Bình Dương: Một nghi án oan về kinh tế

Giám đốc và chủ tịch HĐQT Công ty TNHH dệt may Hà Phát đang liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan rằng VKSND tối cao truy tố họ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 8,5 tỷ đồng của một ngân hàng là hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Vay tiền làm ăn

Nguyên năm 2004, Nguyễn Văn Đức và Phạm Thị Anh Đào đến Bình Dương đăng ký thành lập Công ty Hà Phát để sản xuất kinh doanh. Đức làm giám đốc, còn Đào là chủ tịch HĐQT.

Hơn một năm sau, công ty đến chi nhánh của một ngân hàng ở quận 3 (TP.HCM) vay 8,5 tỷ đồng để nhập khẩu thêm máy móc phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất. Ngân hàng đồng ý với điều kiện là Đào phải thế chấp hai căn nhà để đảm bảo. Đào đã làm hợp đồng bảo lãnh, có chứng nhận của công chứng... để vay tiền.

Việc kinh doanh không xuôi chèo mát mái nên sau đó công ty không thực hiện đúng thời hạn trả nợ. Thế rồi, các bên ngồi lại tìm cách gỡ vướng. Tại buổi làm việc, Đào thỏa thuận với ngân hàng là đồng ý nhận trách nhiệm trả nợ thay toàn bộ số tiền vay của Công ty Hà Phát với tài sản thế chấp là hai căn nhà của Đào. Trong hợp đồng, Đào cam kết có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh để đảm bảo nợ vay của công ty.

Kiện cáo lòng vòng

Rắc rối phát sinh khi việc vay nợ chuyển từ công ty sang cá nhân Đào: Sau khi ký hợp đồng chuyển nợ, ngân hàng đồng ý cho Đào vay thêm hai tỷ đồng nữa, nâng số nợ lên thành 10,5 tỷ đồng cũng với tài sản thế chấp là hai căn nhà trên. Tuy nhiên, muốn làm hợp đồng cho vay mới, ngân hàng phải giải ngân khoản vay cũ. Vì thế, ngân hàng đã ra hai thông báo giải chấp hai căn nhà cho Trung tâm thông tin tài nguyên môi trường TP.HCM xóa đăng ký bảo lãnh và làm thủ tục giải chấp ở phòng công chứng.

Sau khi làm các thủ tục giải chấp và thế chấp ở phòng công chứng, Đào không đến ngân hàng hoàn tất thủ tục vay tiền với lý do không có nhu cầu vay hai tỷ đồng nữa (giấy tờ nhà lúc này vẫn đang do ngân hàng giữ). Tiếp đó, Đức và Đào “bán” công ty cho người khác và đổi tên công ty.

Vì thế, lúc đầu ngân hàng kiện Công ty Hà Phát ra TAND tỉnh Bình Dương đòi nợ nhưng sau đó rút đơn kiện, đi tố cáo với công an. Phía Đào cũng làm đơn khởi kiện ngân hàng ra TAND quận 3 (TP.HCM) đòi giấy tờ nhà vì cho rằng ngân hàng đã giải chấp tài sản bảo lãnh. Khi TAND quận 3 đang thụ lý thì cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt Đức và Đào theo tố cáo của ngân hàng. Sau đó, VKSND tối cao đã truy tố họ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở khung hình phạt có mức án đến chung thân (khoản 4 Điều 140 BLHS).

Có hình sự hóa?

Trong cáo trạng, VKSND tối cao lập luận: Đức và Đào sử dụng tiền vay sai mục đích, đến hạn không thanh toán cho ngân hàng. Khi có thông báo giải chấp hai căn nhà, Đức và Đào đã lợi dụng để kiện ra tòa đòi lại giấy tờ nhà, tự rút tên ra khỏi công ty, thay đổi tên công ty... là đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt khoản vay 8,5 tỷ đồng của ngân hàng.

Ngược lại, hai bị cáo luôn một mực kêu oan rằng VKSND tối cao đã can thiệp vào tranh chấp kinh tế. Họ nại rằng việc vay tiền của công ty đã có bảo lãnh bằng hai căn nhà của Đào. Chuyện bán công ty là có thật chứ không phải dựng chuyện. Việc đổi tên công ty là bình thường, không ảnh hưởng gì đến việc Đào bảo lãnh khoản nợ vay bởi trong hợp đồng chuyển nợ đã ghi rõ trong mọi trường hợp, nếu việc chuyển nợ từ công ty sang nợ cá nhân mà không thực hiện được thì Đào sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Cạnh đó, theo hai bị cáo, giấy tờ nhà hiện còn nằm trong két sắt của ngân hàng thì họ có muốn lẩn tránh khoản nợ này cũng không được. Hai bị cáo cũng phản đối chuyện VKSND tối cao quy buộc họ về hành vi kiện ngân hàng ra TAND quận 3 là thủ đoạn gian dối vì trong vụ kiện, ngân hàng cũng có quyền phản tố về khoản nợ 8,5 tỷ đồng, trong khi tòa chưa xét xử thì hà cớ gì lại khởi tố họ?

Trong đơn kêu oan, hai bị cáo còn cho biết trước khi tố cáo đến Bộ Công an, phía ngân hàng đã tố cáo đến Công an TP.HCM nhưng nơi này cho rằng đây chỉ là quan hệ kinh tế nên không khởi tố vụ án.

Liệu rằng trong vụ này, cơ quan tố tụng có hình sự hóa quan hệ kinh tế? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;

(Theo Điều 140 BLHS)

VI TRẦN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm