Chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Lại kiến nghị thu phí, cấm xe theo giờ

Hà Nội và TP.HCM vừa báo cáo Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 về các giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong đó, TP.HCM tiếp tục kiến nghị tăng phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện, phí lưu hành, đồng thời xây dựng kế hoạch thí điểm cấm phương tiện hoạt động theo giờ...

Đường nào chịu cho thấu

Thống kê của TP cho thấy đến tháng 6-2009, tổng số phương tiện TP đang quản lý là trên 4,2 triệu xe. Ngoài ra, TP còn phải “cõng” thêm một triệu môtô, xe máy và 60 ngàn xe ôtô của các tỉnh đổ về mỗi ngày. Trong khi đó, các công trình đang thi công đã thu hẹp mặt đường, làm tình hình ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp. Vào các giờ cao điểm, kẹt xe thường xuyên xảy ra, gây nhiều bức xúc cho dân, cản trở sự tăng trưởng kinh tế-xã hội cũng như chất lượng sống của người dân TP.

Theo UBND TP, thời gian qua dân số trên địa bàn tăng quá nhanh. Nguyên do, sau khi Luật Cư trú có hiệu lực (1-7-2007), các quy định về đăng ký hộ khẩu thuận lợi hơn nhiều nên thu hút ngày càng nhiều người ở các địa phương khác đến. Cùng đó, quy định về thủ tục đăng ký xe cá nhân được đơn giản hơn nhiều càng làm lượng xe tăng cao (mỗi ngày có thêm gần 1.000 xe đăng ký mới).

Vì những lẽ trên, TP.HCM kiến nghị Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ đề án về quy định điều kiện và tiêu chí đăng ký thường trú vào TP.HCM (phải có chỗ ở, có việc làm ổn định, có trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ nhất định...) để triển khai thí điểm trong năm 2009.

Siết chặt quản lý xe cá nhân

Ngoài giải pháp trên, TP cho rằng cần sớm có biện pháp quản lý xe cá nhân. Trước mắt, TP giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TP và UBND các quận trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm việc cấm môtô, xe gắn máy và ôtô lưu thông trên một số tuyến đường vào một số giờ nhất định. Viện Nghiên cứu phát triển TP có trách nhiệm quy hoạch, bố trí hệ thống thu phí giao thông điện tử ERP. Mức phí phải trả phụ thuộc vào mức độ ùn tắc trên tuyến đường đó.

Ngoài ra, TP đề nghị Bộ Tài chính tăng phí trước bạ và lệ phí đăng ký phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời quy định việc thu từ người sử dụng phương tiện cá nhân một khoản thu nhằm phát triển giao thông, hỗ trợ vận tải hành khách công cộng, cải thiện môi trường. Cùng với đó, Bộ Công an sớm nghiên cứu ban hành điều kiện riêng đối với việc đăng ký mới ôtô, xe máy cá nhân tại các loại đô thị. Đặc biệt, TP đề nghị Chính phủ cho phép địa phương áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông riêng hoặc xử phạt ở mức cao nhất theo quy định.

Buộc xem phim tai nạn để giật mình

Báo cáo của UBND TP.HCM cũng cho biết thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ siết chặt việc xử lý vi phạm. Ngoài việc xử lý theo quy định, những trường hợp vi phạm bị tước giấy phép lái xe sẽ bị phạt bổ sung bằng hình thức buộc người vi phạm xem trưng bày hình ảnh, phim tư liệu về nguyên nhân hiện trường và các hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết để hạn chế xe cá nhân, Hà Nội sẽ tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng. Theo đó, TP sẽ đẩy nhanh thực hiện các dự án xe buýt nhanh, đồng thời bổ sung một số tuyến buýt theo hướng xã hội hóa và bố trí các tuyến đưa đón cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học sinh…

Ông Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật-xây dựng TP.HCM:

Làm không khéo dễ mất lòng dân

Tôi đồng ý chủ trương tăng phí đối với phương tiện xe cơ giới. Nhưng trước khi tăng, cần trả lời cho được cái gì sẽ thay thế các phương tiện cá nhân trong bối cảnh giao thông đô thị ở TP đang hết sức rối rắm. Chuẩn bị các phương án hạ tầng thật tốt rồi mới đưa ra chủ trương, kiến nghị thì mới khả thi. Theo tôi, chuyện tăng phí trước bạ, phí đăng ký, phí lưu hành và quy định điều kiện đăng ký thường trú để chống ùn tắc giao thông... chỉ là giải pháp đối phó vụn vặt, khó khả thi, làm không khéo dễ mất lòng dân.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường đại học Bách khoa TP.HCM:

Cần tính toán mức phí

Hạn chế xe cá nhân là cần thiết nhưng phải tính toán thật chính xác các biện pháp thực hiện. Đối với các siêu đô thị, việc quy định điều kiện thường trú cũng là biện pháp để hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân và giảm áp lực giao thông. Tất cả biện pháp tăng phí, siết điều kiện thường trú nhằm giảm áp lực giao thông sẽ gây khó khăn tạm thời cho người dân nhưng cần chấp nhận để có kết quả tốt hơn. Vấn đề là cần tính toán mức thu bao nhiêu để xem người dân có chịu được hay không.

Anh Lê Huấn, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP.HCM:

Siết hộ khẩu là không ổn

Tôi từng nghe TP kiến nghị tăng phí lưu hành xe từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/năm/xe nhưng chưa được chấp thuận, nay TP lại tiếp tục kiến nghị, chung quy lại cũng là tập trung thu phí người sử dụng phương tiện cơ giới. Tăng phí với ôtô và xe máy để chống ùn tắc giao thông chưa phải là giải pháp chống ùn tắc căn cơ. Còn quy định khắt khe về hộ khẩu cũng không ổn vì người dân có quyền tự do cư trú. Đưa cả chuyện hộ khẩu vào giải pháp chống ùn tắc theo tôi là không khả thi lắm.

P.ĐIỀN ghi

Đã từng đề xuất và bị bãi bỏ

Năm 2007: Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đề xuất tăng lệ phí đăng ký mới phương tiện bằng 30%-50% giá trị phương tiện, đồng thời thực hiện thu phí phương tiện theo thời gian là 20.000 đồng/ngày hoặc 500.000 đồng/tháng đối với xe ôtô, 10.000 đồng/ngày hoặc 200.000 đồng/tháng đối với xe máy. Đề xuất trên đã bị dư luận phản ứng gay gắt và sau đó Cục phải bãi đỏ.

Năm 2008: TP.HCM cũng kiến nghị thu phí lưu hành xe từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng/năm/xe nhưng bị Bộ Tài chính bác bỏ. Bộ Tài chính khẳng định pháp luật hiện hành không quy định khoản phí này. Đồng thời, việc thu phí lưu hành xe cần phải giải quyết được tổng thể các vấn đề liên quan đến các khoản thu. Mặt khác, sẽ có việc chủ sở hữu xe lách bằng cách đăng ký tại các địa phương lân cận (đặc biệt là xe máy) rồi đưa vào TP sử dụng để không phải chịu khoản phí trên...

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm