Bắn hạ kẻ cuồng sát bé sơ sinh

Chiều 6-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã ra Phú Quốc khám nghiệm tử thi và tiếp tục điều tra làm rõ vụ một người say rượu định giết cháu bé, đã bị công an địa phương bắn hạ.

Theo Công an tỉnh Kiên Giang, vào khoảng 3 giờ ngày 6-9, sau khi nhậu say, Nguyễn Văn Hữu (26 tuổi, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc) có hành vi gây rối hàng xóm, đập cửa buộc những người trong nhà phải mở cửa để cho Hữu “nói chuyện”.

Khi đến nhà chị Trương Thị Cam Ly, Hữu cũng gõ cửa và chửi bới. Thấy vậy anh Trương Việt Hùng (em chị Ly) ra mở cửa. Liền đó, Hữu xông vào nhà đập phá đồ đạc rồi chạy thẳng tận buồng ngủ của chị Ly cầm đá đập vào đầu khiến chị Ly bất tỉnh. Sau đó Hữu nắm hai chân con của chị Ly mới 13 ngày tuổi mang ra ngoài dọa giết cháu bé.

Chị Ly đang được hồi sức tại BV Phú Quốc. Ảnh: CTV

Trước tình huống bất ngờ, người nhà chị Ly báo cơ quan chức năng. Nhận tin báo, Công an thị trấn Dương Đông cử lực lượng đến nơi vận động, thuyết phục Hữu buông tha cháu bé gần hai tiếng đồng hồ nhưng Hữu không chấp hành. Lúc này Hữu còn tỏ ra hung hăng hơn, dìm nhúng cháu bé vào bồn nước. Để bảo vệ tính mạng cháu bé, Thiếu tá Lê Minh Chánh - Trưởng Công an thị trấn Dương Đông đã rút súng bắn một phát trúng bụng Hữu rồi nhanh chóng ôm lấy cháu bé ra khỏi bồn nước.

Ngay sau đó, lực lượng công an đã đưa mẹ con chị Ly và Hữu đi cấp cứu tại BV Đa khoa Phú Quốc. Đến 8 giờ 30 cùng ngày, Hữu đã tử vong trong bệnh viện. Chị Ly vẫn còn tiếp tục cấp cứu, riêng cháu bé sức khỏe đã ổn định.

Công an đã nổ súng đúng

Tôi cho rằng hành động nổ súng của Thiếu tá Lê Minh Chánh trong trường hợp này là đúng. Nó nằm trong quy định pháp luật cho phép và phù hợp với thực tế tình huống.

Về pháp lý, phải khẳng định ông Chánh đang thi hành công vụ. Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) đã quy định người thi hành công vụ được nổ súng khi: Phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết; khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo… Trong khi khoản 1 Điều 15 BLHS quy định phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Như vậy hành vi nổ súng của Thiếu tá Chánh thỏa mãn các quy định nêu trên. Diễn biến vụ việc cho thấy quá trình thuyết phục của công an kéo dài từ khoảng 3 giờ đến 5 giờ sáng (tức là nếu có say rượu thì nồng độ cũng đã giảm bớt rất nhiều, không còn mất tỉnh táo nữa) nhưng Hữu không nghe. Chứng tỏ đối tượng có ý định cố tình giết cháu bé sau khi đã hành hung mẹ cháu. Mặt khác, khi đối tượng đã nắm hai chân cháu bé nhúng vào bồn nước rồi ông Chánh mới bắn, như vậy đây là tình huống không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của Hữu. Lúc này nhiệm vụ cứu cháu bé là quan trọng nhất và cần thiết vì Hữu đang quyết tâm tước đoạt sinh mạng của cháu bé mới được 13 ngày tuổi.

ThS NGUYỄN ĐÌNH THẮM, khoa Tội phạm học và điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

THANH TÙNG ghi

Trong trường hợp này, vị trưởng Công an thị trấn Dương Đông không vi phạm các quy định pháp luật và của ngành. Lý do: Theo quy định, trước khi nổ súng vào đối tượng thì người công an phải bắn chỉ thiên ba phát. Tuy nhiên, đây là trường hợp nguy cấp nên phải nổ súng ngay để trấn áp đối tượng, bảo vệ an toàn cho cháu bé. Trường hợp này đã được quy định rõ tại Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12.

Một điều tra viên C45 (Bộ Công an)

HỒNG TRÂM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm