Clip vụ PV báo Giao Thông bị đánh liên tục tại quán bar

Liên quan đến vụ PV báo Giao Thông bị hành hung, chiều tối 13-3, Đại tá Trần Phước Hương (Trưởng Công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, đã mời hai thanh niên liên quan trong vụ việc PV Vĩnh Nhân (báo Giao Thông) bị hành hung lên làm việc.

Theo đó, Trần Nguyễn Đông Nghi (30 tuổi, ngụ phường Bình Thuận, quận Hải Châu) là người trực tiếp đánh anh PV Vĩnh Nhân. Theo lời khai của Nghi, thanh niên này đã đánh PV Vĩnh Nhân ba lần.

Còn một thanh niên khác có liên quan nhưng không trực tiếp đánh PV Vĩnh Nhân là Trần Viết Nghĩa (32 tuổi, ngụ quận Hải Châu).

“Từ hình ảnh camera và lời khai của những người liên quan chúng tôi xác định rõ Nghi đã có hành vi cố ý gây thương tích. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm” - Đại tá Hương cho hay.

Nghi đánh PV Vĩnh Nhân báo Giao Thông - Ảnh: Cắt từ camera của quán

Theo hình ảnh từ camera an ninh của quán bar mà Pháp Luật TP.HCM có được, thì PV Vĩnh Nhân có mặt tại quán lúc 0 giờ ngày 12-3. Anh nhân đi lòng vòng phía trước rồi vào trong quán. Lúc này, có một thanh niên đứng chung bàn với Nghĩa và Nghi phát hiện PV chụp ảnh. Nam thanh niên này nói lại với Nghi, thời điểm này PV Vĩnh Nhân đã đi ra phía đường.

Sau một hồi quan sát, Nghĩa và Nghi đi ra đường kêu PV Vĩnh Nhân vào quán. Nghĩa mời PV báo Giao Thông uống rượu. Sau đó, anh Nhân có đưa cho Nghĩa điện thoại để thanh niên này xem hình ảnh.

Liền sau đó, Nghi xuất hiện và cho anh Nhân xem điện thoại. Bất ngờ, Nghi dùng tay đánh liên tục vào mặt PV báo Giao Thông.

Mọi người trong quán phát hiện ôm Nghi lại và ôm thanh niên này đẩy ra ngoài. PV Vĩnh Nhân bị chảy máu mũi được mọi người trong quán đưa khăn giấy lau. Lúc sau, Nghi quay lại chỉ mặt PV tiếp tục hăm dọa.

PV Vĩnh Nhân bị Nghi tấn công ba lần đến chảy máu mũi. Ảnh: Cắt từ camera của quán.

Về việc PV Vĩnh Nhân bị hành hung, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định pháp luật cấm việc “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Do đó, có bất kỳ hành vi của PV là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật báo chí.

Ngoài ra, những người đánh PV còn có dấu hiệu của hành vi bắt giữ người trái luật. Bởi lẽ, nếu có việc giữ người, thu các phương tiện tác nghiệp của PV và không cho PV này rời đi trong hai tiếng đồng hồ thì đó là dấu hiệu thể hiện rõ của hành vi bắt giữ người trái phép.

“Tùy tính chất mức độ của hành vi có thể xem xét đến vấn đề cấu thành tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017)” - luật sư Cao nói.  

Trước đó, khoảng 0 giờ ngày 12-3, PV Vĩnh Nhân dùng điện thoại ghi hình phía trước quán bar Lost And Foond trên đường Bạch Đằng (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) để phản ánh về việc nơi đây gây ồn ào, lấn chiếm vỉa hè.

Trong lúc đang ghi hình thì PV Nhân bị một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người đến hành hung. Sau đó, nhóm này kéo anh Nhân vào trong quán bar “hỏi chuyện” về việc quay phim và tại đây anh Nhân bị đánh vào mặt, lưng.

Ngoài ra, những người trong quán bar này đã thu CMND, điện thoại... của anh Nhân. Đến hơn 2 giờ sáng, anh Nhân mới được nhóm người trong quán bar này trả điện thoại và cho về, còn CMND vẫn bị một người giữ lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm