Bắt nhóm điều hành app Moreloan, VD online, vaytocdo

Ngày 20-4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng.

Năm người bị khởi tố, bắt giam gồm Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (29 tuổi; quốc tịch Trung Quốc), Chề Ngọc Trinh (25 tuổi; quê quán Định Quán, Đồng Nai), Lâm Cảm Quyền (30 tuổi; ngụ quận 5, TP.HCM) và Lài Thế Hùng (26 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP.HCM).

Tu Long, Yuan Deng Hui, Hùng, Quyền và Trinh (từ trái qua) tại cơ quan điều tra. Ảnh: CA

Thuê người làm "tay sai"

Đây là đường dây cho vay qua app hoạt động khoảng sáu tháng nay, nắm trong tay hồ sơ vay vốn của 60.000 người với số tiền 100 tỉ đồng và đã thu lời hàng chục tỉ đồng.

Công an xác định hai người Trung Quốc tên Li và Miao là chủ thực sự của ba công ty gồm Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Vinfin, Công ty TNHH CNTT Beta Manning Vietnam và Công ty TNHH Tư vấn Tài chính Đại Phát.

Hai người này thuê Tu Long và Yuan Deng Hui làm quản lý với mức lương 35 triệu đồng/tháng. Long và Hui có trách nhiệm quản lý nhân viên, thẩm định hồ sơ và nhắc nợ, đòi nợ.

Nhóm còn lại được thuê làm phiên dịch, kế toán với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng. Riêng Quyền được giao thẩm duyệt hồ sơ cho vay và Hùng đảm nhận nhiệm vụ quản lý danh sách người vay đến hạn thanh toán để giao cho bộ phận nhắc, đòi nợ.

Li và Miao tạo ra các app vay tiền chạy trên hệ điều hành Android như "vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”.

Nhóm người Trung Quốc đã thuê người Việt Nam để duy trì hoạt động của các app vay tiền, kể cả việc chửi bới, đòi nợ... Ảnh: CA

Nhóm này chạy quảng cáo trên mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh như vay tiền nhanh, vay tiền không cần gặp trực tiếp, vay tiền không cần thế chấp… để thu hút.  

Khách hàng muốn vay thì hệ thống sẽ yêu cầu tạo một tài khoản, phải cung cấp các thông tin cá nhân như CMND, công việc, số tài khoản ngân hàng và phải đồng ý bảy điều khoản khác nhau.

Một trong các điều khoản là người vay phải cho truy cập danh bạ có hiển thị số điện thoại người thân, gia đình, cơ quan… để chủ app nắm được thông tin, gây áp lực, khủng bố đòi nợ sau này.

Tuyển người chỉ cần biết… chửi

Ứng dụng “Vaytocdo” chỉ cho khách hàng vay số tiền từ khoảng 1,7 triệu đến 2,75 triệu đồng. Như vay 1,7 triệu thì chỉ được nhận 1,42 triệu và sau tám ngày phải trả cả vốn lẫn lãi là 2,04 triệu đồng. Nếu trả chậm một ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.

Với ứng dụng “Moreloan” và “VD online” khách hàng chỉ vay được tối đa 1,5 triệu đồng nhưng khách chỉ nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng kia là phí dịch vụ và tiền lãi trả trước của một tuần.

Sau bảy ngày người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày 2%-5%. Tính ra, mức cho vay qua app là 3%/ngày, 90%/tháng.

Công an ập vào nhiều địa chỉ đặt trụ sở hoạt động của các công ty điều hành app cho vay này. Ảnh: CA

Khi người vay tiền có nhu cầu vay thì hệ thống sẽ báo về cho bộ phận xét duyệt hồ sơ gồm tám nhân viên làm việc liên tục ở căn nhà cho thuê trên đường số 30 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân).

Những nhân viên này được giao tài khoản và mật khẩu để quản lý, liên hệ với người vay để “thẩm tra lý lịch”. Báo cáo sau đó được gửi cho trưởng bộ phận để xét duyệt có được vay hay không.

Riêng bộ phận thu hồi nợ gồm 30 người tập trung ở căn nhà thuê trên đường 28 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân). Nhóm này tuyển dụng những người Việt, không cần trình độ chỉ cần khả năng chửi mắng, đe dọa với mức độ nặng.

Hùng đích thân yêu cầu những người được tuyển dụng chửi bới cho mình nghe thử, nếu thấy đạt mới được nhận với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Một trong các trụ sở đặt tại địa bàn quận Bình Tân (TP.HCM) bị công an kiểm tra. Ảnh: CA

Nhóm này đến hạn sẽ nhắc nợ, nếu khách hàng chây ì sẽ có nhân viên gọi điện đe dọa. Trường hợp khách hàng tiếp tục “nhây” thì sẽ gọi điện cho người thân, gia đình, bè bạn, cơ quan để chửi bới, đe dọa để gây áp lực trả. Hoặc sẽ ghép hình, đăng tải trên trang cá nhân của nạn nhân với nội dung đang truy nã…

Vì sợ, thực tế nhiều người dân lâm vào đường cùng phải vay app này trả cho app kia cuối cùng nợ chồng nợ, gia đình ly tán thậm chí phải tự sát.

Cũng có trường hợp nhân viên đòi nợ cũng phải bó tay vì không thể đòi được. Họ khai “nợ xấu” rơi vào khoảng 20%-30% tổng số cho vay.

Chỉ sáu tháng hoạt động, nhóm này đã có 60.000 người vay lên đến số tiền 100 tỉ đồng.

Theo một cán bộ điều tra, những kẻ cầm đầu thực tế đang ở Trung Quốc, mọi hoạt động đều chỉ huy qua điện thoại, mạng xã hội nên không thể triệt tận gốc.

Trong lúc đó, hàng loạt app vay tiền vẫn tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình ngày 20-4.

Trong lúc đó, do dịch bệnh COVID-19 nên rất nhiều người dân gặp phải hoàn cảnh khó khăn phải vay mượn qua app để đắp đổi qua ngày.

“Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác, nếu kẹt tiền thì có thể vay mượn người thân, bè bạn hoặc ngân hàng chính sách, tránh vay qua app vì lãi cao và thiệt thân” - một cán bộ điều tra cho biết.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM từng có bài viết phản ánh tình trạng các app vay tiền hoạt động rầm rộ trên mạng. Nhiều người dân đã phản ánh về các mức lãi suất cắt cổ, vì vay tiền qua app mà lâm vào đường cùng, có người còn tự sát nhưng bất thành; có người dù đã trả hết nợ nhưng vẫn bị điện thoại đòi, khủng bố suốt ngày đêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm