Bệnh nhân tiêu chảy cấp trốn viện về... đi cấy

Tính đến ngày 8/7, có tới 36/41 bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với phảy khuẩn tả ở Nam Định tự ý bỏ cơ sở điều trị khi chưa được phép, đặc biệt, tại 3 huyện Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng có 100% bệnh nhân đang điều trị đã trốn về.

Ông Khương Thành Vinh, Phó phòng Nghiệp vụ Y, thuộc Sở Y tế Nam Định cho biết: Thực hiện phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy cấp, bệnh nhân phải điều trị tối thiểu từ 2 - 3 tuần, sau khi ổn định phải tham dự 3 lần xét nghiệm nữa mới đủ điều kiện ra viện. Tuy nhiên trên thực tế, điều này rất khó.

Theo số liệu của ngành Y tế Nam Định, gần 100% bệnh nhân bị tiêu chảy cấp trong tỉnh mắc bệnh đợt này là nông dân hoặc đang làm các công việc lên quan đến nông nghiệp. Do công việc đồng áng nên chỉ điều trị ổn định, người dân đã muốn ra viện.

Bà Lại Thị Bích, ở Nam Điền (Nghĩa Hưng), bệnh nhân tự ý bỏ Trạm xá xã về nhà sau khi nhập viện 3 ngày cho biết: Nghe nói bệnh đã ổn định, nằm không ở đây mà ở nhà phải thuê 120.000 đồng/ngày công cấy thì sót ruột lắm, đành phải về thôi!...

Cũng theo ông Vinh, dù các bệnh nhân dương tính với phảy khuẩn tả đều được khám, điều trị miễn phí theo đúng quy định, song vẫn còn nhiều người dân thiếu hiểu biết về mối nguy hiểm của dịch bệnh, chủ quan đã tự ý rời bỏ các cơ sở khám chữa khi chưa được phép của cán bộ điều trị. Hành động trốn viện của người dân không chỉ gây khó khăn cho hoạt động khám, điều trị bệnh mà còn ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, ở một số khu vực như huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, những nơi có điều kiện môi trường chưa đảm bảo (với trên 60% nhà tiêu không hợp vệ sinh) thì vấn đề ngăn chặn mầm bệnh từ môi trường, quản lý, giám sát dịch bệnh ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn...

Đây là lần thứ 2 trong năm 2008, dịch tiêu chảy cấp tái phát trên địa bàn tỉnh Nam Định. Hiện dịch đã xuất hiện tại 3 huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định với 89 người mắc bệnh, trong đó có 41 trường hợp được xác định dương tính với phảy khuẩn tả. Để phòng chống lây lan, Nam định đã nhập thêm 2 tấn Cloramin B.

Tuy nhiên, nếu tình trạng không quản lý được bệnh nhân tại các cơ sở điều trị, nguy cơ dịch tiêu chảy cấp trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Theo TTXVN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm