Bình Thuận: Phá rừng Tà Cú trồng... khoai mì

Ngoài 100 ha đất rừng ở tiểu khu 271 thuộc Khu bảo tồn quốc gia Tà Cú bị chặt phá, san bằng (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 9-5 đã phản ánh), phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM còn phát hiện tại khu vực Bưng Trường (gần tiểu khu 271) cũng lâm vào tình trạng tương tự và đoàn xe cơ giới chuẩn bị vào san ủi!

Rừng vẫn bị phá

Điều không thể chối cãi là nhiều xe cơ giới đã được kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú “mở cửa” cho đột nhập vào rừng san ủi lấy mặt bằng sản xuất. Trong vòng một tuần (từ 21 đến 28-4) có gần 100 ha rừng trong tiểu khu 271 bị triệt phá mặc dù đây là rừng nằm trong phân khu phục hồi sinh thái, đúng ra phải nghiêm cấm tác động dưới mọi hình thức.

Không chỉ dừng lại ở đây, chúng tôi còn nhận được thông tin diện tích rừng Tà Cú bị phá còn lớn hơn nhiều.

Chúng tôi đến Bưng Trường, cách tiểu khu 271 khoảng ba cây số đường chim bay, chứng kiến thêm hàng chục ha rừng sắp bị “lên thớt”. Có hơn hai ha đất vừa cày xới xong nhưng vẫn còn dấu tích chặt phá, phát quang lùm bụi. Kế đó, cây rừng tái sinh vương vãi khắp nơi trên diện tích rộng khoảng 30 ha. Vạt rừng tái sinh với loại cây sến, vừng bị người ta rong cành trụi lũi từ ngọn đến gốc. Tất cả cành, lá đều đã chết khô. Một kiểm lâm viên đi cùng chúng tôi cho biết đây là cách giết dần mòn cây rừng bởi sau khi rong cành, cây không đủ lá che phủ bóng mát sẽ chết đứng trong mùa khô. Ngoài ra, khi máy cày vào cày xới, số cây này bị băm nát, vùi vào đất cày... như thế không ai dễ dàng tìm thấy dấu vết phá rừng. “Nhà nước quyết định là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia thì dù một cành cây nhỏ, lùm bụi hay đất, đá, nguồn nước đều không được tác động đến mà phải bảo tồn bằng mọi giá nhằm bảo vệ nguồn gien hệ động thực vật quý giá tại đây...” - một cán bộ kỹ thuật lâm sinh nói.

Đi đứt hàng trăm ha đất rừng

Được biết, toàn bộ diện tích đất rừng vừa san ủi ở Khu bảo tồn quốc gia Tà Cú là nhằm lấy đất để trồng... củ mì (sắn). Bằng chứng là tại tiểu khu 271, chúng tôi chứng kiến cảnh tập kết hom mì để chuẩn bị xuống giống. Tại sao kiểm lâm khu bảo tồn cho người ngoài phá rừng đặc dụng trồng khoai mì? Thực tế, trong khu bảo tồn trước đây có đất rẫy của dân, sau đó họ không canh tác, rẫy bỏ hoang, rồi rừng chồi tái sinh trên đó. Gần đây, dựa vào lý do “xin lại đất rẫy cũ sản xuất”, một số người ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đến khu bảo tồn xin thuê đất trồng mì. Họ dễ dàng được đột nhập vào trong, đưa cơ giới cày ủi vô tội vạ rừng bảo tồn. Điều đáng nói là qua tìm hiểu của chúng tôi, kiểm lâm khu bảo tồn đứng ra làm “đầu mối” giao đất lại cho các “chủ dự án” phá rừng lấy đất.

Theo một nguồn tin, có ít nhất 300 ha đất, rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú bị xâm hại. Cụ thể, ngoài khu vực suối Vàng (tiểu khu 271) và Bưng Trường mà chúng tôi đã phản ánh, nhiều dấu hiệu cho thấy ở khu giếng Bọc, suối Dứa cũng bị “đưa vào tầm ngắm”. Hôm qua (10-5), tổ cơ động của Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam lần đến các địa chỉ nêu trên để kiểm tra thực tế.

Hiện hồ sơ vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú đã được chuyển sang cơ quan điều tra. Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Đầu năm 2008, tại vùng rừng núi Tà Cú, người ta phát hiện một loài thằn lằn núi vằn ngang rất lạ. Quỹ Quốc tế và bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) đã đặt tên khoa học cho loài thằn lằn này bằng địa danh Tà Cú: takouensis. Tháng 4-2008, Ủy ban IUCN quốc gia Hà Lan quyết định tài trợ nâng cao năng lực bảo tồn và đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Tà Cú. Việc làm này cho thấy hệ sinh thái đa dạng ở khu bảo tồn Tà Cú có vai trò hết sức quan trọng, mang tầm ảnh hưởng cả quốc tế. Theo phân loại của các tổ chức quốc tế, nơi đây thuộc điểm nóng đa dạng sinh học Miến Điện-Đông Dương (Conservation International, 2001).

NGUYỄN PHÚ NHUẬN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm