Bài 2: Trong giải pháp cấp bách, không thể có “ba chờ”!

Đầu tư công không hiệu quả góp phần gây lạm phát, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân do giá tiêu dùng tăng cao. Phải loại bỏ sự khề khà bàn giấy thì việc rà soát đầu tư công mới hiệu quả.

“Cứu hỏa” vẫn phải chờ... đề cương!

Nói đến tính khẩn cấp của chống lạm phát, có nhiều ý kiến cho rằng chống lạm phát phải khẩn trương như cứu hỏa. Một trong 19 giải pháp chống lạm phát Chính phủ vừa công bố, có giải pháp cắt giảm chi tiêu công. Theo đó phải rà soát các dự án đầu tư công để đình hoãn các công trình kém hiệu quả, dãn tiến độ một số dự án... Ý kiến của Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, cơ quan chịu trách nhiệm chính về rà soát các dự án nhằm cắt giảm chi tiêu công khiến nhiều ý kiến thật sự băn khoăn. “Chúng tôi đang lên đề cương cho chuyến kiểm tra tới đây… Chắc phải một thời gian nữa mới lên được danh sách dự án nào dừng cấp vốn, dự án nào dãn tiến độ… Bộ phải xây dựng tiêu chí rà soát để biết cái nào có thể “khoan khoan” được, dự án nào chưa thật sự hiệu quả, chưa khẩn cấp…”.

Cả nước đang sốt ruột, mong mỏi các giải pháp cấp bách phát huy tác dụng. Người viết đoan chắc rằng người biết được nội dung từ khi dự thảo chỉ thị không ai khác chính là Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính (cũng không loại trừ khả năng hai bộ này là tác giả của các giải pháp đó). Dẫu biết rằng khi “làm ăn” bài bản, trước khi làm việc gì đều phải làm đề cương. Nhưng thời gian sau khi Chính phủ công bố các giải pháp cấp bách đã gần 10 ngày mà Bộ KH&ĐT vẫn đang lên đề cương cho chuyến kiểm tra thì quả thật quá chậm trễ. Cung cách làm này không phản ánh đúng tinh thần của các giải pháp được gọi là cấp bách.

Cũng như vậy trong thực tế cuộc sống, khi xem xét, đánh giá việc gì như chấm điểm khen thưởng, kỷ luật, trọng tài xét xử đều phải có tiêu chí. Có dựa trên tiêu chí thì công việc mới khách quan, chính xác, khoa học, công tâm. Thiết nghĩ tiêu chí rà soát để đánh giá các dự án phải có từ lâu chứ đâu đợi vào lúc nước sôi lửa bỏng này Bộ mới xây dựng tiêu chí. Quả thật là không hiểu nổi!? Một bộ máy hành chính đồ sộ, trùng trùng điệp điệp cơ quan này, cơ quan nọ, từ thống kê, khoa học đến thanh tra, kiểm tra, giám sát... mà từ lâu vắng bóng các tiêu chí cơ bản để giám sát hoạt động đầu tư. Một bộ máy quá nặng nề như vậy mà xoay chuyển ì ạch, phản ứng chậm chạp. Phải chăng do cơ chế còn phảng phất tệ quan liêu, câu nệ, thủ tục rườm rà, thói bàn giấy khề khà?

Thời điểm này, người dân rất cần những hành động cấp bách cụ thể. Dân cần lắm rồi, quan hãy khẩn trương lên. Giải pháp dù có chuẩn đến đâu, tuyệt vời đến đâu đi nữa nhưng với cung cách tổ chức thực hiện giải pháp như hiện nay thì thật đáng lo ngại.

Một giảng viên chương trình kinh tế Fulbright:

Cần một cơ chế kiểm tra độc lập

Muốn đình hay giãn các dự án đầu tư công kém hiệu quả, trước tiên ta phải làm sao không để lợi ích cá nhân, nhóm xen vào. Bởi đằng sau các dự án này là các tổng công ty A, tập đoàn B.

Hiện nay một dự án sử dụng tiền ngân sách thường thông qua nhiều cấp phê duyệt. Ví dụ, một con đường do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng phải trình qua Bộ KH&ĐT, sau đó muốn rút tiền phải thông qua Kho bạc nhà nước... Do vậy, một khi đình lại hay giãn các dự án nào đó thì quy trình kiểm tra cũng phải thông qua nhiều cấp quản lý giống như lúc phê duyệt dự án.

Nói thật, với cơ chế quản lý như hiện nay thì rất khó dừng hay giãn các dự án đầu tư công. Vì cơ chế hiện nay mới chỉ có “đôn đốc” hoặc “kiểm tra” thông thường nên không thể dẫn ra cụ thể ngay được dự án nào đầu tư kém, lãng phí. Trong thực tế đã có nhiều chủ đầu tư khi bị kiểm tra cứ vờ xin khắc phục nhưng sau đó không làm theo thì cấp quản lý cũng đành chịu. Theo tôi, muốn chỉ ra đâu là đầu tư công lãng phí thì Chính phủ cần xây dựng một cơ chế giám sát độc lập, khách quan. Ngay như hội đồng thẩm định các dự án công cũng phải độc lập. Có như vậy ta mới mong xác định được cái nào đang sử dụng vốn nhà nước lãng phí. Chứ như cơ chế hiện nay, với một hệ thống kiểm tra, giám sát chằng chịt bộ, ngành nào cũng có vai trò nhưng khi đụng chuyện, bảo ai đứng ra chịu trách nhiệm thì không ai cả.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế TP.HCM:

Hãy ra “tối hậu thư” cho các dự án

Để thực hiện Văn bản 319 của Thủ tướng về chống lạm phát, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra gắt gao. Các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các công trình sử dụng vốn nhà nước cần phải thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao.

Nhiều năm qua, Thủ tướng cũng đã không ít lần yêu cầu các bộ, ngành từ chối các dự án đầu tư không hiệu quả, ngăn chặn việc đầu tư dàn trải nhưng kết quả thu về rất thấp. Cái khó là cơ chế phối hợp “lắt léo”, dễ gây khó khăn khi cần sự quyết định dứt điểm. Do đó lần này, trong lúc chưa có một cơ chế cho việc giám sát độc lập để chỉ ra đâu là các dự án đầu tư kém hiệu quả trong lúc chờ tiêu chí sàng lọc các dự án thì các cơ quan được giao triển khai chỉ thị này phải tăng cường kiểm tra thường xuyên, gắt gao các dự án công hơn. Tại sao không thử ra một “tối hậu thư”? Vừa qua, UBND TP.HCM đã ra “tối hậu thư” cho các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, xác định luôn ngày hoàn thành cho các chủ đầu tư là một ví dụ rất sinh động về việc kiểm tra, đôn đốc này.

BÙI NHƠN ghi

DIÊP VĂN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm