Chống ùn tắc của Cục Đường bộ "ép" dân vào thế bí

Cấm xe ngoại tỉnh là vi phạm quyền đi lại

Thay vì sử dụng các giải pháp cấm đoán nhà nước nên có những giải pháp lâu dài để tổ chức giao thông hợp lý
Thay vì sử dụng các giải pháp cấm đoán nhà nước nên có những giải pháp lâu dài để tổ chức giao thông hợp lý

Thay vì sử dụng các giải pháp cấm đoán nhà nước nên có những giải pháp lâu dài để tổ chức giao thông hợp lý

Anh Phạm Xuân Sinh, Giảng viên trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc: Việc cấm phương tiện giao thông ngoại tỉnh vào nội đô giờ cao điểm là bất hợp lý, thể hiện sự bế tắc của nhà nước.

"Chiếc xe máy cũng là một công cụ lao động hợp pháp, đóng phí đăng ký, đóng các phí khác cho việc sở hữu... nay lại nghe tin vào thành phố phải đóng thêm phí để được chạy.

Rõ ràng, quy định này không chỉ làm khó người dân mà là sự vi phạm ghê gớm về quyền đi lại. Đừng đi vào vết xe đổ như việc cấm đăng ký xe máy như lần trước" - anh Sinh phản ứng.

Anh Trần Quốc Khánh, cán bộ sở Nông nghiệp & PTNT Hà Tây cho rằng, xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm có nhiều nguyên nhân nhưng hai vấn đề cơ bản nhất là hạ tầng giao thông yếu kém và ý thức tham gia giao thông của rất nhiều người dân.

Anh Khánh cho rằng, không thể vì không chống được ùn tắc mà "giận cá chém thớt", phân biệt đối xử giữa xe ngoại tỉnh và xe trong thành phố. "Giả sử nếu chúng tôi đưa người nhà lên Hà Nội cấp cứu cũng phải dừng lại đóng phí hoặc phải gửi xe ở ngoài rồi bắt ta xi, xe ôm vào bệnh viên. Lúc đó sinh mệnh con người quan trọng hay là việc đảm bảo giao thông quan trọng?"

Chị Nguyễn Phương Thảo, chuyên viên Tài chính, Tổng công ty Công trình giao thông 1 bày tỏ quan điểm: Việc tổ chức giao thông, xây dựng hạ tầng và hạn chế phương tiện cá nhân là những giải pháp đẩy lùi được nạn kẹt xe. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta thì phải tính toán thật kỹ vì chỉ khi nào nhà nước bố trí đủ các phương tiện cho dân đi lại một cách hợp lý mới có thể hạn chế được lượng xe cá nhân.

Ngoài ra, cũng phải căn cứ trên tương quan giữa lưu lượng xe với hạ tầng khả năng đáp ứng bao nhiêu thì cho thêm xe mới được đăng ký, lưu hành. Còn việc thu thuế, phí thì nhà nước nên đánh vào xe mới chứ không đánh vào xe đang lưu hành.

Bắt tất cả HS,SV đi xe buýt là chuyện không tưởng

Nguyễn Đức Nam - SV năm thứ 2, trường CĐ Bách khoa kể: Ban đầu mình đã chọn xe buýt làm phương tiện để đi học, tuy nhiên do thuê trọ ở ở khu đô thị Linh Đàm, ở đây lại chỉ có 1 tuyến xe, lại luôn trong tình trạng quá tải nên thường xuyên trễ giờ đến trường.

Sau nhiều lần như vậy, Nam quyết định chọn xe đạp làm phương tiện đi lại. Theo Nam phương tiện này vừa cơ động, lúc đường đông vẫn dễ xoay sở. Vì vậy nếu bắt sinh viên đi xe buýt thì buộc phải tăng số lượng xe lên.

"Hiện có tới hơn 70% sinh viên thuê trọ ở ngoài, giả sử nếu có tăng cường thêm 2 - 3 chiếc xe/tuyến may ra cũng chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu" - Nam quả quyết.

Trương thu Hoài, sinh viên năm thứ 3 khoa Xuất bản, Học viện Báo chí tuyên truyền, nạn nhân của một vụ mất cắp điện thoại di động trên xe buýt, thì chia sẻ: Vào những giờ tan học là lúc xe buýt đông nhất. Tình trạng chen lấn diễn ra thường xuyên, tạo cơ hội cho kẻ cắp lợi dụng. Nên việc bắt tất cả HSSV đi xe buýt sẽ gây bất tiện cho rất nhiều người.

Cùng quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Thắng, Khoa đào tạo, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, không thể buộc tất cả HSSV đi xe buýt được vì đó là yêu cầu không tưởng. Theo thông tin tôi được biết, Hà Nội có tới gần 1 triệu HSSV, trong khi lượng xe buýt hoạt động hàng ngày chỉ khoảng hơn 1.000 xe.

"Nếu tiếp tục tăng xe buýt lên, Hà Nội sẽ không còn đường dành cho các phương tiện khác. Chưa nói tới việc nhà trường cũng không thể ép hoặc kiểm soát việc HSSV đi học bằng phương tiện gì. Vì vậy, tôi cho phương án này hoàn toàn không khả thi".

Theo Lê Minh ( VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm