Chuyện con trai công tử Bạc Liêu xin cấp nhà: “Khổ quá thì... xin, vậy thôi”!

Tôi đang ở nhà thuê. Ngày giỗ cha, anh em mạnh ai nấy cúng, không có nơi thờ tự đàng hoàng. Nên tôi xin nhà nước cấp một căn nhà, vậy thôi...” - ông Trần Trinh Đức, con ruột của công tử Bạc Liêu - người nổi tiếng phong lưu, giàu có một thời với giai thoại “đốt tiền nấu trứng” lừng danh, nói.

Hôm qua (9-12), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đức xung quanh chuyện này. Ông Đức nói rõ mình chỉ xin UBND tỉnh Bạc Liêu cứu xét cấp cho một căn nhà để ông vừa làm nơi thờ tự ông bà, cha mẹ, vừa sinh sống để làm ăn. “Tôi hoàn toàn không đề nghị hay đòi nhà như nhiều người lầm tưởng” - ông Đức nói.

“Chạy ăn từng bữa... ”

Khi chúng tôi gọi điện thoại, ông Trần Trinh Đức nói mình đang chạy xe ôm, thường đứng ở ngã tư Điện Biên Phủ-Pasteur. Ông kể, mình là một trong số những người con của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (còn gọi là Hắc công tử, cậu Ba Huy, hội đồng Huy). Những người con còn lại của công tử lần lượt là Trần Trinh Hiếu, Thảo, Thơm, Nhơn, Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ. Ông Đức nói mình xin nhà với tư cách cá nhân chứ không nhân danh những người con của công tử Bạc Liêu.

“Tôi hiện đang ở nhà thuê, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Hai đứa con thì một đứa có biểu hiện tâm thần, đứa còn lại ra ngoài thuê nhà ở riêng. Một mình tôi phải nuôi ba người là vợ đang bệnh, mẹ vợ già yếu và đứa con gái vừa nói” - ông Đức nói.

Sau giải phóng, mấy anh em ông bán căn nhà của cha mình để lại trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp rồi chia nhau. Phần ông mua một căn hộ chung cư ở gần chợ An Đông buôn bán. Cuộc sống kể cũng có phần khá giả. “Rồi đứa con gái tôi bị rủ rê tham gia cờ bạc đến đổ nợ. Tôi phải bán nhà bán cửa mà vẫn không trả hết nợ nần. Vợ chồng con cái phải đùm túm nhau qua Campuchia lánh nợ, ngày ngày mua giầy cũ về tân trang bán lại. Con gái tôi phần vì mất của, phần buồn tình nên đâm ra thất thần, dở dở ương ương. Ở Campuchia được hai năm, thấy không ổn chúng tôi lại dắt díu nhau về” - ông nhớ lại.

Gặp bước sa cơ lỡ vận, lại không nghề nghiệp, ông Đức đành quay ra chạy xe ôm để kiếm tiền nuôi cả nhà. “Trung bình mỗi ngày tôi kiếm cũng được hơn trăm ngàn đồng nhưng do phải trả tiền thuê nhà, lại phải nuôi chừng ấy người, tính ra cũng toát mồ hôi. Bây giờ, mỗi lần chạy xe ôm, ngang qua ngôi nhà cũ trên đường Nguyễn Huy Tưởng, tôi thường đứng nán lại vài phút để nhìn, không phải để tiếc nuối thời vàng son của cha mình mà là để tự nhắc nhở mình...” - ông Đức ngậm ngùi.

Không nơi thờ tự

“Anh em chúng tôi tuy đông nhưng nhiều dòng mẹ nên cũng chẳng được thuận hòa mấy. Ngày giỗ cha, mạnh ai nấy cúng, mà có muốn tụ tập cũng chẳng có chỗ để mà về. Nào ai biết công tử Bạc Liêu nức tiếng một thời bây giờ lại không có một nơi để con cái thờ tự cho đàng hoàng. Kể cũng tủi” - ông Đức thở dài.

Ông Đức bảo ngoài những người định cư ở nước ngoài, hiện những anh em còn lại sống rải rác, người ở TP.HCM, người ở Bà Rịa-Vũng Tàu, kẻ ở Cà Mau... Hỏi hoàn cảnh sống của những người này, ông Đức lắc đầu: “Tôi không được rõ”. Ông Đức ngậm ngùi: “Ngay cả ông nội tôi, tức ông Trần Trinh Trạch (còn gọi hội đồng Trạch), tôi cũng không biết đường nào mà cúng giỗ”.

Theo ông Đức, trước đây việc thờ tự ông bà được đặt ở dinh thự công tử Bạc Liêu, nay là khách sạn Công tử Bạc Liêu (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu). Nay con cái thất tán, mỗi người một nơi nên mạnh ai nấy thờ. “Chính vì vậy, tôi mới xin một căn nhà để có nơi thờ tự đàng hoàng, sau này cúng kiếng con cháu có nơi đi về...”.

Dinh thự công tử Bạc Liêu giờ là khách sạn Công tử Bạc Liêu trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Dinh thự công tử Bạc Liêu giờ là khách sạn Công tử Bạc Liêu trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Xin chứ không phải đòi nhà

Ông nói ý định xin cấp nhà đã có từ lâu nhưng ông không biết cách làm đơn từ thế nào. “Hồi đó tôi chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ nên giờ đụng đến đơn từ, giấy má hơi khó khăn”.

“Một lần, có một ông khách vui miệng hỏi chuyện, tôi kể mình chính là con ruột của công tử Bạc Liêu. Ông khách nhìn tôi nửa tin nửa ngờ, bảo trông cũng giông giống. Sau này nhìn giấy khai sinh, biết chắc tôi là con của... ba tôi, ông ấy hướng dẫn tôi nên đến nhờ báo hoặc gặp luật sư nhờ viết đơn giùm”.

Rồi ông làm đơn gửi cho một tờ báo, sau được trả lời kèm công văn của UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét. Ông nói đi nói lại là mình chỉ xin chứ không có ý đòi nhà. “Nhưng nghe bảo sẽ được cho một căn nhà tình thương tôi cũng mủi lòng. Một người anh tôi bảo mình đã nghèo khó rồi, giờ có nghèo nữa cũng không sao chứ nhận nhà tình thương như vậy thêm mang tiếng” - ông nói rụt rè.

Ông kể, mới đây ông có về lại Bạc Liêu và được giám đốc khách sạn Công tử Bạc Liêu mời cơm ngay trong khách sạn này cùng với hai vợ chồng Việt kiều. Ông được giới thiệu là con ruột của công tử Bạc Liêu. Anh Việt kiều hỏi ông đang làm gì, ông hỏi lại: “Anh muốn tôi nói thật hay nói dối đây? Tôi đang hành nghề chạy xe ôm”. “Lúc ấy, vị khách Việt kiều nhìn tôi, cổ họng tôi mặn chát” - ông chua xót.

“Có điều này tôi chưa dám nói ai, “thương hiệu” công tử Bạc Liêu nói gì thì nói cũng có xuất xứ từ cha tôi, vậy mà khi sử dụng, khai thác dinh thự này, chúng tôi không được ai hỏi han tiếng nào”.

Ông Đức bảo ông nói tiếng Anh tương đối thạo. “Nếu được nhà nước cấp nhà, tôi sẽ về hẳn Bạc Liêu sinh sống và sẽ xin vào làm ở ngay khách sạn từng là dinh thự của cha mình”. Chia tay, ông Đức bỗng bật câu ngậm ngùi: “Đúng là không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời...”.

Ông Bùi Thanh Hồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu:

Ông Trần Trinh Đức - con trai công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy có xin một nền đất gần khu mộ để xây nhà làm nơi thờ cúng ông bà. UBND tỉnh chấp nhận theo hướng tham mưu đề xuất của Sở Xây dựng là tỉnh sẽ xét cấp một nền đất cho ông hoặc một căn nhà tình thương nếu ông Đức về định cư tại Bạc Liêu. Tuy nhiên, về vị trí đất khi ông về định cư tại Bạc Liêu, Sở Xây dựng sẽ có tờ trình tiếp cho UBND tỉnh xem xét.

NGUYÊN VẸN

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm