2 nghi can đâm tử vong 2 ‘hiệp sĩ’ sa lưới

Ngày 15-5, Thiếu tướng Phan Anh Minh chủ trì buổi họp để thông tin chính thức với báo chí về nhóm trộm xe SH đâm chết hai “hiệp sĩ”.

“Đây là nỗi day dứt của Công an TP.HCM”

Tại cuộc họp, lãnh đạo PC45 Công an TP.HCM khái quát nội dung vụ án: Khoảng 20 giờ 30 ngày 13-5, nhóm “hiệp sĩ” do ông Trần Văn Hoàng làm đội trưởng đang trên đường tuần tra thì phát hiện hai người đi trên xe Exciter có nghi vấn. Lúc này, nhóm “hiệp sĩ” lao vào cưỡng chế nhưng bị kẻ trộm dùng dao tấn công nhóm “hiệp sĩ” rồi tẩu thoát.

Hai nghi can Nguyễn Hoàng Châu Phú và Nguyễn Tấn Tài bị bắt giữ

Do vết thương quá nặng nên hai “hiệp sĩ”chết, ba “hiệp sĩ” còn lại bị thương nặng.

Sau khi sự việc xảy ra, Thiếu tướng Phan Anh Minh đã chủ trì cuộc họp với các phòng ban nghiệp vụ và Công an quận 3, 10, huyện Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh,… dùng biện pháp nghiệp vụ xác định Nguyễn Hoàng Châu Phú và Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”) là nghi can của vụ cướp.

Chưa đầy 10 tiếng gây án, sáng 14-5, Công an huyện Hóc Môn đã bắt giữ Nguyễn Hoàng Châu Phú để đấu tranh nhưng Phú không khai nhận hành vi phạm tội.

Đến khuya cùng ngày, khoảng 50 trinh sát vây bắt Nguyễn Tấn Tài tại một căn nhà trong hẻm trên địa bàn phường 9, quận Gò Vấp, thu giữ một chiếc xe Exciter trong nhà của nghi can.

Sau khi bị bắt giữ, hai nghi can khai nhận đêm xảy ra vụ án, Tài đã gọi Phú rủ đi ăn trộm và cả hai sử dụng chiếc xe Exciter của Tài làm phương tiện gây án. Chạy qua nhiều địa bàn, khi đến đường Cách Mạng Tháng Tám thì cả hai phát hiện có người dựng xe trước một cửa hàng nên Tài dùng đoản bẻ khóa phá cổ xe. Khi bị phát hiện, Tài dùng dao đâm chém gây thương tích nhiều người rồi cả hai chạy trốn.

Công an xác định Tài đã dùng biển số giả gắn vào xe Exciter khi đi gây án. Công an phát hiện có vết máu trên chiếc xe này và đã thu thập vết máu, có khả năng là của ba nạn nhân. Ngoài ra trên quần áo, tư trang của Phú và Tài cũng có vết máu, cần thời gian xét nghiệm.

“Công an TP.HCM nhìn nhận sự việc này không chỉ gây đau thương, mất mát đối với gia đình năm nạn nhân mà còn gây phẫn uất, day dứt với lãnh đạo Công an TP.HCM. Chúng tôi coi đây là trách nhiệm của mình, mong muốn phần nào làm dịu nỗi đau những người đã hy sinh mất mát. Mặc dù UBND TP có khen thưởng nhưng phần thưởng sẽ giao lại để chăm sóc cho năm nạn nhân” - Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ.

Thiếu tướng Phan Anh Minh chủ trì buổi họp thông tin với báo chí về nhóm trộm xe SH đâm chết hai “hiệp sĩ”. Ảnh: LÊ THOA

Không có chuyện công an làm ngơ khi trộm đâm “hiệp sĩ”

Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định sau khi sự việc đau lòng xảy ra, có một số thông tin trên mạng chưa phù hợp.

“Trong hai ngày qua Công an TP.HCM đã nhận rất nhiều sự phê phán, chê trách, cho rằng một công an phường dửng dưng với tin báo của người dân nên vụ án mới xảy ra. Đây là thông tin không đầy đủ” - ông Minh nói.

Theo chỉ đạo của bộ trưởng Công an, Công an TP.HCM đã kiểm tra, xác định vụ trộm xảy ra bên phường 3, quận 10, là ranh giới giữa quận 3 và quận 10; còn án mạng xảy ra tại quận 3. Sở dĩ Công an phường 2 và bảo vệ dân phố có mặt gần đó là do tình hình phức tạp tại nghĩa trang Hồi giáo, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương nên Công an quận 3 đã phân công công an các phường hỗ trợ để canh giữ hoạt động mê tín dị đoan, gây mất trật tự tại nghĩa trang giải tỏa.

Sau khi sự việc xảy ra, có người dân tới báo rằng thấy dấu máu và tụ tập đông người, nghi có đánh nhau. Cán bộ Công an phường 2 trả lời rằng đang trực chốt, không đến hiện trường nên có cử bảo vệ dân phố chạy đến Công an phường 10, quận 3 thông báo nhưng khi đến thì công an phường này đã biết sự việc và đã triển khai. Do đó, công an phường đã làm đủ chức trách của mình.

Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay: Khi trích xuất camera cho thấy băng cướp tấn công các "hiệp sĩ" trong thời gian rất ngắn, chỉ 13 giây. Tiếp nhận và điều tra ban đầu vụ cướp là nữ phó trưởng Công an quận 3 phụ trách công tác điều tra và phòng, chống tội phạm. “Chị có con nhỏ nhưng nửa tháng nay khi xảy ra vụ đánh nhau ở đường Hoàng Sa đến khi xảy ra vụ án "hiệp sĩ" thì gần như chị không gặp mặt con mình, rất ít về nhà” - ông Minh cho hay.

Ông cho hay chị đã liên tục tham gia truy xét và là người phát hiện băng nhóm này. Chị đã trích xuất, đưa các đối tượng bị bắt ở công an các quận ra xét hỏi và đã thu thập được những thông tin hết sức quý giá để xác định kẻ gây ra vụ án. 

“Không vì đau thương mất mát này để tìm ra tổ chức nào đó ném đá, chịu trách nhiệm” - Thiếu tướng chia sẻ.

Tại buổi họp báo sáng 15-5, Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận định sự việc trộm xe đâm chết hai “hiệp sĩ” là do nhóm “hiệp sĩ” chưa lường trước được sự nguy hiểm nên mới xảy ra hậu quả đau lòng. “Đây là bài học lớn. Đương nhiên trong cuộc đấu tranh phải hạn chế tối đa thiệt hại này” - ông nói.

Ông cũng cho hay nhóm “hiệp sĩ” do ông Trần Văn Hoàng làm đội trưởng đã từng bắt được hai đối tượng trong băng nhóm trộm cắp của Tài “mụn” ở quận Tân Bình và huyện Hóc Môn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua và Công an TP.HCM sẽ tập hợp những thành tích từ khi thành lập của nhóm “hiệp sĩ” để khen thưởng.

“Công an TP.HCM đồng tình và sẽ tập hợp hồ sơ đề nghị phong liệt sĩ đối với hai “hiệp sĩ” đã hy sinh. Ngoài ra sẽ có khen thưởng và truy tặng khen thưởng xứng đáng cho nhóm năm “hiệp sĩ” gồm ba người bị thương và hai người chết” - ông nói.

‘Mô hình ‘hiệp sĩ’ cần có quy chuẩn, quy chế’

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết công an có biết về hoạt động của các nhóm “hiệp sĩ” đường phố nhưng không đầy đủ vì các nhóm hình thành tự phát. Thời gian qua, công an các phường, cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều đối tượng được các nhóm “hiệp sĩ” bắt giữ nhưng khó phân định xem nhóm đó có ổn định hay không.

Mô hình người dân tham gia phòng, chống tội phạm nếu không được bồi dưỡng, quản lý thì nguy cơ lệch lạc cũng rất lớn. Lúc trước có một số mô hình trở thành nơi che giấu, tiếp tay tội phạm. “Thực ra tôi muốn các mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, “hiệp sĩ” đường phố trở thành mô hình chính thức, hoạch định ổn định lâu dài…” - ông nói thêm.

Ông cũng cho rằng mô hình “hiệp sĩ” chưa được công nhận trong khi chúng ta cần quy chế cụ thể để họ được phép làm gì, không làm gì, được trang bị gì. Người muốn trở thành “hiệp sĩ” phải đảm bảo về mặt đạo đức, tư chất,… nên cần xây dựng quy chuẩn rõ ràng.

Ông cũng cho hay từ ba năm nay, Công an TP.HCM đã nghiên cứu, thậm chí khi dự hội nghị tại Bình Dương thì thấy mô hình phòng, chống tội phạm của tỉnh này chưa thấy căn cứ pháp lý quy định cụ thể.

“Mô hình này là làm việc nghĩa nhưng có thể xảy ra mất mát, hy sinh và cần được quản lý, công nhận, bồi dưỡng, hỗ trợ kỹ năng, kiến thức pháp luật, những gì được và không được làm; xác định rõ giới hạn. Khi phát hiện thông tin về tội phạm, các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm cần có sự hỗ trợ của công an khi sự việc vượt quá khả năng giải quyết của các “hiệp sĩ”...”.      

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm