Nghịch lý: Bắt cướp giật nhưng phải thả - Bài cuối

Án cướp giật: Cần có hướng dẫn đường lối xét xử

Thực tế với án cướp giật, các cơ quan tố tụng đang gặp khó khi xử lý nghi can vì nhiều lý do, trong đó không có bị hại, bị hại không hợp tác, không thu được vật chứng...

Các chuyên gia cho là để đấu tranh với loại tội phạm gây bức xúc trong dân trong giai đoạn hiện nay cần có hướng dẫn linh hoạt để góp phần đấu tranh triệt để hơn.

Nên theo hướng “có đầy đủ các chứng cứ khác”

Theo ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), hiện pháp luật hình sự quy định rõ cấu thành tội cướp giật tài sản gồm: Có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác; người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt công khai, nhanh chóng.

Dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc để cấu thành tội phạm và trị giá của tài sản chỉ có ý nghĩa trong việc định khung hình phạt.

Trên thực tế, nếu không tìm kiếm được bị hại thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự người có hành vi vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm cướp giật, thiết nghĩ cần một văn bản hướng dẫn về đường lối xử lý theo hướng: Trong trường hợp không xác định được bị hại nhưng có đầy đủ chứng cứ chứng minh người phạm tội đã thực hiện hành vi cướp giật tài sản trên thực tế như có người làm chứng, có hình ảnh ghi nhận diễn biến của quá trình thực hiện tội phạm, có tang vật… thì xử lý về tội cướp giật tài sản.

Hình sự liên quận bắt một vụ cướp giật trên đường Ba Tháng Hai và tang vật tháng 10-2019. Ảnh: N.TRÀ

Thực thi cơ chế bảo vệ người bị hại

ThS Lê Nguyễn Nhật Minh (giảng viên Khoa luật, ĐH Kinh tế - Luật) nói: Tội cướp giật tài sản có đặc trưng là hành vi cướp giật diễn ra nhanh và người thực hiện nhanh chóng tẩu thoát, khiến người bị hại không kịp phản ứng.

Để có căn cứ khởi tố, ngoài các yếu tố cấu thành của tội này thì vẫn cần đến sự có mặt của người bị hại, vì tang vật là chưa đủ để chứng minh cho hành vi cướp giật.

Để giảm thiểu nạn cướp giật tài sản, cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ việc quản lý đối tượng để chủ động phòng ngừa hiệu quả theo từng địa bàn, khu dân cư... Cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác cảnh báo cho người dân, hướng dẫn các biện pháp đề phòng cũng như cách thức báo tin cho công an. 

Lời khai của người bị hại là một căn cứ có tính quyết định trong việc khởi tố vụ án hoặc khởi tố bị can.

Tuy nhiên, thực tế một số người bị hại từ chối hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do như bị hại đeo trang sức giả, sợ trả thù, chưa mất tài sản hoặc tài sản không lớn hoặc “của đi thay người”… Đây là một thực tế mà không hoàn toàn là lỗi của người bị hại. Bởi khi họ hợp tác với công an, dù nhiều hay ít họ cũng phải đánh đổi an toàn bản thân để tham gia quá trình tố tụng.

Một nghịch lý đang tồn tại trong các nền tố tụng hình sự là có sự xung đột giữa cơ chế đảm bảo an toàn cho nạn nhân và nguyên tắc xét xử công bằng đối với bị can/bị cáo, pháp luật về hình sự ở ta cũng không ngoại lệ. Nạn nhân khi ra mặt chỉ điểm người có hành vi phạm tội có thể sẽ bị trả thù hoặc mất mát thêm những lợi ích khác. Thế nhưng nếu như xét xử thiếu mất yếu tố người bị hại hoặc giấu danh tính của người bị hại thì không thể đảm bảo nguyên tắc xét xử công bằng. Điều này luôn nan giải mà các mô hình tư pháp phải đối mặt.

Hành vi cướp giật, nếu đem so với những hành vi phạm tội khác, chưa phải là hành vi đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng thực tế những vụ án cướp giật đang gia tăng mà công an không thể xử lý do người bị hại từ chối hợp tác. Điều này đặt ra vấn đề: Đã đến lúc cần thực thi triệt để các quy định có sẵn, phát triển và hoàn thiện các cơ chế đảm bảo an toàn cho người bị hại.

Một cơ chế tư pháp chắc chắn và an toàn cho người bị hại sẽ có vai trò thiết yếu trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, không chỉ tội phạm đường phố.

Theo thống kê của Công an TP Thượng Hải (Trung Quốc), tỉ lệ khám phá án trộm cắp, cướp giật đạt tới 90%. Lý do là họ có hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, định vị, dễ dàng tìm được bị hại, đối tượng.

Ở Việt Nam, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, trang thiết bị kỹ thuật, camera còn hạn chế. Đặt trong tình huống bất ngờ bị cướp giật, việc ghi nhớ thông tin đặc điểm rất khó với người dân. Hiện nay Công an TP.HCM tiếp nhận thông tin tội phạm qua nhiều kênh khác nhau: Báo chí, mạng xã hội, Facebook, Zalo. Nhiều quận, huyện đã lập Zalo để tiếp nhận thông tin ban đầu. Việc mời nạn nhân đến làm việc cũng nhằm mục đích là có thêm tình tiết để nhanh chóng khám phá án, trả lại tài sản cho bà con.

Để kéo giảm tình trạng cướp giật ở TP hiện nay, trước hết mỗi người dân đều phải nâng cao cảnh giác trong bảo vệ tài sản của mình, nếu không may trở thành nạn nhân cần đến cơ quan chức năng gần nhất trình báo, cung cấp thông tin.

Việt Nam đang xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp phần mềm nhận diện khuôn mặt, phương tiện. Khi hoàn thành, công tác phá án sẽ thuận lợi hơn.

Một lãnh đạo cấp phòng Công an TP.HCM

N.TRÀ 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

5 người nhốt tổ công tác của huyện bị bắt

(PLO)- 5 người bị bắt vì khống chế, nhốt tổ công tác của UBND huyện Tam Bình, Vĩnh Long đưa vào chánh điện của một ngôi chùa, không cho ra ngoài và hành hung khi tổ công tác đến xác minh vụ việc.