Án giết người dã man có xu hướng tăng

Chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 cũng như kỳ họp Quốc hội cuối năm, ngày 9-9, Ủy ban Tư pháp đã mở phiên họp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ và TAND Tối cao, VKSND Tối cao.

Giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao

Điểm đáng chú ý trong báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015 do Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày là trong năm, Bộ đã chỉ đạo điều tra, khám phá kịp thời nhiều vụ án lớn, trong đó có những vụ giết nhiều người dã man ở Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái và rất nhiều vụ án ma túy lớn.

Ông Vương cho biết hoạt động của các băng nhóm tội phạm còn tiềm ẩn nhiều phức tạp ở các thành phố lớn và khu vực giáp ranh, chủ yếu dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức cờ bạc, cá độ với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao trong tổng số án giết người. Các vụ giết người với thủ đoạn dã man, tàn bạo có xu hướng tăng. Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ sát hại nhiều người trong một gia đình làm dư luận xã hội bức xúc, lo lắng.

Tội phạm ma túy có những diễn biến phức tạp mới là vận chuyển ma túy có vũ trang từ khu vực biên giới Lào vào sâu nội địa qua ngả Sơn La, Hòa Bình. Các nhóm tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng sẵn sàng tấn công, chống trả lực lượng vây bắt. Một số tổ chức tội phạm quốc tế đang lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển ma túy đi nước khác tiêu thụ.

 
Bị can Nguyễn Hải Dương trong buổi thực nghiệm hiện trường vụ thảm sát ở Bình Phước. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Chống tội phạm tham nhũng kém, vì sao?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong phòng, chống tội phạm nhưng vẫn cho rằng báo cáo trên chưa đầy đủ, toàn diện. “Đây là báo cáo của Chính phủ, phạm vi rộng chứ không chỉ là phần phòng, chống tội phạm. Nội dung chỉ thế này thì thành ra báo cáo của ngành công an”.

Theo ông Hồng, vi phạm hành chính là một mảng vô cùng lớn chưa được Chính phủ chú trọng đánh giá, phân tích. Chẳng hạn, các tài liệu liên quan mà Chính phủ cung cấp thiếu vắng hoàn toàn thông tin về phòng ngừa và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tài chính, công thương, nông nghiệp. Tình trạng ấy đã được Quốc hội góp ý nhiều năm nhưng đến nay chưa khắc phục.

“Về tội phạm, ta có phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm. Khi phát động các phong trào này, tôi thấy khí thế lắm. Giờ đánh giá là chưa hiệu quả thì có lẽ cũng cần tổng kết xem thế nào” - ông Hồng góp ý.

Cũng bình luận về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đánh giá cao kết quả đấu tranh chống tội phạm ma túy. Năm qua, ngành công an đã phá nhiều vụ lớn, quy mô hàng trăm bánh heroin. Để được như vậy, ngành công an đã điều tra cơ bản, trinh sát, tổ chức đặc tình rất tốt.

“Ma túy làm được như vậy thì tại sao án kinh tế, tham nhũng lại trinh sát, ngăn ngừa kém hiệu quả? Những vụ vỡ nợ, tham nhũng thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện. Báo cáo nói số lượng vụ án tham nhũng bị phát hiện giảm nhưng vẫn đánh giá tình hình tham nhũng phức tạp. Vậy nguyên nhân như thế nào?”.

Những vấn đề nêu trên, theo các ủy viên Ủy ban Tư pháp, đều không phải là mới. Vấn đề là liệu Chính phủ có thể hoàn thiện báo cáo của mình để giải đáp được và có giải pháp khắc phục ngay trong kỳ họp Quốc hội cuối năm - cũng là năm cuối của nhiệm kỳ 2011-2016 - hay không.

Luật sư bị làm khó: “Nói có sách, mách có chứng”

Cũng trong phiên họp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đã phản ánh tâm tư của giới luật sư khi bị làm khó dễ trong hành nghề.

Dẫn ra con số hơn 130.000 người bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam trong năm qua để so sánh với hơn 7.500 luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa, ông Thịnh cho rằng tỉ lệ các vụ hình sự có luật sư tham gia là rất thấp, chỉ khoảng 5,7%.

“Phản ánh của luật sư là gần như không thể tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra. Chúng tôi khẳng định là có sự cản trở. Chúng tôi có thể chỉ rõ rừng vụ án. Đề nghị Bộ Công an trả lời rõ vấn đề này” - ông Thịnh khẳng định.

Theo ông Thịnh, quyền được bào chữa là quyền hiến định, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo cũng như quyền hành nghề của luật sư cũng đã được luật quy định rất rõ ràng. Nhưng tỉ lệ số luật sư được cấp giấy chứng nhận bào chữa rất thấp kể trên đã cho thấy một thực tế khác hẳn.

“Tỉ lệ vụ án có luật sư tham gia càng cao thì xã hội càng tin tưởng vào nền tư pháp. Các cơ quan tư pháp có làm tốt đến mấy mà không có luật sư tham gia thì xã hội không thể biết mà đánh giá, ghi nhận” - ông Thịnh nói.

Thẩm tra nhiều báo cáo quan trọng

Phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp sẽ kéo dài đến 11-9 với các nội dung: Thẩm tra bốn báo cáo của Chính phủ về phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác thi hành án; về phòng, chống tham nhũng; về tổng kết thí điểm chế định thừa phát lại. Thẩm tra bốn báo cáo của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao về công tác năm và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của hai ngành. Phần cuối, Ủy ban Tư pháp sẽ thẩm tra dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm