Chuyên gia nói về khen thưởng vụ phá án ở Điện Biên

Trước dư luận xôn xao về việc khen thưởng lực lượng phá án vụ nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Bộ Công an, người từng có thời gian công tác 15 năm trong Đội Trọng án Hình sự Hà Nội và các đơn vị công tác khác có bài viết về việc này.

Sau bao nỗ lực băng qua những ngày tết của lực lượng phá án tỉnh Điện Biên và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, năm kẻ thủ ác trong vụ sát hại cô gái đi giao gà đã sa lưới.

Thiếu tướng Sùng A Hồng-Giám đốc Công an tỉnh trao giấy khen cho các cá nhân trong Ban chuyên án (Ảnh congan.dienbien.gov.vn)

Dư luận rúng động trước tội ác của chúng, căm phẫn và mong muốn công lý được thực thi ngay, bằng một bản án nghiêm khắc nhất có thể. Tuy nhiên, bên cạnh việc ghi nhận những nỗ lực của ban chuyên án, một số ý kiến còn cho rằng việc khen thưởng là chưa xứng đáng, phù hợp.

Họ nhận định lực lượng công an đã chưa tích cực tìm kiếm nạn nhân, để nạn nhân chết mới điều tra, nên không xứng đáng được khen; nạn nhân chết rồi còn đào mồ khai quật, thêm đau đớn lần nữa; việc nhận thưởng trên nỗi đau của gia đình nạn nhân là phản cảm; nghiệp vụ chưa tốt nên thời gian phá án lâu,…

Với kinh nghiệm có gần 15 năm làm điều tra trọng án, tôi xin trao đổi lại thế này:

Thứ nhất, tại thời điểm tiếp nhận trình báo mất tích tối 30 tết, các cấp Công an đều tập trung cao độ cho việc bảo vệ trật tự tại các địa điểm công cộng, duy trì trật tự trị an chung cho mọi người. Việc gia đình không liên lạc được với cô gái, chưa nói lên điều gì, vì có thể bị tai nạn hoặc sự cố nào đó.... Chưa biết là chuyện gì, có phải án hay không mà đòi tập trung lực lượng truy tìm ráo riết, là điều không thể.

Nhắc lại là 100% quân số đang trực làm nhiệm vụ bảo vệ đêm giao thừa.

Chiếc lồng gà của nạn nhân thu được tại phường Thanh Trường,
 TP Điện Biên Phủ (Ảnh congan.dienbien.gov.vn)

Thứ hai, ngay sau khi phát hiện tử thi, xác định có dấu hiệu tội phạm, 100% quân điều tra hình sự, các huyện, xã đã được huy động vào cuộc, tổ chức rà soát hơn 1.000 người để tìm ra Vương Văn Hùng. Một nỗ lực rất lớn băng qua các ngày tết, để có câu trả lời trước dân, trước gia đình nạn nhân về vụ án.

Chừng ấy thời gian, họ hầu như không ngủ, không được về nhà ăn bát cơm đoàn tụ, hy sinh cái Tết riêng của gia đình vì nhiệm vụ chung. Phải có sự tập trung cao độ cho các hoạt động điều tra thì mới có kết quả như đã thấy. Rõ ràng họ xứng đáng được biểu dương, khen ngợi về trách nhiệm công vụ.

Thứ ba, không ai muốn nạn nhân thêm một lần đau vì bị khai quật lại. Nếu không vì mục đích tìm ra hung thủ, làm rõ bản chất vụ án, thì cũng chẳng ai muốn làm việc đó. Từng khai quật nhiều tử thi, chúng tôi hiểu rõ sự cực nhọc thế nào. Thi thể đang phân hủy mà phải ghé sát để kiểm tra gần như là một “cực hình”.

Thứ tư, việc khen thưởng là lời động viên khích lệ lực lượng phá án, biểu dương sự hy sinh quên mình của họ vì nhiệm vụ, không phải là chuyện ăn mừng trước nỗi đau của dân. Hai chuyện này hoàn toàn khác nhau.

Thứ năm, vụ án xét về mặt phương pháp tổ chức điều tra thực sự bài bản, sắc nét, có giá trị tham khảo cao về lý luận và thực tiễn. Cụ thể, ban chuyên án đã nhận định, đánh giá đúng về tính chất vụ án, diện đối tượng gây án, từ đó đưa ra giả thuyết thủ phạm là người địa phương, thành phần bất hảo để tổ chức truy xét rất đúng hướng; hoạt động rà soát làm rộng và sâu.

Hơn 1.000 người được đưa vào diện nghiên cứu, tổ chức xác minh và giải nghi là việc làm rất thận trọng, đảm bảo không sót lọt, oan sai... Việc tổ chức xác minh diện rộng như vậy đòi hỏi óc tổ chức điều tra cực tốt.

Cùng với đó, công tác trinh sát hỗ trợ hoạt động điều tra trong vụ án này cũng làm tốt, giúp bắt gọn tất cả đồng bọn của Hùng, ngăn chặn kịp thời việc bỏ trốn; hoạt động xét hỏi bài bản, từng bước bẻ gãy ý chí chống đối, vạch trần lời khai gian dối của đối tượng, làm rõ bản chất vụ án.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm