Dựng cầu tõm giữa thị trấn để nuôi cá

Người dân trên đường Hồ Văn Suối, khu phố 3, thị trấn Gò Dầu (Tây Ninh) phản ánh tại đây có ba ao cá khá lớn. Diện tích mỗi ao hơn 100 m2, trong ao nuôi nhiều cá và trên mỗi mặt ao có 6-8 chiếc cầu cá, hay gọi nôm na là cầu tõm, được dựng khá sơ sài. Chủ ao cho người dân xung quanh đó đến dùng cầu cá miễn phí vì họ chỉ cần lấy “thức ăn” nuôi cá. Chính vì thế hằng ngày có rất đông người dân đến đây sử dụng cầu cá mặc dù nhiều hộ đã có nhà vệ sinh riêng.

Theo ông Cường, chủ một ao cá ở đây thì những chiếc cầu cá này là một nghề kinh doanh kiếm lợi lớn. “Mỗi năm thả vài ngàn con cá tra, cá hường, cá rô phi, cá trê xuống ao, không cần bỏ tiền mua thức ăn cho cá, chỉ bỏ chút công dọn dẹp, đốt rác. Đến kỳ thu hoạch cá bán được cả trăm triệu đồng” - ông hào hứng nói.

Chính vì vậy, không chỉ ông Cường mà chủ hai ao cá còn lại vẫn muốn giữ những cầu tõm này, không chịu dẹp bỏ dù nó khá mất mỹ quan. Hơn nữa, dù các ao đều được đặt ống cống thông ra con rạch Kỳ Đà nhưng do lượng chất thải xả xuống ao lớn nên nước vẫn có màu xanh đục, đóng bợn và bốc mùi khó chịu. Nguồn nước ấy mỗi ngày, đặc biệt vào mùa mưa này, cứ theo thủy triều vào ra con rạch rồi đổ ra sông Vàm Cỏ Đông. Một số người dân bức xúc vì lo lắng nguồn nước này mang theo nhiều vi trùng, có thể gây bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng. Tuy nhiên, các hộ dân không biết bao giờ thì tình trạng này mới được xóa bỏ.

Người dân địa phương tự đến sử dụng cầu tõm. Ảnh: THANH DIỆU

Phản hồi về vấn đề trên, ông Đặng Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Gò Dầu, cho biết: Hiện nay thị trấn Gò Dầu là nơi duy nhất còn tập trung nhiều cầu cá như vậy. Vài năm trước, để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, chính quyền địa phương đã có chủ trương buộc các chủ ao cá dỡ bỏ tất cả cầu cá, ngừng hẳn cách làm kinh tế gia đình theo kiểu này. Tuy nhiên, việc này chưa thực hiện được triệt để.

Năm 2017 huyện đề ra hướng giải quyết bằng cách ban hành nghị quyết hỗ trợ, phân bổ cho thị trấn Gò Dầu sáu suất vay, mỗi suất 12 triệu đồng để thực hiện ba hạng mục: Xây nhà vệ sinh, nhà tắm và sử dụng nước sạch. Mặc dù đây là khoản vay được ưu đãi nhưng nhiều hộ dân chưa ý thức được đây là việc cần thiết. Chỉ cần vài hộ không đồng ý thì cầu cá vẫn cứ tồn tại.

Hiện nay thị trấn không được bố trí nguồn kinh phí thực hiện đề án nước sạch nông thôn nên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, địa phương đang chuyển mình để trở thành đô thị loại 4 trong tương lai. Giữa một thị trấn văn minh, việc tồn tại hàng chục cầu cá như vậy là điều rất khó chấp nhận.

“Do vậy, UBND thị trấn đang quyết tâm chỉ đạo các hộ dân ở khu phố 3 thực hiện cam kết xóa cầu cá, song song với đó là cho bà con vay vốn ưu đãi để thực hiện các hạng mục phục vụ dân sinh như trên” - ông Thương khẳng định.

Bạn đọc cần phản ánh, cung cấp thông tin vui lòng liên hệ: Điện thoại: 0982000333 - (08) 39919613; Email: banbandoc@ phapluattp.vn.

BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm