Công tử cũng năm, bảy đường phong lưu...

Vào giai đoạn cả nước điêu đứng vì kinh tế bao cấp, nhà nhà đều phải thắt lưng buộc bụng, ấy vậy mà cũng có công tử xem “chơi ngông” là thú vui giải trí. Ngày ấy, một công tử chỉ cần có chiếc Honda mới keng, tay đeo đồng hồ Seiko 5, uống bia Heineken lon… là đủ để được xem là có đẳng cấp. Nhưng kể từ ngày rũ bỏ cơ chế bao cấp, đẳng cấp của dân chơi công tử cũng theo đó mà thay đổi theo cơ chế cạnh tranh mà trong một số trường hợp chẳng khác nào “kinh tế tư bản hoang dã”.

Công tử cũng năm, bảy đường phong lưu... ảnh 1
 

Một vài xe ô tô sang trọng của “công tử” bị giữ lại vì đua xe trái phép.

Công tử thời @

Một trong những cú được xem là vô tiền khoáng hậu đã đưa Đ. vào hạng “Tứ đại thiếu gia” trong thập niên 90 (thế kỷ 20) là vụ tặng chiếc Pajero cho một kiều nữ. Nửa đêm hôm ấy, sau khi rời vũ trường, Đ. chở bốn cô gái xinh đẹp phóng ra Phan Thiết chơi. Khi vừa xuống xe, Đ. đố các cô nhớ được số xe mới tậu, không ngờ có một cô nàng nói trúng phóc. Đ. lẳng lặng giao chìa khóa, giấy tờ cho cô nàng. Cô tròn mắt chưa kịp hiểu, Đ. phán luôn một câu: “Của em!”.

Cảnh ăn chơi trác táng trong một quán bar.

Thiếu gia khác là T., chỉ trong một đêm dắt bạn bè đi ăn nhậu và quậy vũ trường tưng bừng, hóa đơn thanh toán lên đến hàng trăm triệu đồng, thế nhưng ánh mắt của công tử này vẫn thản nhiên.

Cảnh tượng khoe điện thoại của đám công tử mới thật chết khiếp. Trên bàn gần hai chục chiếc, sáng giá nhất có lẽ là hai chiếc Vertu mới keng. Thế nhưng Công “SIM” cười khẩy, chỉ vào chiếc điện thoại Trung Quốc rẻ bèo không quá 3 triệu đồng. Công giải thích: “SIM số 0903456789 trong điện thoại này trước kia tôi bán cho một công tử phố núi Gia Lai với giá 1 tỉ 800 triệu đồng, xài một thời gian ngắn công tử phố núi bán lại cho tôi giá 1 tỉ 300 triệu đồng. Bởi vậy chiếc điện thoại Trung Quốc này là đắt nhất!”.

Có một câu chuyện đấu giàu theo kiểu chơi ngông giữa hai công tử thời @, xảy ra như sau: Anh chàng công tử phố núi Gia Lai trong một lần lái chiếc ô tô thể thao hai cửa đến vũ trường ở quận 1 uống rượu chơi, vô tình chạm phải chiếc ô tô loại hai cửa khác đậu kế bên. Mất cả hứng thú uống rượu, công tử phố núi yêu cầu đám bạn đi cùng với mình mời cho bằng được công tử Sài thành, chủ nhân chiếc ô tô “đụng hàng”, rời khỏi vũ trường để đua xe phân tài cao thấp trên xa lộ Điện Biên Phủ. Cả hai đều bị lực lượng công an tóm vì vi phạm trật tự giao thông.

Những cô gái uốn éo sẵn sàng “vui vẻ” theo yêu cầu của “thiếu gia công tử” thời nay.

Chàng công tử Sài thành kia vốn là con trai đầu trong một gia đình kinh doanh ở TP.HCM. Trong thế giới của các tín đồ game online thì cái tên của công tử Sài thành khá vang dội. Toàn bộ bảo bối trong game online Võ Lâm Truyền Kỳ của công tử Sài thành có giá vài tỉ đồng. Trước đó, có một ca sĩ cũng thuộc dạng tiếng tăm, đánh tiếng muốn mua lại “cây bổng” giá hơn 700 triệu đồng. Công tử nghe lời đề nghị, cười, bảo: “Ông rảnh không? Rảnh thì tối kiếm chỗ nào khuất gió, đốt đô la sưởi ấm với tôi cho vui. Chứ nói chuyện tiền bạc với tôi làm gì?”. Nghe xong lời đề nghị ngược của công tử Sài thành, ca sĩ kia xanh mặt lặn luôn.

Sau lần thách đố đua xe, công tử Sài thành tuyên bố sẽ không đội trời chung với công tử phố núi. Hàng loạt cuộc “thư hùng” mà vũ khí là đô la được hai người liên tục tung ra để “đồ sát” nhau. Vào vũ trường, công tử phố núi gọi chai rượu giá dăm triệu thì công tử Sài thành bĩu môi, gọi chai đắt hơn để lau giày. Chạm nhau ở quán bar ăn khuya trên đường Nguyễn Trãi, vừa nhác thấy bóng công tử Sài thành, công tử phố núi lập tức bao hết các bàn trống để công tử Sài thành vào thế kẹt: đi ra thì mất mặt, đi vào thì chỉ biết... cãi nhau với nhân viên.

Những cô gái thiêu thân làm “con mồi” cho giới công tử trong một cuộc ăn chơi trác táng bị bắt quả tang.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là thách đố đem vàng ra chọi sóng. Đúng hẹn, công tử Sài thành và công tử phố núi gặp nhau ở khu bờ sông Thanh Đa. Phía công tử Sài thành áp đảo hơn bởi các chiến hữu liên tục hò hét khiêu khích. Phía công tử phố núi chỉ có mỗi công tử và cô người mẫu trầm ngâm soạn tin nhắn điện thoại, có vẻ như không quan tâm đến màn “đấu vàng” của hai công tử. Từng khoen vàng được trọng tài định giá trị tương đương đua nhau rời tay của hai công tử lặn mất tăm dưới dòng sông Sài Gòn chảy vào địa phận bán đảo Thanh Đa. Tới khoen vàng thứ... vài chục, công tử phố núi phủi tay, nhìn công tử Sài thành không nói gì. Tưởng công tử phố núi đã nhát tay, công tử Sài thành cười nhếch mép. Đột ngột, công tử phố núi rút từ túi quần ra cái di động Vertu, giá trên 20.000 USD nhẹ nhàng ném xuống dòng sông rồi cười lớn. Công tử Sài thành đứng nhìn ngẩn ngơ.

Chơi trội mà có ích, ai?

Ưa chơi nổi nhưng cách chơi nổi của công tử thời xưa khác với công tử thời nay, xem ra có ý vị hơn.

Không ai không biết đến danh tiếng giàu sang và những cuộc “thư hùng” của Hắc, Bạch công tử vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước. Hắc công tử từng bỏ tiền ra bao toàn bộ phòng ốc khách sạn ở miệt Hậu Giang để cho đoàn người của Bạch công tử khi tới đây thì không thể tìm được chỗ tá túc.

Thời ấy cả Việt Nam chỉ có hai chiếc máy bay riêng: một của Hắc công tử và một của vua Bảo Đại. Trần Trinh Huy (Ba Huy), tức “Hắc công tử”, đi thăm ruộng bằng máy bay. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Ba Huy hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm (Thái Lan). Ba Huy bị chính phủ Xiêm bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch, thân phụ của Ba Huy, phải đưa một đoàn ghe chở lúa qua tận Xiêm để chuộc quý tử về.

Trong khi đó, Lê Công Phước (Tư Phước) tức “Bạch công tử” có sở thích đặc biệt về sân khấu cải lương. Ban đầu, Tư Phước cùng ông Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương (ghép tên của hai người). Gánh gát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo... Sau đó, Bạch công tử tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ, với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam kỳ. Và cô đào nổi tiếng nhất là cô Bảy Phùng Há trở thành vợ của Bạch công tử.

Hắc công tử (trái), Bạch công tử (phải).

Thời đó những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch công tử lại sắm một lúc tới ba chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như là du thuyền. Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó, cờ vàng (cờ hiệu của gánh Huỳnh Kỳ) được kéo lên và Bạch công tử lấy súng lục ra, đưa lên trời nổ liền mấy phát. Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là Giọt máu chung tình, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há vai Bạch Thu Hà. Khi gánh hát dời đi nơi khác diễn, Bạch công tử cũng lại cho kéo cờ vàng, đốt pháo và rút súng lục ra bắn.

Đến năm 1930, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đời sống hết sức khó khăn, nhiều gánh cải lương buộc phải giải tán, trong đó có gánh Huỳnh Kỳ. Khoảng năm năm sau, Bạch công tử cho tái lập nhưng không gây được tiếng vang. Vì vậy ông cho giải thể gánh hát.

Dù tài sản lần lượt phải bán hết, bị đói khát hành hạ, Bạch công tử không hề ngửa tay xin xỏ hoặc nhờ vả ai (Bạch công tử qua đời vào năm 1950).

Ngôi nhà của Bạch công tử trước kia, hiện nay là Phòng Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Mỹ Tho.

Ngoài việc ăn chơi thường thấy trong giới công tử, Tư Phước có một đặc điểm trong “chơi trội” mà xét cho cùng lại đem tới lợi ích chung. Nếu không có cậu Tư Phước dốc toàn bộ sản nghiệp vào việc nuôi dưỡng gánh hát cải lương thì hàng loạt danh ca thời đó làm sao có “đất dụng võ”? Học giả Vương Hồng Sển từng viết: “Tôi rất quý mến cậu Tư”. Những người như Bạch công tử, như thầy Năm Tú (người nhập cảng linh kiện từ Pháp về, lắp ráp và kinh doanh máy hát đĩa) đã có công trong sự phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương - một nét đẹp văn hóa đặc trưng ở Nam Bộ.

Công tử cậy thế quan chức

Thói thường, những công tử, thiếu gia xuất thân từ tầng lớp quan chức quen dựa vào gia thế để ỷ lại, hống hách và tha hồ... đứng trên luật pháp. Dĩ nhiên đứng cao hơn luật pháp bao nhiêu thì tùy vào vị trí của “người lớn” và tùy vào việc “người lớn” còn đương chức hay đã về hưu vui thú điền viên.

Như trường hợp “con dòng cháu giống” Trần Bá Thọ, con ruột của đại Việt gian Trần Bá Lộc thời Pháp thuộc. Cả vùng Cái Bè, Cù lao Năm thôn và cả Sa Đéc, nhắc đến tên Thọ, thảy đều lắc đầu lè lưỡi. Trong đó có vụ giành gái với quan tham biện Vĩnh Long. Trong một cuộc đua trâu với ông chủ Cù lao Năm thôn, Thọ chợt nhìn thấy một cô gái con thầy thuốc Bắc và lấy làm khoái trá. Thọ bàn với đốc phủ Trần Bá Lộc và nhận được sự đồng tình của cha. Vài tháng sau, toàn bộ gần 5.000 mẫu vườn cây ăn trái của quan tham biện bị buộc phải bán lại với giá rẻ, dưới sức ép của quan toàn quyền. Chủ nhân mới của Cù lao Năm thôn không ai khác chính là Trần Bá Thọ - dựa vào mối quan hệ chặt chẽ giữa thân phụ (đốc phủ Lộc) với quan toàn quyền. Đương nhiên, những thứ đi kèm với vùng đất, đại để là cô gái đẹp kia khó mà thoát khỏi bàn tay chủ nhân Trần Bá Thọ.

Sau này, đến thời Ngô Đình Diệm chấp chính, các công tử, thiếu gia xuất thân từ đại điền chủ trôi vào dĩ vãng. Thay vào đó là loại quý tộc mới, có xuất thân từ gia đình đại tư sản hoặc quan chức chính quyền. Tuy nhiên, các viên chức trong bộ máy chính quyền thời đó chưa dám lộ diện ăn chơi, hưởng lạc. Con cái họ cũng phải tự khép mình. Bắt đầu của việc quậy phá trong giới công tử con nhà thế gia rộ lên sau khi Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm sụp đổ, dẫn đến việc tranh quyền đoạt vị của các sĩ quan cấp cao quân đội Sài Gòn.

Con em các vị tướng tá đang nắm binh quyền làm những chuyện hết sức ngông cuồng và tranh giành danh tiếng hão. Nổi tiếng nhất trong giới công tử con quan có thể kể đến Cao Trí Dũng, con đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn.

Khi mới 16 tuổi, Dũng đã nổi danh ăn chơi quậy phá dù “nhát hơn thỏ đế”. Dũng tụ tập con cái của các tướng tá thuộc quyền cha mình, suốt ngày rong chơi phù phiếm. Lúc đó ở Sài Gòn có hai băng dân chơi mang tính chất hippy, pha chút du đãng là B.B (lấy theo tên cô đào Brigitte Bardot) và băng L’ Amour (“Tình yêu”). Băng B.B đa số là học sinh con nhà giàu ở Trường Providence (Thiên Phước). Họ tụ tập ăn chơi sa đọa nhưng được “trang sức” bằng chủ nghĩa hiện sinh nửa mùa. Ăn chơi, vung tiền qua cửa sổ chưa đủ, sau đó không lâu bọn họ nghiện ngập heroin và sử dụng LSD (thuốc gây ảo giác trích xuất từ một loại nấm độc). Cả hai băng đều có chung một “chủ tịch danh dự” là... Cao Trí Dũng.

Mỗi buổi sáng thức dậy, Dũng ngự lên xe đi cùng hai cận vệ võ công kinh người, lên Rex uống cà phê. Tụ tập đông đủ, “đại ca Dũng” phát hiệu lệnh sau một cái búng tay, cả bọn bắt đầu ăn chơi cho đến gần 21 giờ đêm. Cuộc chơi hàng ngày của Dũng đột ngột chấm dứt vào một buổi sáng đầu năm 1975. Khi người nhà phát hiện công tử nằm còng queo trên nệm, miệng sùi bọt, tay chân co quắp thì đã quá muộn. Dũng chết vì sử dụng ma túy quá liều.

“Ăn chơi theo kiểu anh hùng”

Dựa gia thế quan chức nhưng không phải để ăn chơi vô độ, bức hiếp người khác mà dựa thế quan... để làm anh hùng, họa hiếm! Như trường hợp Huỳnh Công Miêng (Hai Miêng).

Là con ruột của lãnh binh Huỳnh Công Tấn - một đại Việt gian có công lớn với nhà nước Pháp khi triệt hạ cuộc khởi nghĩa Trương Công Định nhưng công tử Hai Miêng lại có hành trạng khác thường. Có người cho rằng đây là trường hợp “cây đắng sinh trái ngọt”.

Hai Miêng thích võ nghệ, luyện côn quyền (một loại vũ khí cổ), múa kiếm. Hai Miêng ngồi ghe hầu chu du khắp Nam Kỳ lục tỉnh, hễ hết tiền thì ghé vào dinh thự của các quan lại khắp lục tỉnh để “mượn xài”. Hàng ngày cậu đi đá gà, uống rượu, hối me (một thứ cờ bạc)… và được hưởng đặc quyền “miễn tử lưu linh”: Được miễn sưu thuế, không ai được phép hỏi giấy tờ, đánh nhau không bị truy tố do thực dân Pháp chiếu cố công trạng thân phụ của Hai Miêng.

Huỳnh Công Miêng tính tình hào phóng, “giang hồ mã thượng”, dám chống lại với những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu. Các hành vi nghĩa hiệp ấy được dân chúng ưa thích, truyền tụng và tôn làm “cậu”, gọi là cậu Hai Miêng.

Trong Thơ Cậu Hai Miêng có câu: “Nam Kỳ có cậu Hai Miêng. Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công. Cậu Hai là bực anh hùng. Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt oanh”.

Khi Pháp cho đào “Ao Trường đua” (xung quanh là đường vòng đua ngựa, tại thị trấn Gò Công), bắt dân phu phục dịch, làm sưu cực khổ. Họ cưỡng bách lao động như tù khổ sai: Ban ngày đào đất đắp lộ, ban đêm ăn ngủ tại chỗ. Hết toán này tới toán khác thay phiên, bị cặp rằn (tức giám thị) đánh đập như súc vật vì muốn công việc mau xong. Một buổi sáng, cậu Hai Miêng đi ngang qua đó và nhìn thấy tận mắt cảnh dân chúng làm việc quần quật và bị đánh như trâu ngựa. Nổi máu anh hùng, cậu Hai Miêng liền thộp ngực và đánh cai mã tà (cảnh sát). Cậu Hai Miêng bắt bọn cai, cặp rằn đội đất chạy lên chạy xuống để “nếm mùi” cực khổ của dân.

Một lần khác, đoàn ghe hầu của Hai Miêng ngao du tới xứ Bạc Liêu. Lúc đó nhằm mùa khô, nhiều ghe chài đến “ăn lúa” tại nhà các đại điền chủ. Dưới bến sông, trước nhà anh em ông chủ Thời, chủ Vận diễn ra cảnh vác lúa xuống ghe rộn rịp như chợ. Khi đoàn ghe hầu của cậu Hai Miêng do thủ hạ chèo đi ngang qua, vô tình ông chủ Thời trông thấy, bắt giọng phách lối ra lệnh dừng lại khiến cho Hai Miêng tức giận.

Thấy cô Hai Sáng (con gái của chủ Thời) đang đứng chơi dưới bến, cậu Hai Miêng liền cho thủ hạ bắt cô ta trói lại và kéo lên cột buồm. Chủ Thời bàng hoàng khi biết rõ uy thế của cậu Hai Miêng đến quan tham biện còn phải nể, vội vàng xuống nước năn nỉ. Ông thương lượng với cậu Hai Miêng “xin chuộc” Hai Sáng bằng một bao cà ròn giấy bạc. Cậu Hai Miêng bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi gia nhân ôm bao cà ròn đầy nhóc giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó ông chủ Thời, chủ Vận bớt hống hách với dân làng.

Giới sĩ phu yêu nước đã tận dụng những câu chuyện về công tử Hai Miêng (có thể đây là những giai thoại được thêu dệt thêm?), vừa khơi dậy tâm lý xem thường thực dân Pháp, vừa giải tỏa ẩn ức nỗi niềm mất nước. Vô hình trung, công tử Hai Miêng trở thành một thần tượng trong lòng người bình dân khắp cõi Nam Kỳ lục tỉnh.

Đoạn kết buồn

Một ông già người Hoa đi xích lô trả giá, bị phu xích lô mắng thẳng vào mặt: “Ông kẹo (hà tiện) quá! Hôm qua tôi chạy một cuốc cho cậu trai cũng ở nhà này,.khỏi trả giá mà còn bo thêm 20 đồng bạc”. Đó chính là Lý Long Thân, một đại gia có thế lực của Sài Gòn trước năm 1975. Lý Long Thân cùng với Trần Thành là hai người muốn gặp tổng thống chế độ Sài Gòn bất cứ lúc nào cũng được, không phải báo trước. Họ cứ chạy xe tới cổng dinh, thông báo và thế là gặp. Sở dĩ như vậy là vì họ từng giúp tiền bạc cho Nguyễn Văn Thiệu tranh cử tổng thống.

Ngôi mộ đứng của đốc phủ Trần Bá Lộc, ngôi mộ cạnh bên của công tử Trần Bá Thọ.

Gần như một quy luật, đại gia cỡ như Lý Long Thân mỗi khi xài tiền do ky cóp làm ăn mà có rất cân nhắc, dù chỉ một cuốc xích lô. Trong khi đó, các công tử, thiếu gia xài văng mạng mà thực chất những đồng tiền ấy là do ăn bám cha mẹ chứ chẳng phải tự thân họ giỏi giang!

Thay cho phần kết bài viết, xin kể mẩu chuyện của một công tử thời @:

Một buổi sáng tại trại Bố Lá, tiếng la hét than khóc vọng đến phòng trực trại. Một cán bộ chạy vào, kịp thời can ngăn một bọn khoảng 3-4 tên mặt đằng đằng sát khí đang lao vào một chàng trai nhỏ con trắng trẻo.

Cả bọn nhao nhao giải thích: “Tại nó vay tiền em mua thịt heo ăn, không trả!”, “Nó mượn cả thùng mì gói, nói thăm nuôi sẽ trả. Nhưng nó quỵt!”…

Hóa ra, cậu trai nạn nhân nhịn thèm không quen đã vay lung tung để thỏa mãn cơn đói. Chẳng biết sau đó, vụ việc sẽ được giải quyết ra sao. Nhưng cậu trai đó chính là công tử con của một đại gia trong ngành hóa chất. Cậu ta vào tù vì tội cướp giật trong một lúc nhất thời cao hứng. Cậu công tử ngày nào đã mất đi phong độ kiêu ngạo, co rúm lại tới mức... “tệ hơn vợ thằng Đậu”.

Đa số các công tử ngông cuồng, tiêu tiền như rác dễ nảy sinh tâm lý: “Muốn làm gì cũng được, mọi chuyện cứ xùy tiền ra là xong”. Nhưng... sự đời đâu phải lúc nào cũng như ý muốn! Bởi vậy, không ít công tử có đoạn kết nằm ở trại giam hoặc trại cai nghiện.

Một số rất ít, may mắn hơn thì bước qua độ tuổi ngông cuồng hiếu thắng, để rồi nhận ra: Đẳng cấp và phong độ không nằm ở sự vung tiền mà nằm ở công việc, ở những biểu đồ kinh doanh hàng tháng, hàng quý.

Điều đáng buồn là số công tử chọc trời khuấy nước lên đến con số hàng ngàn nhưng số phản tỉnh để trở thành những con người làm ăn đàng hoàng, đếm chưa hết 10 đầu ngón tay!

MINH CHÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm