Công an cảnh báo những chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội

Theo cơ quan công an thời gian qua trên địa bàn TP Biên Hòa xảy ra rất nhiều vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sử dụng không gian mạng internet và công nghệ cao với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện và xử lý.

Cụ thể, loại hình thức lừa đảo các nhóm tội phạm đăng tin cho vay tín chấp trên mạng xã hội facebook, khi bị hại nhắn tin hỏi thì sẽ có một đồng phạm giả danh nhân viên ngân hàng, hướng dẫn bị hại thực hiện các thủ tục vay và yêu cầu bị hại nộp vào các khoản phí bảo hiểm, phí mở tài khoản.

Đầu tiên là các khoản phí nhỏ khoảng hơn 1 triệu đồng. Sau đó, lợi dụng tâm lý muốn vay và đã nộp tiền phí của bị hại nhóm này đã giả tạo lý do nhầm lẫn số tài khoản hoặc lỗi thao tác sai của bị hại, phải nộp thêm tiền để mở khóa tài khoản và thực hiện giao dịch, rồi bị chiếm đoạt.

Một nhóm nghi can, có cả người nước ngoài lừa đảo qua mạng xã hội bị công an Đồng Nai băt giữ. Ảnh: VH.

Bị hại là người mua bán hàng online, thông qua các mạng xã hội như facebook, Zalo ... các nghi can đã chủ động liên lạc với bị hại và đặt mua hàng. Để thanh toán, nhóm nghi can đã gửi cho bị hại một đường link giả mạo ngân hàng quốc tế, yêu cầu bị hại thực hiện các thao tác được hướng dẫn trong link. Bị hại đã nhập các thông tin số tài khoản, mật khẩu và mã OTP vào đường link trên, ngay sau đó các đối tượng đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản của bị hại.

Nhóm tội phạm giả làm người nước ngoài, kết bạn làm quen với bị hại trên facebook (bị hại thường là phụ nữ ), rồi hẹn gặp bị hại tại Việt Nam, kèm theo một món quà có giá trị lớn sẽ được chuyển về Việt Nam trước. Trước ngày hẹn, đồng phạm trong nhóm giả danh là nhân viên hải quan, gọi điện thoại cho bị hại yêu cầu đóng phí hải quan tương ứng với 10-15 % giá trị của món quà. Sau khi bị hại đã chuyển khoản đến số tài khoản của nhóm này cung cấp, các nghi can tiếp tục nêu các lý do khác yêu cầu bị hại nộp thêm tiền mới được nhận hàng và chiếm đoạt.

Loại tội phạm lừa đảo, giả danh cơ quan Công an, Tòa Án, Viện kiểm sát, cơ quan nhà nước. Để tăng khả năng thành công, các đối tượng bằng nhiều cách đã lấy được thông tin cá nhân gồm họ tên, năm sinh, số CMND, địa chỉ của bị hại trước khi thực hiện hành vi lừa đảo . 

Nhóm tội phạm hack facebook của người thân, người quen bị hại, sau đó nhắn tin cho bị hại để mượn tiền, hoặc nhờ chuyển khoản đến một số tài khoản khác. Để tăng sự tin tưởng, nhóm lừa đảo còn dùng phần mềm giả khuôn mặt của người quen đó gọi cho bị hại , cuộc gọi khoảng 5-10 giây nhưng không rõ tiếng. Sau đó nhắn tin cho bị hại là mạng yếu và chuyển sang nhắn tin. Do tin tưởng, bị hại đã thực hiện chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng và bị chiếm đoạt.

Chiêu thức lừa đảo đăng tin bán hàng trên các trang web, khi bị hại liên hệ trao đổi xong về giá cả, nhóm lừa đảo yêu cầu bị hại chuyển khoản trước rồi mới giao hàng. Sau đó đối tượng không giao hàng, chiếm đoạt tiền và mất liên lạc.

Có loại lừa đảo bằng hình thức kiếm tiền thông qua APP và các sản tiền điện tử. Khi người bị hại tham gia, nhóm lừa đảo giả danh là nhân viên chăm sóc khách hàng, hướng dẫn người tham gia. Khi người bị hại nạp ít tiền thông qua hình thức chuyển khoản, tài khoản trên APP của bị hại phát sinh điểm và sau một thời gian ngắn phát sinh lãi. Nhóm tội phạm đã chuyển khoản số tiền lãi cho bị hại thường rất cao. Nhóm lừa đảo yêu cầu người bị hại nạp thêm tiền lớn thí không liên lạc được.

Hình thức lừa đảo chơi game trúng thưởng, nhóm nghi can tạo ra các APP mini game. Khi bị hại chơi game thắng, bị hại nhận được tin nhắn trúng thưởng trên game (phần thưởng thường có giá trị lớn). Để nhận thưởng, bị hại phải đóng thuế 10 % và các khoản phí khác .

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm