Cao thủ “đường phố”

Biểu diễn bất cứ lúc nào, ở đâu

Chỉ với vòng dây buộc tóc của phụ nữ, ảo thuật gia A Luyện đã trình diễn được những tiết mục làm mê hoặc người xem.
Chỉ với vòng dây buộc tóc của phụ nữ, ảo thuật gia A Luyện đã trình diễn được những tiết mục làm mê hoặc người xem.

Trịnh Duy Anh, 24 tuổi, nhân viên đang công tác tại Bộ NN-PTNT, được bạn bè và nhiều người khác biết đến với khả năng ảo thuật cùng những quân bài độc đáo. “Chỉ cần có cảm hứng và đồ nghề là diễn luôn. Bạn bè ai không biết thì thôi, chứ biết thì nằng nặc đòi xem mình diễn”- Duy Anh tâm sự.

“Sân khấu” của chàng “phù thủy đường phố” này có thể là bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào, lúc tại bàn ăn, khi ở quán cà phê. Để thỏa niềm đam mê, Duy Anh cũng đi diễn ở các quán bar tại Hà Nội để tạo không khí mới lạ cho khách hàng.

“Khả năng biểu diễn ảo thuật với quân bài của mình chỉ vào hàng khá” - chàng “phù thủy” trẻ tuổi này khiêm tốn. Dù trong giới ảo thuật gia trẻ ở Hà Nội ít ai theo kịp Duy Anh ở khả năng biểu diễn biến hóa quân bài với rất nhiều chiêu tuyệt đỉnh, nhưng Duy Anh cho rằng trên bình diện cả nước, anh vẫn còn rất nhiều bậc sư phụ. Trong đó, ảo thuật gia Bonne Hồ, hiện đang sống tại TPHCM, được coi là “vua” về ảo thuật với quân bài dù đã lui về ẩn dật. Giới “phù thủy” VN vẫn ca tụng Bonne Hồ về biệt tài “lấy đâu cũng ra quân bài”.

Tập luyện rất nhiều

Có nhiều người mà thoạt nhìn không ai nghĩ đó là “phù thủy”. Một cao thủ trong giới “phù thủy” VN do không xuất đầu lộ diện trong những sô diễn, cũng rất ít khi trình diễn trước mặt bạn bè là ảo thuật gia Đặng Trần Luyện, với nghệ danh A Luyện, Chủ nhiệm CLB Ảo thuật ATG. Chàng “phù thủy” trẻ tuổi này đang công tác tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM.

Trịnh Duy Anh biểu diễn những quân bài bí hiểm.
Trịnh Duy Anh biểu diễn những quân bài bí hiểm.

Đây cũng là nơi mà anh học lỏm được nhiều chiêu thức ảo thuật để rồi ngấm các ngón nghề đó và cất giữ làm vốn cho riêng mình. A Luyện cho biết: “Nắm được nguyên tắc và kỹ xảo của các ảo thuật gia không phải quá khó, nhưng để mê hoặc được người xem thì cần phải tập luyện đôi tay rất nhiều”.

Chỉ một đồng xu, một chiếc nhẫn, một điếu thuốc, thậm chí vòng dây buộc tóc của các cô gái, ảo thuật gia ẩn dật này có thể trình diễn ngay được những tiết mục hấp dẫn. “Bí quyết nằm ở khâu đánh lạc hướng người xem. Chỉ một động tác rất nhỏ thôi, nhưng nếu người xem không chú ý thì họ đã bị những nhà ảo thuật nghiệp dư như chúng tôi qua mặt”- A Luyện tiết lộ.

Rồi A Luyện “dọa” tôi: “Việc lấy được cả nhẫn, đồng hồ trong tay người xem cũng không khó”. Tất nhiên, anh bảo, để làm được như vậy cũng không phải đơn giản. Nhà ảo thuật phải quan sát rất kỹ xem đối tượng trước mặt mình có độ phản xạ đến đâu thì mới xuất chiêu. A Luyện cảnh báo: “Có không ít người lợi dụng những quái chiêu học được để “hô biến” những món đồ không phải của mình”.

Từ “đường phố” lên sân khấu

Được trình diễn trước người xem là niềm mơ ước của bất kỳ ảo thuật gia nào, cả những “phù thủy đường phố”. Ở TPHCM, chưa ai thống kê có bao nhiêu ảo thuật gia “đường phố”, nhưng nhiều người trong giới khẳng định con số này vẫn tăng lên từng ngày. Tại các nhà hàng, quán bar, thậm chí ở các quán ăn, uống vỉa hè, vẫn có mặt những “phù thủy” hành nghề kiếm sống bằng tiền “bo” của khách. Ảo thuật gia Trần Định, Phó Chủ nhiệm Chi hội Xiếc- Ảo thuật TPHCM, cho biết: “Có cả trăm bạn trẻ vác đồ nghề đi làm ảo thuật khắp các ngõ ngách của TPHCM”.

Cao cấp hơn những “phù thủy” trình diễn ở các quán bar, nhà hàng là những người được mời trình diễn trên sân khấu trong các chương trình ca nhạc tạp kỹ. Tại TPHCM, các sân khấu Trống Đồng, Lan Anh... là những nơi dụng võ cho nhiều ảo thuật gia. Ở Hà Nội, con số những ảo thuật gia chạy sô rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng chính vì ít nên những người này cũng trở thành của hiếm. Nhiều khi tiết mục của họ diễn đi diễn lại, nhàm chán nhưng chương trình nào cũng đem ra biểu diễn. Ảo thuật gia Tuấn Phương (Hà Nội) bộc bạch: “Đầu tư đồ nghề hết cả chục triệu đồng một tiết mục nên phải diễn nhiều lần, khi nào gỡ được vốn và có lãi thì chúng tôi mới làm tiết mục mới”.

Giữa những người trong nghề với nhau thì việc diễn một tiết mục quá lâu và không có sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo cũng chẳng khác nào lừa khán giả. Có những nhà ảo thuật khi thấy đồng nghiệp cứ “bổn cũ soạn lại” hết sô này đến sô khác đã nói thẳng: “Lừa người ta được vài lần thôi. Khi họ bắt bài thì “phù thủy” cũng phải đeo mo vào mặt”!

Đưa ảo thuật vào Trường Xiếc VN

Trước 30-4-1975, ở Sài Gòn đã có trường tư thục dạy ảo thuật của ông Nguyễn Thành Long- một ảo thuật gia từng du học ở Pháp về. Dù trường này chỉ tồn tại trong vài năm, nhưng đã có tới 80% ảo thuật gia ở Sài Gòn là học trò của ông Long.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy bộ môn ảo thuật của VN phát triển, Ban Giám đốc Trường Xiếc VN đã lên kế hoạch phối hợp cùng Chi hội Nghệ sĩ Ảo thuật mở những lớp đào tạo ảo thuật trong trường xiếc. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, đây là lần đầu tiên ảo thuật được đào tạo chính quy ở VN.

MẠNH DUY - (Theo NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm