KINH NGHIỆM PHÁ ÁN

Chạy đua tìm lý do nổ khách sạn Caravelle

“Trong đời khám nghiệm, có đến hàng ngàn vụ nhưng với vụ nổ ở khách sạn năm sao Caravelle ở quận 1, TP.HCM vào năm 2008 tôi không thể nào quên được. Anh em ở Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM lúc đó căng mình tìm câu trả lời chính xác và nhanh nhất cho lãnh đạo: “Vì sao có vụ nổ kinh hoàng này?”” -  Thượng tá Trần Văn Nghiệp, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, trầm ngâm nhớ lại.

Nổ trong thời điểm nhạy cảm

Khoảng 22 giờ một ngày đầu tháng 12-2008, tại khách sạn Caravelle xảy ra một vụ nổ làm một mảng trần thạch cao 30 m2 đổ sập, nhiều cửa kính bị phá nát. Ngay lập tức hàng trăm cảnh sát có mặt phong tỏa hiện trường. Cảnh sát PCCC dùng các phương tiện thủy lực nâng các tấm thạch cao để đưa một nạn nhân bị thương đi cấp cứu.

Vụ nổ xảy ra trong thời điểm khá nhạy cảm là chủ nghĩa khủng bố làm quốc tế phải lo đối phó. Và cách đó đúng một tuần, khách sạn năm sao ở Mumbai (Ấn Độ) bị nổ bom khủng bố làm chết hơn 100 người và gần 300 người bị thương nên khi xảy ra vụ nổ ở khách sạn Caravelle, những người nhạy cảm về chính trị không khỏi liên tưởng. Vì vậy xác định chính xác nguyên nhân vụ nổ để các cơ quan chức năng, lãnh đạo có biện pháp đối phó thích hợp là yêu cầu cấp bách.

“Ngay khi vụ nổ xảy ra, trung tâm chỉ huy điện khẩn cấp về Phòng Kỹ thuật hình sự, yêu cầu có mặt nhanh nhất. Hôm đó, tôi trực chỉ huy nên ngay lập tức cùng anh em  phối hợp với các lực lượng khác đến hiện trường” - Thượng tá Nghiệp kể lại.

“Khi tôi đến nơi, hiện trường đã có mặt chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP, Ban Giám đốc Công an TP, các cục nghiệp vụ Bộ Công an phía Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp gọi vào hỏi tình hình. Bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Công an cũng rất quan tâm, muốn biết ngay “nó là cái gì?”” - ông Nghiệp kể.

Theo ông Nghiệp, Việt Nam tự hào là nơi ổn định, yên bình nên ai cũng nóng ruột muốn biết ngay nguyên nhân vụ nổ để có biện pháp đối phó thích ứng. Nếu nó là vụ nổ do con người gây ra thì hàng loạt biện pháp an ninh mang tính quốc gia sẽ phải gấp rút thắt chặt, triển khai ngay.

“Dù đã đối diện với hàng trăm vụ án nhưng lúc đó tôi và đồng đội không khỏi cảm thấy áp lực. Nhưng càng áp lực càng phải tỉnh táo mới làm rõ được vụ việc, cái nghề nó vậy” - ông nói.

Hiện trường vụ nổ ở khách sạn Caravelle.

Công an khám nghiệm hiện trường. Ảnh: TL

Chạy đua với thời gian

Theo ông Nghiệp, hiện trường lúc đó là một đống đổ nát. Khách sạn không để xe dưới tầng hầm. Tầng này có một máy phát điện, tẹc dầu 30.000. Xe để trên tầng một, phải leo lên một đường dẫn cong theo hình chữ L. Dưới đường dẫn, người ta đổ bê tông. Ngay khúc cua bị nổ thì toàn bộ bê tông cốt thép phía trên bị sập xuống. Nắp cống nặng cả tạ cũng bị đẩy ra xa vài mét. Toàn bộ phần trần giả phía trên sập hoàn toàn.

“Tại sao nổ? Nếu do thuốc nổ thì những dấu hiệu đặc trưng là gì? Không do thuốc nổ thì do đâu?... Hàng loạt câu hỏi lướt qua nhanh trong đầu và kiến thức ở nhà trường cùng thực tế khám nghiệm nhanh chóng được mang ra áp dụng” - ông Nghiệp kể.

Theo ông Nghiệp, nếu là một vụ nổ do thuốc nổ sẽ có bốn đặc trưng cơ bản. Đầu tiên là vùng nổ phải có mùi khét; vụ nổ sẽ tạo ra sóng xung kích làm người đứng gần bị thủng màng nhĩ, dập các nội tạng, cửa kính sẽ vỡ, cây cối có thể bị tướp lá, gãy đổ do sóng đó. Đặc trưng nữa là nhiệt lượng vụ nổ do thuốc nổ rất lớn, những gì xung quanh bị cháy, túi nylon sẽ rách tươm, quăn rút. Và cuối cùng, nếu là do thuốc nổ thì sẽ tạo ra hố nổ.

“Đối chiếu với hiện trường, ba đặc trưng của vụ nổ do thuốc không có, tôi đã nhận định vụ nổ không do yếu tố thuốc nổ. Tuy nhiên, để chắc chắn phải loại trừ dấu hiệu thứ tư là tìm hố nổ nhưng hiện trường lúc đó tanh bành, ngổn ngang nên không thể loại trừ được yếu tố này” - ông Nghiệp kể.

Khoảng 2 giờ sáng, cuộc họp khẩn cấp nội bộ ngành công an diễn ra, yêu cầu Phòng Kỹ thuật hình sự trả lời câu hỏi “nó là cái gì?” để sớm có biện pháp hành động. “Phải trả lời chính xác nguyên do vụ nổ vì trả lời sai sẽ gây hao tốn khủng khiếp cho các biện pháp an ninh. Lúc đó tôi đã trả lời là ba trong bốn yếu tố đặc trưng của vụ nổ do thuốc không có và khẳng định vụ nổ không phải do thuốc nổ, loại trừ yếu tố con người”.

Theo ông Nghiệp, không phải do thuốc nổ thì nó là cái gì, Phòng Kỹ thuật hình sự phải trả lời câu hỏi này. “Khi quan sát hiện trường, tôi thấy cuối đường hầm có một hố ga. Một ý nghĩ lóe lên: Các cống, hố ga thu gom nước thải chứa khí mêtan. Nắp cống đậy kín sẽ tích tụ loại khí này. Có khả năng miệng cống để hở, đường hầm lại bị hai cánh cửa gỗ bịt kín, mêtan tích tụ đến giới hạn và chỉ cần một tia lửa nhỏ có thể phát nổ, có thể nguyên nhân do đây” - ông Nghiệp kể.

Quả như ông dự đoán, trưa hôm sau, một công nhân dùng máy hàn xì cắt thép, đến gần miệng hố ga thì vang lên tiếng “phực”. Khi đống đổ nát được kéo lên, đúng như ông dự đoán, sàn nhà hoàn toàn phẳng phiu, không hề có hố nổ nào. Kết quả đó làm mọi người thở phào nhẹ nhõm. Sự cảnh giác chuyên nghiệp của lực lượng công an VN một lần nữa khẳng định VN luôn là đất nước bình yên, là điểm đến lý tưởng của bạn bè du khách quốc tế.

Ông Nghiệp và đồng đội còn ghi nhận: Ở trong đường dẫn, chỉ cách một bức tường có 12 bình gas (loại 48 kg). “Nếu nổ ở vị trí gần với các bình gas và tẹc dầu 30.000, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc sập khối bê tông, trần giả…” - ông Nghiệp nói.

Sau sự kiện nổ khách sạn Caravelle, lãnh đạo Công an TP.HCM chỉ đạo lực lượng PCCC tất cả quận, huyện kiểm tra khách sạn, nhà hàng, nhà cao tầng… có tầng hầm, không để yếm khí tích tụ gây hậu quả tương tự.

Sở Xây dựng sau đó cũng khuyến cáo các chủ đầu tư kiểm tra các cao ốc, không tạo không gian kín ở các tầng hầm…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm