cuộc sống, và sự nỗ lực hết mình đã giúp anh trở thành một người có ích cho xã hội. Anh Ca cho biết: “Mình đang vay vốn để mở rộng cơ sở sửa chữa ôtô, để thuê thêm người vào làm, cố gắng giúp đỡ những người lầm lỡ như mình trở thành người có ích cho xã hội”.

 
Theo Ngô Toàn (CAND)
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm