Cận Tết, sôi động hàng lậu

Ông Nguyễn Văn Bách, Đội trưởng Đội quản lý thị trường 5A, cho biết như một quy luật, Tết là dịp để hàng lậu (đa số là hàng Trung Quốc) tìm cách “tấn công” vào thị trường TP.HCM. Hàng lậu thường được vận chuyển vào ban đêm trên xe tải, nằm xen kẽ với hàng hợp pháp. Vào TP.HCM, chúng được “chẻ” nhỏ và cất giấu tại nhiều địa điểm. Khi có nơi tiêu thụ, chúng được chuyển đến bằng xe Honda hoặc ba gác máy.

Chủ yếu là thuốc lá, rượu, bánh kẹo ngoại

8 giờ 15 ngày 15-1, Đội quản lý thị trường 5A cùng Đội 6 Phòng PC15 Công an TP.HCM và chính quyền địa phương phát hiện bà Đặng Thị Thùy Trâm (đường Nguyễn Kiệm, phường 4, Phú Nhuận) kinh doanh 57 ngàn gói thuốc lá ngoại hiệu Jet không hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 340 triệu đồng. Toàn bộ số hàng trên bị niêm phong. Đây cũng là vụ buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lớn nhất từ trước đến nay.

Ngoài thuốc lá, bánh kẹo, rượu cũng là những mặt hàng được nhập lậu nhiều. Các mặt hàng này còn vi phạm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hoặc nhãn mác hàng hóa (không nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo). Ngày 18-1, Đội quản lý thị trường 6B kiểm tra và phát hiện kho hàng trên đường Kinh Dương Vương (phường 12, quận 6) do ông Vũ Trọng Khang làm chủ chứa gần 94 ngàn hộp bánh kẹo do Indonesia sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, ông Khang không trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do cơ quan chức năng cấp.

Trước đó, ngày 28-12-2007, Đội quản lý thị trường 1B kết hợp với Công an phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) kiểm tra Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Bình (đường Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh) và đã phát hiện trên 530 chai rượu ngoại tuy có hóa đơn chứng từ nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Ngoài ra, công ty này cũng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ bản chính đối với hơn 2.400 chai rượu Bordeaux.

Xuất hiện pháo... trang trí

Từ đầu tháng 1-2008, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương ngăn chặn tình trạng pháo nhập lậu nên ở TP.HCM đến thời điểm này theo Quản lý thị trường TP.HCM là chưa bắt được vụ pháo lậu nào. Tuy nhiên, pháo lậu lại biến tướng thành pháo đồ chơi, pháo trang trí đã xuất hiện khá nhiều.

Ngày 22-1, Đội quản lý thị trường 3A kết hợp với PC13 Công an TP.HCM kiểm tra và phát hiện bảy cửa hàng trên đường Vũ Chí Hiếu, Phạm Bân và Vạn Tượng (phường 13, quận 5) kinh doanh trên 190 hộp pháo trang trí. Loại pháo này được kết thành dây như pháo thật, khi cắm vào ổ điện sẽ nhấp nháy và phát ra tiếng nổ đì đùng. Toàn bộ pháo trang trí nói trên đã bị tịch thu. Ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, giải thích việc tịch thu này là chỉ thị của Chính phủ có nói rõ “pháo và các biến tướng của pháo đều cấm lưu hành”. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Đội quản lý thị trường 3A, loại pháo này hiện vẫn được bán lén lút vào ban đêm tại một số cửa hàng trên địa bàn quận 5.

Miền Tây: Nhộn nhịp hàng lậu

“Cứ dịp cận Tết nguyên đán là hàng lậu, hàng giả theo các cửa khẩu dọc biên giới tràn vào các tỉnh miền Tây” - ông Trần Văn Hân, Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) của Công an TP Cần Thơ, cho biết như vậy vào ngày 26-1.

Theo số liệu thống kê của Công an TP này, chỉ trong tháng vừa qua đã phát hiện 14 vụ buôn lậu, tịch thu hơn 10 ngàn gói thuốc lá, bánh kẹo, rượu ngoại... Theo ông Hân, hàng lậu về Cần Thơ chủ yếu là theo đường bộ, có lộ trình nhất định, xuất phát từ biên giới Tây Nam qua Châu Đốc (An Giang) đổ về.

Tại An Giang, những ngày cận Tết lại tái diễn cảnh đai vác, chuyên chở hàng lậu từ bên kia biên giới khá tấp nập. Hàng lậu chủ lực để các “đầu nậu” “đánh mẻ” là rượu ngoại, đường cát và thuốc lá. Một người dân xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết ở đây thuốc lá rẻ như cho, 1.000-2.000 đồng một gói, đem về TP.HCM, Cần Thơ... bỏ sỉ cũng sáu, bảy ngàn đồng một gói nên thu hút nhiều người tham gia buôn lậu.

Còn tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Kiên Giang, nạn buôn thuốc lá lậu và các mặt hàng khác trong dịp giáp Tết (nhất là điện gia dụng) cũng nóng lên không kém. Đặc biệt tại Kiên Giang, ngoài tuyến cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên), khu vực Đường Xuồng, Đá Dựng... diễn biến cũng hết sức phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu còn được tăng cường vận chuyển trên biển với quy mô cực lớn.

Quảng Trị: Siết chặt các chợ

Hiện nay, tình hình buôn lậu qua cửa khẩu Lao Bảo diễn ra rất phức tạp. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng lậu từ cửa khẩu Lao Bảo vẫn tuôn về với khối lượng “khổng lồ”. Các mặt hàng chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, đồ chơi trẻ em và các mặt hàng điện tử. Giải thích câu hỏi vì sao hàng lậu tràn qua biên giới vào Quảng Trị nhiều, một cán bộ hải quan cho biết “đến hẹn lại lên”, vào dịp Tết người đi buôn và vận chuyển hàng lậu như đi trẩy hội, do vậy quản lý rất khó khăn. Các đối tượng buôn lậu thường chẻ nhỏ hàng và vận chuyển bằng đường rừng, do vậy lực lượng hải quan cũng như quản lý thị trường “bó tay”. Tuy nhiên, dù không thể ngăn chặn được hàng lậu tuồn qua biên giới nhưng các ngành chức năng ở Quảng Trị đã tiến hành siết chặt quản lý thị trường mua bán ở các chợ lớn ở thị xã Đông Hà và Quảng Trị. Tất cả các mặt hàng được bày bán tại các chợ nếu không có nguồn gốc sẽ bị tịch thu, xử lý.

Ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM:

Hàng kém chất lượng... cũng “góp mặt”

Ngoài hàng lậu thì hàng nhái, hàng kém chất lượng... cũng “góp mặt” trên thị trường. Chúng được sản xuất với công nghệ khá tinh vi và trà trộn với hàng thật nên người tiêu dùng dễ bị đánh lừa vì không thể phân biệt bằng cảm quan. Hàng nhái thường có giá rẻ hơn hàng thật rất nhiều lần. Điều đáng nói là nước ta vừa gia nhập thị trường thế giới, hàng loạt mặt hàng được giảm thuế, đáng lẽ người dân được hưởng lợi thì nay trên thị trường thật giả lẫn lộn khiến người dân không biết đâu mà chọn. Đó là điều bức xúc nhất hiện nay.

TRẦN NGỌC - NGUYÊN TRƯỜNG - NGUYÊN LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm