Bức tường và tình láng giềng

Cuối năm 2004, bà T., ngụ quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã nộp đơn kiện bà X., hàng xóm sát bên để yêu cầu xác định bức tường nằm giữa hai nhà là của bà.

Mỗi người một ý

Theo bà T., nhà bà mua từ năm 1979, có cấu trúc một trệt một lầu. Tại thời điểm đó, nhà hàng xóm chỉ có gác và sử dụng chung tường với nhà bà. Đến năm 1995, nhà bà nâng thêm một tầng nữa và xây thụt vào 10 cm so với bức tường cũ. Đến năm 2004, chủ mới mua nhà hàng xóm là bà X. xây nhà thì hai nhà nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện lung tung. Sau đó, bà X. phải chừa bức tường cũ lại và xây một bức tường riêng. Nay bà T. yêu cầu tòa công nhận bức tường cũ đó là sở hữu của mình.

Lập tức, bà X. phản tố rằng bức tường trị giá vài triệu đồng kia là của nhà mình. Bà X. lập luận: Nếu bức tường đó là tường nhà bà T., sao bà T. khi xây cao thêm lại phải làm đà tựa trên các trụ cột mới không nằm trong bức tường cũ...

Hai bên “quyết đấu”, tòa nản lòng

Thụ lý vụ kiện, TAND TP.HCM đã phải mời thêm 15 người liên quan đến để làm rõ. Cuối năm 2007, tòa đã bác đơn kiện của bà T., tuyên bức tường thuộc về nhà bà X.

Bà T. kháng cáo. Tháng 10-2008, tại phiên phúc thẩm lần đầu, tòa hết lời động viên hai bên nên thỏa thuận với nhau. Tòa giải thích bản án sơ thẩm tuyên rất chung chung về bức tường như không có chiều dài, chiều cao, chiều rộng cùng diện tích và không vững về cơ sở pháp lý. Đồng thời trên thực tế, nhà bà X. không sử dụng bức tường này, nhà bà T. lại sử dụng để chịu lực cho tầng trệt... Vì thế theo tòa, nhà bà T. nên hỗ trợ cho nhà bà X. một phần nào đó để lấy hòa khí. Mức độ hỗ trợ sẽ dựa trên giá trị bức tường và thương lượng dù tòa biết số tiền đó đối với hai bên chẳng đáng gì...

Thế nhưng dù tòa đã hết lời can ngăn làm dịu không khí nóng ngạt của cả hai gia đình này, họ vẫn cãi nhau quyết liệt, kéo dài từ đầu buổi đến tận trưa mà không thể tìm được tiếng nói chung. Cứ thế, mỗi khi tòa phân tích thiệt hơn, người đại diện hai bên có vẻ chùng xuống muốn thương lượng để chấm dứt vụ kiện thì đùng một cái phía dưới lại phản ứng, thúc giục người nhà mình không chấp nhận thỏa thuận.

Cuối cùng, bên bà T. vì muốn khẳng định phần móng của bức tường nằm về phía nhà mình và không chịu lý lẽ bên bà X. đưa ra nên quyết không thỏa thuận hỗ trợ gì cả mà đi giám định dù chi phí giám định còn... cao hơn cả giá trị bức tường. Phiên xử phải tạm hoãn để tòa ra quyết định trưng cầu giám định.

Kêu gọi tình làng nghĩa xóm

Sau đó, bên bà T. nộp tiền giám định để làm cho “ra ngô ra khoai” nhưng nhà bà X. lại không cho cơ quan giám định vào làm việc. Cơ quan giám định bó tay, tòa cũng chần chừ mãi, sau nhiều lần hoãn xử, đến một ngày gần cuối năm mới triệu tập hai bên đến tham gia phiên tòa.

Một lần nữa tòa muốn dùng tình nghĩa láng giềng để giải quyết ổn thỏa vụ việc nhưng sự kiên nhẫn của tòa càng lúc càng giảm bởi hai nhà cương quyết “đối đầu, không đối thoại”! Mỗi lần một thành viên hội đồng xét xử đưa ra giải pháp tương đối thỏa đáng thì lại có người chọc ngoáy. Luật sư cũng đồng tình với cách giải quyết của tòa nhưng hai bên đương sự cứ liên tục lắc đầu, chấp nhất nhau từng ly từng tý, khiến luật sư có lúc phải rời bàn đến bên thân chủ để kiềm chế bớt những cái đầu nóng.

Thế rồi, khi bên bà T. đồng ý hỗ trợ cho bên bà X. một khoản tiền để được sở hữu toàn bộ bức tường thì hai nhà lại cãi nhau về giá cả. Bà X. yêu cầu tòa xác định lại giá trị hiện tại của bức tường. Nghe tòa phân tích, bà X. tỏ vẻ xiêu lòng với mức hỗ trợ bên bà T. đưa ra thì bên dưới, người nhà bà X. lại phản đối nên bà X. lập tức thay đổi ý kiến.

Tòa chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán: “Các anh chị làm khó lẫn nhau chi vậy, Tết đến nơi rồi, hàng xóm láng giềng sao không nhân nhượng nhau một chút cho vui vẻ, sớm ra tối vô còn gặp mặt. Thời gian đâu mà suốt ngày cứ phải theo hầu tòa vì một chuyện chẳng đáng vậy. Chúng tôi kêu gọi tình nghĩa làng xóm, ngay lúc yên ổn như thế này mọi người chưa hiểu rõ, đến khi đau ốm mới thấy quý”...

Lời kêu gọi đầy nhẫn nhịn của tòa rồi cũng có tác dụng: Hai bên thỏa thuận là bà T. sở hữu bức tường và hỗ trợ bà X. tám triệu đồng. Ấy thế nhưng khi việc hòa giải tưởng đi đến hồi kết thì lại “bùng nổ” vấn đề mới là khi nào giao tiền, giao như thế nào... Hai nhà buộc tòa phải ghi rõ trong bản án dù tòa giải thích khi bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ thực thi ngay.

Khi tòa hứa làm đúng yêu cầu của họ, cả phòng xử ồ lên vì sự việc cuối cùng cũng kết thúc êm đẹp sau năm năm tranh chấp kịch liệt. Mệt nhừ cho một phiên hòa giải kéo dài từ sáng đến quá trưa nhưng gương mặt của hội đồng xét xử lộ rõ niềm vui. Một thẩm phán nhẹ nhõm nhìn hai nhà tươi cười: “100 lần hòa giải còn hơn một lần thắng thua giữa hàng xóm láng giềng, các anh chị ạ!”.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm