Bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm do tai nạn giao thông

Hỏi:
Xin hỏi, vừa qua người thân của tôi trên đường lưu thông bằng xe đạp và có va chạm với ô tô chạy cùng chiều. Kết quả, người thân của tôi chết tại chỗ. Khi đó xe đạp chạy sát lề bên phải, thời điểm va chạm thì ô tô tông từ phía sau.

Sau khi pháp y giám định nạn nhân (người điều khiển xe đạp) xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong là phía sau đầu bị tổn thương nặng, gãy ba sườn bên phải. Trong lúc mai táng nạn nhân thì bên chủ xe có đến chia buồn cùng gia đình, gia đình tài xế có đưa tiền mai táng cho nạn nhân (Lưu ý: Nạn nhân là nam có vợ và bốn người con, hiện đang làm thuê ở Long An để kiếm tiền trả nợ (61 tuổi)). Vậy xin hỏi luật sư:

1. Trách nhiệm bồi thường như thế nào?

2. Thời gian xét xử vụ tai nạn này tối đa là bao lâu, nếu lâu quá thì bên người bị nạn có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xử sớm hơn được không?

Xin thành thật cám ơn!

Trả lời:

Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ về con đường mà hai phương tiện đi có phân làn đường hay không (làn đường dành cho ô tô, xe máy, thô sơ và phương tiện khác...) nên rất khó để xác định lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Tuy nhiên, trong trường hợp có phân làn đường và người điểu khiển xe đạp đi đúng làn đường của mình thì lỗi được xác định từ phía người điều khiển ô tô nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Cụ thể:

Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Theo đó, do người mất đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng bốn người con nên phía bên người gây tai nạn (điều khiển ô tô) ngoài việc lo phần chi phí mai táng, khoản tiền bù đắp về tinh thần cho gia đình của họ (không quá 60 tháng lương tối thiểu) thì còn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bốn người con của họ cho tới khi đủ 18 tuổi hoặc đến khi họ mất theo khoản 2 Điều 612 bộ luật này). Cụ thể:

Điều 612. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm

...

2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:

a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

- Thời gian giải quyết tai nạn giao thông:Trong trường hợp của bạn đưa ra nếu có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì tổng thời gian giải quyết trường hợp này có thể kéo dài tới một năm hoặc hơn một năm (vì trải qua nhiều giai đoạn từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm...). Theo đó, do mỗi giai đoạn đã có quy định thời gian nhất định và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nên gia đình bị thiệt hại không có cơ sở để đưa ra yêu cầu xét xử sớm (trừ trường hợp quá thời gian giải quyết mà chưa giải quyết mới có quyền làm đơn khiếu nại yêu cầu).

Trân trọng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm