Cần Giờ, TP.HCM: Mất trắng nhiều tỷ đồng vì nghêu chết

Huyện Cần Giờ, TP.HCM hiện có 634 ha nuôi nghêu. Trên những sân nghêu bạc tỷ một thời làm nhiều người giàu lên, giờ đây nghêu đang chết hàng loạt, có khả năng làm họ trắng tay. Sau cái Tết ảm đạm vì nợ nần, giờ đây nhắc tới con nghêu ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.

Khóc vì nghêu

Ngày 28-2, chúng tôi có mặt tại nhà anh Trần Văn Quới, một chủ nuôi nghêu ở thị trấn Cần Thạnh. Khoảng sân cả trăm mét vuông nhà anh la liệt người ngồi chơi không và xẻ cá phơi khô. Anh Quới giải thích, từ ba tháng nay, hơn 60 thợ cào nghêu của anh còn rất ít việc để làm. Từ sau Tết, họa hoằn lắm anh mới thu hoạch được hơn một tấn, con số ít hơn rất nhiều lần so với khả năng của sân nghêu gần 70 ha của anh chỉ vì nghêu đã chết gần hết. Trớ trêu ở chỗ số nghêu thu hoạch vớt vát ấy chất lượng không cao nên giá bán chưa tới 5.000 đồng/kg, tức là chỉ hơn 1/3 giá thị trường nghêu thịt.

Thông thường một sân nghêu cỡ 10 ha, người nuôi phải đổ vào đó 15 tấn nghêu giống có giá tương đương hai tỷ đồng. Chưa kể với số lao động kể trên anh Quới trả lương 1,5 triệu đồng/người/tháng, như vậy tính sơ sơ thiệt hại của anh đã hơn năm tỷ đồng. Anh Quới chua chát: “Mười mấy năm làm nghêu, chưa bao giờ tôi thấy khó khăn đến vậy. Cũng may là số vốn tích lũy được vẫn còn nên chưa phải bi đát lắm. Làm nghêu, nếu mọi việc suôn sẻ thì tỷ lệ lãi sẽ là một lời hai, ba là bình thường nhưng năm nay thì gần như mất trắng. Hiện tại không ai dám xuống giống nghêu nữa”.

Không may mắn vớt vát được chút nghêu thịt như anh Quới, ông Nguyễn Tất Nghĩa ở số 92/2 khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh từ ba tháng nay đã bỏ luôn sân nghêu 17 ha của mình vì nghêu đã chết không còn một con. Ông Nghĩa xuống giống từ tháng 7-2007, đến tháng 10 thì nghêu chết lềnh mặt đất trong cái nhìn bất lực, thẫn thờ của ông. Do thả ít giống nên thiệt hại của ông Nghĩa tròm trèm... ba tỷ đồng, trong đó có tiền hùn hạp của bà con và cả vay ngân hàng.

Cách đó không xa, gia đình ông Lê Văn Lé ở khu phố Miễu Nhì cũng tiếp tục “điệp khúc con nghêu” với năm tỷ đồng chôn vùi theo cái chết của chúng. Nuôi nghêu từ năm 1992, ông Lé rành rọt con nghêu như bàn tay mình và luôn tự tin vào số vụ thu hoạch bội thu của loài nhuyễn thể này. Vụ nghêu năm nay, ông quyết định đầu tư xuống giống hơn bốn mẫu trên diện tích 70 ha. Ngày ngày nhìn cột phân giới bãi nghêu chấp chới trong làn nước biếc, ông không thể ngờ số tiền ông cắc ca cắc củm bao lâu nay và 200 triệu đồng vay ngân hàng thoáng chốc tan như bọt sóng.

Nghêu chết chưa rõ nguyên nhân?

Theo chủ các sân nghêu, mỗi vụ thu hoạch thì thường số lượng hao hụt chỉ khoảng 20% do nghêu chết và bị sóng đánh dạt ra khỏi bãi. Thông thường nghêu chết vào những thời điểm đổi mùa là tháng 3, 4 và đợt hai là tháng 9, 10. Tuy nhiên, nghêu chết thường là nghêu thịt vì sức đề kháng yếu hơn nghêu nhỏ, nghêu trung. Còn năm nay, người nuôi nghêu điêu đứng vì chúng chết hàng loạt ở các cỡ nuôi.

Ông Lê Văn Lé đang kể lại cho phóng viên nghe “chuyện buồn con nghêu” của gia đình ông.Ông Lé kể, cái chết của con nghêu trong đợt này là rất bất thường. Biểu hiện là nghêu nổi lên mặt đất, há vỏ chết hàng loạt. Ban đầu nghêu chết ở các bãi phía trên (về phía thành phố Vũng Tàu nhìn qua Cần Giờ - PV), rồi sau đó lan ra các bãi phía trong. Dịch chết nghêu lan nhanh, chỉ trong vài ngày là nhiều sân nghêu hầu như trắng bãi mà không rõ nguyên nhân.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Lương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, cho biết: “Đúng là hiện tượng nghêu chết hàng loạt đang là mối lo của bà con nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa điều tra ra nguyên nhân”. Ông Lương nói tiếp: “Hiện tại chúng tôi đã hai lần gửi mẫu tới Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực Nam bộ và Viện Nuôi trồng thủy sản 2 để phân tích, xét nghiệm. Kết quả ban đầu cho thấy trong thành ruột nghêu có vật lạ nhưng chưa thể xác định nó là gì. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan thú y vùng 4 lấy mẫu vỏ nghêu để tiếp tục phân tích, xét nghiệm tìm nguyên nhân. Trong điều kiện năng lực kỹ thuật của Việt Nam còn hạn chế thì sẽ gửi mẫu ra nước ngoài nhờ phân tích hộ”.

Xung quanh việc hỗ trợ cho người nuôi nghêu, ông Lương cho biết huyện đang khuyên bà con thu hoạch sớm nghêu thương phẩm để bán vớt vát, không mua nghêu giống ở những sân có nghêu chết. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ xin ý kiến chỉ đạo của thành phố xem xét hỗ trợ việc khoanh nợ, miễn thuế, gia hạn nợ... để bà con tiếp tục nuôi nghêu khi đã tìm ra nguyên nhân và khắc phục được tình trạng nghêu chết như hiện nay.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến và kết quả tiếp theo của vụ những sân nghêu bạc tỷ trắng tay này.

Bến Tre: 60 tấn nghêu chết

Theo thống kê của Sở Thủy sản Bến Tre, trong một tháng qua, ước tính trên 60 tấn nghêu đã chết tại Hợp tác xã (HTX) thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) và HTX thủy sản Bảo Thuận (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri). Thiệt hại đợt nghêu chết vừa qua hơn 1,2 tỷ đồng.

Việc nghêu chết vào mùa này là bất thường vì theo thông lệ, thời tiết mùa này không phải là khắc nghiệt. Sau khi nắm được thông tin nghêu chết, Sở Thủy sản tỉnh đã kết hợp Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu phân tích. Kết quả đã loại trừ các nguyên nhân như nấm độc, dầu loang, tảo, vi khuẩn độc tấn công con nghêu mà nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi bất thường, ngày nóng, đêm lạnh nên con nghêu bị xáo trộn môi trường sống.

Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, cho biết tỉnh đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu về môi trường cần cảnh báo sớm cho người dân về tình hình thời tiết biến đổi để người dân chủ động có biện pháp phòng ngừa, tránh những thiệt hại xảy ra cho người dân.

KIM PHỤNG

THANH NHÃ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

(PLO)- 5 người bị bắt vì khống chế, nhốt tổ công tác của UBND huyện Tam Bình, Vĩnh Long đưa vào chánh điện của một ngôi chùa, không cho ra ngoài và hành hung khi tổ công tác đến xác minh vụ việc.