Bồi thường trong án hình sự - Bài 2: Án tuyên thiếu sót, qua loa

Theo đánh giá của TAND tối cao, năm 2007, việc giải quyết phần dân sự trong án hình sự vẫn còn nhiều sai lầm khá phổ biến; số vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm về phần dân sự chiếm tỷ lệ khá cao và không có xu hướng giảm.

Về nguyên nhân chủ quan, những sai lầm này xảy ra bởi khi giải quyết án, có thẩm phán đã không nghiên cứu kỹ Bộ luật Dân sự và các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Vì thế, không ít vụ phía nạn nhân phải tốn công, mất sức theo hầu tòa vì bản án cứ bị hủy tới hủy lui.

Dưới quên, trên sửa thành... sai

Do có tranh chấp trong việc thanh toán tiền “mua” đất, gia đình ông Cảnh và gia đình Trần Thành Dược xảy ra xô xát. Dược xách dao đuổi chém ông Cảnh cho đến khi bị công an bắt. Theo kết luận giám định pháp y, ông Cảnh bị thương tật 60%.

Tháng 2-2004, TAND tỉnh Ninh Bình đã xử sơ thẩm, phạt Dược bảy năm tù về tội cố ý gây thương tích và buộc bồi thường cho ông Cảnh hơn 35 triệu đồng, trong đó có khoản thuốc thang 16 triệu đồng. Sau khi Dược kháng cáo, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã giữ nguyên phần hình sự. Riêng phần dân sự, tòa sửa khoản thuốc thang còn sáu triệu đồng chứ không phải 16 triệu đồng như án sơ thẩm. Với 10 triệu đồng dư ra này, tòa quyết định chuyển thành tiền bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân.

Bản án này đã bị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ phần dân sự. Tháng 2-2006, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng cho rằng tòa sơ thẩm không giải quyết bồi thường tổn thất tinh thần cho nạn nhân là thiếu sót. Tòa phúc thẩm có xem xét nhưng lại chuyển 10 triệu đồng tiền thuốc thang sang khoản này là không đúng nên hủy toàn bộ phần dân sự, trả về cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Tương tự, trong một vụ hiếp dâm ở quận 8 (TP.HCM) mới đây, nạn nhân vì muốn bảo vệ trinh tiết của mình đã nhảy lầu để thoát khỏi sự tấn công của một gã hàng xóm nên bị thương tật khá nặng, bị hoảng loạn về tâm trí. TAND quận 8 xét xử sơ thẩm, xét phần dân sự bồi thường cho người bị hại cũng bỏ sót việc bồi thường tổn thất tinh thần. Hiện nạn nhân đang kháng cáo đòi được bồi thường tổn thất tinh thần theo đúng quy định...

Không tôn trọng thỏa thuận

Khi xử phần dân sự trong án hình sự, những thẩm phán có kinh nghiệm thường động viên bị cáo, nạn nhân thỏa thuận với nhau để dễ thi hành án về sau. Thế nhưng cũng có trường hợp tòa không chịu lắng nghe sự thỏa thuận đó mà tự quyết, rốt cuộc bản án cũng bị hủy.

Tại Ninh Bình, chỉ vì chuyện con dê nhà này đem buộc ở vườn nhà kia mà hai bên hàng xóm đã ẩu đả làm chết người. Tại phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Ninh Bình, hai bên đã thỏa thuận bồi thường 30 triệu đồng về chi phí mai táng. Tuy nhiên, tòa lại phán bị cáo chỉ phải bồi thường năm triệu đồng “theo phong tục tập quán địa phương”. Sau đó, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội cũng đồng ý và giữ nguyên án sơ thẩm.

VKSND tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, cho rằng việc tòa hai cấp sơ, phúc thẩm bác bỏ những thỏa thuận bồi thường chi phí mai táng của đôi bên, buộc bồi thường “theo phong tục tập quán địa phương” là không đúng pháp luật, không có cơ sở. Đồng tình, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hủy án để xét xử lại...

Tuyên chưa cụ thể

Tại Bình Định, dù biết con chưa có giấy phép lái xe, người cha vẫn giao xe ôtô chở gạch cho khách. Người con lái xe gây tai nạn làm chết một người, gây thương tật cho ba người khác nên cả hai cha con đều bị khởi tố. Khi xét xử, về phần dân sự, TAND tỉnh Bình Định tuyên buộc hai bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng 57 triệu đồng.

Sau đó, gia đình nạn nhân kháng cáo xin tăng mức bồi thường, được Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng nâng mức bồi thường thêm 20 triệu đồng. Cả hai bản án sơ, phúc thẩm này sau đó đều đã bị cấp giám đốc thẩm hủy về phần dân sự vì chưa xác định chính xác các khoản bồi thường cũng như phương thức bồi thường ra sao.

Vụ khác, ở Nghệ An, hai bản án sơ, phúc thẩm xử một vụ giết người cũng đều bị hủy phần dân sự để xét xử lại chỉ bởi sự hời hợt khi giải quyết án: Tòa buộc bị cáo bồi thường một lần cho nạn nhân nhưng lại không xác định cụ thể từng khoản. Mặt khác, tòa quyết định khoản cấp dưỡng một lần mà không có sự thỏa thuận của hai bên là trái với quy định!

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm