Công an chỉ cách đối phó với lừa đảo qua điện thoại

Ngày 27-4, Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã thông báo đề nghị cảnh giác về các thủ đoạn lừa đảo thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Nhóm lừa đảo thường gửi tới nạn nhân một trang web giả mạo để lấy thông tin. Ảnh: L.Q.LOAN

Theo đơn tố cáo của ông T., vào ngày 25-3, có một người gọi điện thoại tự xưng là thanh tra Bộ Công an, nói tài khoản của ông có liên quan đến hoạt động làm ăn phi pháp. Người này yêu cầu ông đăng nhập vào trang web của Bộ Công an (thực chất là trang web giả mạo) để giám định tài khoản.

Ông T. đăng nhập và cung cấp số tài khoản, mật khẩu Internet Banking của mình vào trang web giả mạo theo hướng dẫn. Sau đó tài khoản của ông đã bị trừ hết tiền.

Nhiều trường hợp khác cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự.

Công an huyện Ngọc Hồi khuyến cáo người dân tuyệt đối không nhấn vào bất kỳ trang web nào để cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu; phải bảo mật tối đa thông tin cá nhân như họ tên chủ tài khoản, số chứng minh nhân dân, số điện thoại đăng ký…

Theo công an, khi nhóm lừa đảo lấy được những thông tin trên thì sẽ đăng nhập vào trang web thật của các ngân hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền vào tài khoản của họ. Lúc này ngân hàng sẽ gửi một mã xác nhận chuyển tiền hay còn gọi là mã OTP, là lớp bảo mật thứ hai. Nếu nạn nhân cung cấp mã OTP này cho nhóm lừa đảo thì lệnh chuyển tiền sẽ chuyển thành công.

“Khi có bạn bè, người thân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền nên gọi điện thoại trực tiếp để xác nhận, chú ý không chuyển tiền cho một tài khoản khác mà không phải là tài khoản của người mượn tiền.

Người dân cũng nên dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, thao tác thực hiện trên điện thoại…” - công an lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm