Bắt giam thanh niên đuổi chém 3 người có dao

Ngày 13-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Khoa (21 tuổi, ngụ đường Võ Văn Tần, phường Phú Tài, TP Phan Thiết) về tội giết người. Quyết định khởi tố và lệnh bắt giam đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Trước đó, rạng sáng 4-3, Ngô Văn Thọ (23 tuổi, ngụ phường Phú Trinh, TP Phan Thiết) cùng hai thanh niên đến một căn nhà trên đường Võ Văn Tần (gần nhà Nguyễn Ngọc Khoa) để đòi nợ.

Khoa ở gần đó đến xem và cự cãi với nhóm Thọ nhưng được mọi người can ngăn. Khi Khoa về nhà, nhóm Thọ đe dọa sẽ chưa bỏ qua vụ việc.

Khoảng 1 giờ 30 cùng ngày, Thọ cùng hai thanh niên kéo đến căn nhà trên tìm Khoa. Nhóm Thọ cầm dao, mã tấu định xông vào bên trong và Khoa đã chủ động cầm kiếm tự chế bước ra nghênh chiến.

Hiện trường vụ án. Nguyễn Ngọc Khoa (ảnh nhỏ) đã bị bắt tạm giam về tội giết người. Ảnh: P.NAM

Hai bên đã lao vào chém nhau loạn xạ trên đường Võ Văn Tần. Khoa sau đó một mình đã đuổi chém ba người và chém trúng vùng cổ của Thọ làm người này gục tại chỗ. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong trong bệnh viện. Khoa cũng bị thương.

Sau khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tử thi, xem xét toàn diện vụ án bởi lúc đầu có thông tin Khoa phòng vệ chính đáng. Thông tin này cho rằng nhóm Thọ đã mang hung khí đến nhà Khoa và có hành vi tấn công là cố ý xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của Khoa và Khoa đã có hành vi chống trả lại.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, trích xuất camera, cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ chứng minh Khoa phạm tội giết người chứ không phải là hành vi chống trả cần thiết.

Đuổi đánh sau khi bị tấn công không phải là phòng vệ chính đáng

Theo luật sư Nguyễn Thị Mỹ Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 22 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Như vậy, khi một người đánh đáp trả, nhóm đối thủ đã bỏ chạy nhưng người này vẫn cầm hung khí đuổi theo và dẫn đến chết người thì không phải là phòng vệ chính đáng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm